(NADS) – Năm 20 tuổi ông vào Sài Gòn tìm cách lập thân. Ông học chụp ảnh và trở thành một trong bảy người vận động thành lập “Hội Điện ảnh Việt Nam” vào năm 1937-1938. Thu hút được sự ủng hộ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thời đó như Năm Phỉ, Phùng Há, Ái Liên, Năm Châu nhưng việc không thành. Ông phải đi làm thợ ảnh trên tàu Aramis chạy từ Mác xây đi Cô-bê, nhưng rồi ông lại trở về Tổ quốc.
Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thay đổi cuộc đời ông. Ông nói về cuộc đời nghệ thuật của mình một cách giản dị:“Tôi có may mắn trở thành một chứng nhân lịch sử”.
Vào mùa thu lịch sử năm 1945, sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, ba mươi hai ông chủ hiệu ảnh của Hà Nội thời đó họp lại cử sáu người có tay nghề cao và nhiệt tình với cách mạng tới Phủ Chủ tịch được phép chụp ảnh Bác để tuyên truyền cho cả nước biết. Đó cũng là lần đầu tiên Vũ Năng An được gặp Bác Hồ và bức ảnh ông chụp người được phổ biến trong cả nước.
Từ một người thợ ảnh yêu quê hương đất nước, Vũ Năng An trở thành người chiến sĩ với phương tiện là chiếc máy ảnh trong tay. Từ năm 1947 đến hết kháng chiến chống Pháp, Vũ Năng An phụ trách Ban Nhiếp ảnh tại Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh và Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Thời gian này ông chụp bức ảnh nổi tiếng: “Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê” (năm 1950). Lúc đó, Vũ Năng An được phân công là nhiếp ảnh của Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới năm 1950. Bức ảnh chụp tại Đài quan sát của chiến dịch Biên giới. Bác dùng ống viễn kính để quan sát cứ điểm. Vũ Năng An đã chụp hai kiểu ảnh bằng máy Rolleiflex dùng phim lớn (6×6)cm khi dựa lưng vào vách núi ngắm hình ảnh Bác. Đó là những hình ảnh sống động và chân thật vừa mang tính phóng sự vừa giàu chất thẩm mỹ. Gắn với tên tuổi nổi tiếng của một nhà cách mạng kiệt xuất, bức ảnh vĩnh viễn đi vào lịch sử cách mạng và lịch sử thế giới. Bức ảnh được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996. Năm 1959 Vũ Năng An lại ghi thêm một thành công với bức ảnh chụp Bác Hồ ở hồ Yxưcun thuộc Cộng hòa Kadắcxtan. Vẻ đẹp mới mẻ của Bác Hồ qua bức ảnh được ghi nhận như một sáng tạo về chụp ảnh lãnh tụ.
Ngoài mảng ảnh thành công về đề tài Bác Hồ, Vũ Năng An còn có những bức ảnh đi vào lịch sử nhiếp ảnh và lịch sử cách mạng Việt Nam như “Đánh chiếm Phủ Khâm Sai”, “Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát Lớn 19-8-1945”, “Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt nhân dân”, “Quốc Hội họp lần đầu tiên”,… Bộ ảnh của ông về Cách mạng tháng Tám năm 1945 phong phú về đề tài và có chất lượng thể hiện cao. Những bức ảnh về thời kỳ chống Pháp, ảnh đoàn đại biểu ta dự hội nghị quốc tế Giơnevơ ký hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954 là những sử liệu quý giá về một giai đoạn lịch sử quan trọng.
Từ cuối năm 1954, Vũ Năng An chuyển sang hoạt động điện ảnh. Ông theo đoàn làm phim nước ngoài của đạo diễn Rô manh Các men làm bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi. Làm xong bộ phim này, Vũ Năng An lại theo giúp cho bộ phim “Cây Tre Việt Nam”, một bộ phim do nữ đạo diễn Ba Lan Hêlêna Lêmanxca đạo diễn. Ông đi Liên Xô thực tập về quản lý ở hãng Mốtxphim. Năm 1960 ông làm chủ nhiệm phim “Lửa Trung Tuyến”. Sau đó ông được cử làm Phó Giám đốc Xưởng phim Truyện Việt Nam. Thời gian này ông đã mang hai bộ phim truyện “Biển lửa” và “Nổi gió” sang dự Liên hoan phim tại Cáclovy Vary (Tiệp Khắc trước đây).
Từ năm 1972 đến 1979, ông làm Giám đốc Xưởng phim Truyện Việt Nam. Điều ông tâm đắc nhất là việc thông qua kế hoạch đột xuất năm 1975 gồm những kịch bản và phim tài liệu đóng góp vào trang sử giải phóng miền Nam, hàng vạn mét phim âm bản có tính tài liệu và lịch sử được dựng thành năm bộ phim. Các bộ phim đó là của nhiều tác giả khác nhau ghi được dấu ấn của một thời kỳ lịch sử.
Ông là gương mặt tiêu biểu của nghệ thuật nhiếp ảnh và điện ảnh Việt Nam. Ông còn là tấm gương về sự mẫu mực liêm khiết hết lòng vì sự nghiệp chung của những người làm nghệ thuật.
Nguồn: https://nhiepanhdoisong.vn/vu-nang-an-toi-co-may-man-tro-thanh-mot-chung-nhan-lich-su-15167.html