Video: Trên những chuyến tàu chở niềm vui sum họp.
Những chuyến tàu Tết luôn có nhiều điều khác lạ, cả hành khách và tổ tàu đều bâng khuâng.
Một năm có 12 tháng thì có tới 8 tháng mùa vé tàu hỏa thấp điểm. Khi đó, tàu chủ yếu chạy rỗng, không có khách, cho dù giá vé giảm tới 50%. Những khi ấy, nhân viên trên tàu buồn vui thế nào, ít người nhắc tới.
Còn Tết là dịp cao điểm phục vụ khách, họ là những người về nhà sau cùng, đón mùa xuân muộn nhất, vui buồn của họ, thiệt thòi của họ cũng chỉ tự nén tiếng thở dài, lấy việc đem Tết sum vầy đi muôn nơi làm động lực tiếp tục “bám đường ray”.
Chuyện “vẹn nghề thì chẳng thể trọn nghĩa” luôn là mối day dứt với những người làm đường sắt.
Đoàn viên, sum vầy dịp Tết Nguyên đán là mong ước của mọi gia đình. Nhưng những cán bộ công nhân viên ngành đường sắt đón thời khắc Xuân mới lại ở nơi chỉ có đồng nghiệp. Họ tìm thấy niềm hạnh phúc khi mang niềm vui sum vầy cho hàng triệu gia đình.
Từ lúc vào nghề đến nay cũng 11 năm, vợ chồng anh Lê Thành Vân (38 tuổi) và chị Trần Thị Nhung (33 tuổi) chưa năm nào được ở nhà ngày 30 và mùng 1 Tết. Anh Vân là Trưởng tàu khách AE3/4 chạy tuyến Bắc – Nam, chị Nhung làm ở tổ tiếp viên. Hai vợ chồng làm ở hai mác tàu khác nhau nên khi anh được nghỉ thì chị lên tàu, thành ra mọi người cùng cơ quan hay gọi “vợ chồng mặt trăng mặt trời”.
“Biết sao giờ, vì con nên vợ chồng phải đi khác tổ tàu để có thời gian chăm con. Nhưng không phải lúc nào sự “phân công” đó cũng suôn sẻ. Có những khi đường sắt gặp sự cố, con phải nhờ hàng xóm trông giúp. Như năm 2017, sự cố khiến cả tôi và vợ bị kẹt lại ga Tuy Hòa (Phú Yên) gần một tháng, khi đó nếu không có hàng xóm giúp trông con thì vợ chồng không biết xoay xở ra sao”, anh Vân chia sẻ.
Anh cho biết con gái 8 tuổi chưa một lần được cùng bố mẹ trải qua thời khắc giao thừa. Nhiều khi vợ chồng anh chỉ ước, thời khắc chuyển giao năm cũ qua năm mới, tàu dừng thêm vài phút ở ga gần nhà để chạy về thắp vội nén hương lên bàn thờ tổ tiên, ngồi xuống giường, âu yếm hôn con say ngủ, gửi tới ba mẹ, vợ con thêm một lời chúc năm mới tốt lành… Nhưng mong ước ấy, hơn 10 năm nay vẫn xa diệu vợi.
“Cảm giác ấm cúng trong đêm giao thừa là điều ai cũng mong mỏi nhưng với nhân viên đường sắt chúng tôi mong đợi đó đành gác lại. Bởi hành khách đang đợi và hạnh phúc của chúng tôi là đem niềm vui sum vầy đến cho rất nhiều hành khách và gia đình của họ”, anh Vân chia sẻ.
Từ lúc vào nghề đến nay cũng 11 năm, vợ chồng anh Lê Thành Vân (38 tuổi) và chị Trần Thị Nhung (33 tuổi) chưa năm nào được ở nhà ngày 30 và mùng 1 Tết. (Ảnh: NVCC)
Trầm ngâm ít phút, anh Vân tiếp tục câu chuyện của mình: “Dịp Tết Dương lịch vừa qua là một nỗi buồn, sự day dứt rất lớn với tôi. Đúng ngày 1/1/2024 vào lúc 14h15 đang chuẩn bị chở đoàn khách du lịch đi chơi Phan Thiết về ga Sài Gòn thì ở nhà điện báo bố mất. Tôi đã phải chạy vào phòng của mình trên tàu để che giấu cảm xúc và khóc một chút vì không thể bên cạnh lúc bố trút hơi thở cuối cùng.
Về đến ga Sài Gòn thì các chuyến bay về Vinh đều hết vé. Sáng hôm sau tôi mới bay chuyến sớm nhất về nhưng cũng không kịp nhìn mặt bố, và chỉ còn đúng 5 phút là hạ huyệt mộ bố xuống. Tôi về chỉ kịp bốc vài nắm cát để lấp mộ bố. Cả họ hàng đều chờ mong vì tôi là con trai duy nhất”.
Đặc thù nghề nghiệp khiến những nhân viên đường sắt như anh Vân chịu thiệt thòi vì phải xa nhà, xa người thân trong khoảnh khắc đón năm mới hay những việc đại sự trong gia đình cũng chẳng thể có mặt.
“Nỗi buồn thì nhiều nhưng niềm vui cũng không kém nên vợ chồng tôi vẫn chọn công việc đường sắt vì được gặp nhiều người, đi nhiều nơi… Đó là điều các ngành nghề khác không bao giờ có được”, anh Vân nhoẻn miệng cười sau ánh mắt vẫn còn đỏ hoe.
Và những chuyện “vẹn nghề thì chẳng thể trọn nghĩa” luôn là mối day dứt với những người làm đường sắt.
Sáng 28 tháng Chạp, anh Nguyễn Hữu Toản – Phó tàu SE3/4 đang trên hành trình từ TP.HCM ra Hà Nội thì nghe tin mẹ ở nhà gặp tai nạn vào viện cấp cứu. Ba anh bị bệnh hiểm nghèo cũng đang điều trị tại TP.HCM, nhà neo người nên hiện mẹ anh không có người chăm sóc.
Ruột gan nóng như lửa đốt, anh vội điện cho lãnh đạo, xin xuống ga Nghệ An để vào chăm mẹ 1 ngày. “Mùa cao điểm Tết, nghỉ một ngày là việc dồn lên anh em khác trên tàu. Khổ tâm lắm”, anh Toản trầm ngâm.
Và chuyện theo những con tàu đón giao thừa trên đường ray dần thành là “chuyện ngày thường” với những người gắn bó lâu năm với ngành đường sắt.
Tiếng hú của con tàu lại vang lên mỗi khi rời ga trong đêm se lạnh, hai bên đường loang loáng bóng người và xe cộ lùi dần phía sau. Đoàn tàu vẫn lao đi trong màn đêm, tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình.
Chuyến tàu cuối năm chở đầy yêu thương với niềm vui được đoàn tụ đang hối hả nối tiếp nhau trên đường ray…
Trên chiếc bàn nhỏ trong phòng trưởng tàu SE10 tuyến Bắc – Nam, bó hoa mận rừng do một hành khách khi xuống ga kiên quyết ấn vào tay anh Toản “để tàu thêm không khí Tết” âm thầm ủ nụ trong lớp vỏ xù xì rêu mốc….
Ngày Tết sum vầy đang đến thật gần với tất cả mọi người, nhưng xa vời vợi với người đưa những chuyến tàu xuyên giao thừa.
Xin được kết lại “hành trình cuối năm” bằng chia sẻ của Trưởng tàu Lê Thành Vân muốn gửi đến đồng nghiệp của mình, như một lời cảm ơn với những người “chở mùa xuân về với mọi nhà”:
“Tết này bạn ở đâu?
Thời khắc sắp bước sang năm mới với nhà nhà người người quây quần bên nhau để đón giao thừa thì chúng tôi những người nhân viên đường sắt vẫn giống như ngày thường.
Công việc chọn người đi làm đêm giao thừa hay hết cả ba ngày Tết là chuyện tất cả nhân viên đường sắt trải qua. Chúng tôi thấy va-li, túi xách của hành khách căng đầy còn chúng tôi hình như nặng hơn rất nhiều vì chứa đựng biết bao nỗi nhớ.
Ai cũng háo hức về nhà sau một năm đầy vất vả. Nhưng năm nay tôi con gái nhỏ bé ngày nào còn theo ba đi tàu vì không có ai trông đã có thể tự lập về quê ăn Tết với ông bà ngoại.
Thế là cũng như bao ngày cứ 20h30 con lại gọi zalo để nói chuyện với ba nhưng hôm nay con cứ khóc hoài không chịu nín, chỉ hỏi: “Sao người ta có ba mẹ ở bên cạnh mà con thì không có hả ba? Con thấy tủi thân quá ba ơi”.
Câu nói làm trái tim tôi như ngừng lại, phải nuốt nước mắt vào và che giấu cảm xúc thật của mình đi và trả lời con: “Cố đợi nhé, ba sẽ về!” – “Thế con đợi ba bao ngày nữa hả ba?”.
Một thiệt thòi với toàn thể con em và nhân viên làm việc trên tàu đó là lúc người ta vui nhất thì mình lại buồn nhất vì mình chở mọi người về quê đoàn tụ, chở mọi người đi du xuân nhưng mình chỉ có thể nhìn thôi khi tàu dừng tại quê nhà mà lại không thể về. Nếu chúng tôi cũng giống như bạn thì ai sẽ là người đưa các bạn về quê .
Mỗi công việc đều có sứ mệnh riêng và đều cao quý cả khi được đặt vào hoàn cảnh phù hợp.
Hãy cố lên các bạn tôi ơi! Đừng buồn , đừng buồn nhé!”.