(NADS) – Tác phẩm “Phất cờ trên nóc hầm De Castries (7/5/1954)” trong bộ ảnh “Chiến thắng Điện Biên Phủ” của NSNA Triệu Đại đã trở thành hình ảnh biểu tượng cho khoảnh khắc lịch sử này. Bộ ảnh để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân, góp phần vào thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, là bằng chứng khẳng định chiến thắng tất yếu của nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp.
Từ nhỏ Triệu Đại đã học nghề ảnh và đi làm thuê tại các hiệu ảnh nổi tiếng ở Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, Triệu Đại tham gia đội tự vệ và Thanh niên cứu quốc ở Thủ đô. Ông được cử làm Bí thư Đoàn rồi Bí thư Đảng của đô thị Vân Đình. Thời gian này ông mở một hiệu ảnh để làm trạm liên lạc cho cách mạng và hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin. Năm 1949, Triệu Đại được điều động vào bộ đội, tham gia chiến dịch Biên giới. Từ đó ông chính thức là người lính được giao nhiệm vụ chụp ảnh các trận đánh của quân đội ta. Triệu Đại là tác giả của toàn bộ ảnh về chiến dịch Biên giới, chiến thắng đường số 4, chiến thắng Đông Khê, Thất Khê. Sau chiến thắng Đông Khê, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và được tổ chức phân công về Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị.
Ngày 20 – 11 – 1953, quân đội viễn chinh Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để xây dựng tập đoàn cứ điểm. Từ căn cứ Việt Bắc, Triệu Đại được Cục trưởng Cục Tuyên huấn, thuộc Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ: Chuẩn bị phim và máy ảnh đi mặt trận với lời căn dặn: “Đợt đi xa này rất quan trọng. Phải làm cho nhiếp ảnh đợt này có một vị trí xứng đáng với tầm vóc của chiến dịch và chiến công của các chiến sĩ ta”. Lời căn dặn đó đã khiến ông cảm thấy phấn chấn, vui và tự hào. Vì giờ đây ông đã trở thành người chiến sĩ quân đội nhân dân. Được Đảng, quân đội tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng, trao cho vũ khí là chiếc máy ảnh để ghi lại những hình ảnh lịch sử của chiến dịch. Học tập chỉnh huấn xong, ông cùng các anh em trong Cục Tuyên huấn xuống đơn vị để hành quân gấp ra mặt trận. Từ Tuyên Quang, bộ đội hành quân về Yên Bái, qua phà Âu Lâu rồi vượt đèo Lũng Lô qua thác Vạn Yên sông Đà, rồi leo đèo Pha Đin.
Dọc đường hành quân, ông tranh thủ chụp những hình ảnh tưng bừng náo nhiệt của chiến dịch, bộ đội, dân công, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, cùng các chiến sĩ công binh mở đường cho xe ra phía trước. Nhưng vì lúc đó phim ảnh quá hiếm, nên mỗi lần bấm máy là mỗi lần ông phải rất thận trọng để chụp chính xác và tiết kiệm phim. Sau gần một tháng ròng rã hành quân, trên đường Tuần Giáo đi Điện Biên, ông được lệnh quay về nhận nhiệm vụ ở Sở chỉ huy mặt trận đóng ở Mường Phăng. Đến nơi, ông được biết: Ta tập trung mở chiến dịch lớn lấy tên là Trần Đình (tức chiến dịch Điện Biên Phủ). Ngay lập tức, ông đã ghi được bức ảnh Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đang giao nhiệm vụ cho các cán bộ chỉ huy mặt trận trên sa bàn đắp nổi. Đây chính là bức ảnh mở đầu cho hàng loạt ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Triệu Đại được cử về Sư đoàn 312 – sư đoàn đánh mở đầu chiến dịch. Vai đeo máy ảnh, ông cùng các chiến sĩ mang súng tiến quân ép sát vào lòng chảo Điện Biên, bao vây tập đoàn cứ điểm của Pháp.
Mùa xuân năm 1954, hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc. Tiếng hò kéo pháo vang dội. Ngày 13/3, bộ đội tấn công vào Him Lam, mở màn chiến dịch. Sau loạt tiếng bộc phá xung kích, bộ đội ta lao lên. Triệu Đại chạy theo và đã chớp được những hình ảnh quân ta xông lên giữa khói lửa mịt mùng… Sau đó ông chuyển sang đồi E sống cùng trên chói với chiến sĩ. Ban ngày len lỏi các chiến hào để chụp. Ban đêm lại cùng anh em đào công sự.
Sáng sớm ngày 7-5-1954, từ bản Hồng Lếch, Triệu Đại cùng bộ đội tiến vào Khu trung tâm. Đến 3 giờ chiều thì nhận được lệnh: Bằng bất cứ giá nào, bộ đội ta cũng phải vượt qua cầu Mường Thanh. Triệu Đại lập tức vượt lên phía trước tìm vị trí để chụp trong làn đạn địch bắn liên tục từ bên kia cầu. Đạn rơi cả xuống sông Nậm Rốm sủi cả bọt. Các chiến sĩ ta, chân dép cao su, đầu đội mũ lưới ào ào vượt qua cầu, tiếng hô xung phong vang dội. Triệu Đại cũng xông lên và bấm máy. Nhìn thấy 5 chiến sĩ ở tổ mũi nhọn cầm cờ tiến về hầm Đờ Cát, ông liền chạy theo, nhưng bị pháo địch bắn chặn. Khoảng 5 giờ chiều, ông mới tiến kịp các chiến sĩ xung kích. Quân ta đã chiếm được Sở chỉ huy, phất cờ trên nắp hầm Đờ Cát, Triệu Đại bấm liền 5 kiểu phim. Cũng là lúc tiếng reo hò của quân và dân ta dậy lên như sấm: Điện Biên giải phóng rồi anh em ơi! Tù binh từ các hầm, hào lũ lượt cầm cờ trắng kéo ra đầu hàng. Triệu Đại lại nhanh chóng tìm vị trí chụp cảnh hàng binh Pháp. Đêm ấy không ai ngủ. Triệu Đại cũng thế. Ông cùng các chiến sĩ ngồi trên nóc hầm Đờ Cát trong niềm vui chiến thắng.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Triệu Đại được phân công làm tờ báo ảnh “Hình ảnh quân đội”. Vào năm 1967, ông đi chiến trường miền Nam, hoạt động ở vùng Khe Sanh, Quảng Trị. Năm 1971 ông nghỉ hưu, tiếp tục làm dịch vụ nhiếp ảnh, giữ niềm đam mê yêu thích với nhiếp ảnh trọn đời.
Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – nghệ thuật cho lĩnh vực nhiếp ảnh với bộ ảnh “Chiến thắng Điện Biên Phủ” này. Sau này, bộ ảnh được dùng làm tư liệu, cảm hứng để hơn 200 hoạ sĩ sử dụng và tái hiện lại trong tác phẩm kỷ lục – bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” ra mắt công chúng lần đầu vào năm 2021. Tranh sử dụng chất liệu sơn dầu tái hiện toàn cảnh chiến dịch “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta.
Nguồn: https://nhiepanhdoisong.vn/nsna-trieu-dai-va-nhung-khoanh-khac-cua-bo-anh-lich-su-chien-thang-dien-bien-phu-14478.html