Tăng sản xuất và nhập khẩu thêm 4,3 tỉ kWh điện
Theo Bộ Công thương, trong quý 1, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi mạnh, dẫn đến nhu cầu phụ tải điện tăng cao. Đa số các tổng công ty điện lực đều có mức tăng sản lượng điện tiêu thụ 2 con số, cao nhất là Tổng công ty Điện lực miền Trung tăng 13,11%, Tổng công ty Điện lực miền Nam tăng 13,02%… Đáng lưu ý, một số tỉnh thành có lượng điện cung cấp cho công nghiệp tăng vọt như tại Quảng Ninh tăng gần 45%, tại Tây Ninh tăng hơn 27%, Bình Định tăng gần 24,3%… Tương tự, điện cấp cho kinh doanh dịch vụ cũng tăng mạnh tại Khánh Hòa lên gần 39%, Quảng Nam tăng hơn 33%, Đà Nẵng hơn 28%…
Dữ liệu từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cũng cho thấy tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài ở nhiều địa phương những ngày qua khiến tiêu thụ điện trên toàn quốc tiếp tục duy trì ở mức cao. Lượng điện tiêu thụ trung bình mỗi ngày của cả nước tới 881,2 triệu kWh, cao hơn 2,4 triệu kWh so với tuần trước. Trong tháng 4, so với kế hoạch dự kiến từ cuối năm 2023, tiêu thụ điện trong thực tế đã tăng cao hơn 15,5 triệu kWh. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm, điện thương phẩm ở miền Bắc chỉ tăng chưa tới 10%, mức tăng thấp nhất trong 5 tổng công ty điện lực thuộc EVN. Thế nhưng, mới vào mùa khô, tiêu thụ điện một tuần qua tại khu vực này đã tăng thêm hơn 13 triệu kWh/ngày.
Đáng nói, dù ngành điện đã chủ động lên kế hoạch trữ nước cho các hồ thủy điện từ rất sớm, song lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc khá thấp, chỉ đạt khoảng 25 – 80% trung bình nhiều năm. Khu vực miền Trung đang có tới 21/27 hồ có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với mức trung bình nhiều năm, chỉ đạt từ 17 – 92% của trung bình nhiều năm. Tại khu vực miền Nam, ngoại trừ hồ thủy điện Đồng Nai 2, Trị An có nước về cao hơn trung bình nhiều năm, tất cả các hồ còn lại trong khu vực đều có nước về chỉ đạt từ 24 – 74% trung bình nhiều năm.
Trước diễn biến trên, Bộ Công thương mới đây đã ban hành Quyết định 924 điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 4 – 7). Theo đó, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 được điều chỉnh là 310,6 tỉ kWh, trong đó, điện cho mùa khô là 150,916 tỉ kWh và mùa mưa là 159,684 tỉ kWh. Tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc các tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 4 – 7) trong năm nay để dự phòng được điều chỉnh là 111,468 tỉ kWh.
Như vậy, tổng điện năng vừa được phê duyệt cao hơn so với mức kế hoạch trước đó là 4,341 tỉ kWh. Trong đó, sản lượng điện tăng thêm trong mùa khô là 2,427 tỉ kWh và mùa mưa là gần 2 tỉ kWh. Đặc biệt, với kịch bản cấp điện trong các tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 4 – 7) với tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn quốc được điều chỉnh là 111,468 tỉ kWh, cao hơn 2,285 tỉ kWh so với kế hoạch đã được phê duyệt trước là 109,183 tỉ kWh.
Bộ Công thương cho biết đây là điểm mới trong công tác điều hành cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia, đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tế nhằm chủ động trong mọi tình hình. Trong bối cảnh tình hình thủy văn vẫn không thuận lợi, các nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than khu vực miền Bắc đã được huy động cao ngay đầu mùa nóng để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao hơn so với dự báo. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị lên kế hoạch cung ứng điện, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đảm bảo cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu) đầy đủ, có dự phòng phù hợp cho sản xuất điện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung năng lượng do nguyên nhân chủ quan.
Áp lực vẫn rất lớn
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình – thành viên Hội đồng khoa học tạp chí của Hiệp hội Năng lượng VN – nhận xét nguồn huy động tăng thêm vẫn “chưa ăn thua” so với nhu cầu phụ tải tăng tại miền Bắc trong bối cảnh không có nguồn tăng. Theo kế hoạch, đường dây 500 kV mạch 3 cuối tháng 6 hoàn thành, giả sử kịp tiến độ thì mùa khô tại khu vực miền Bắc là từ giữa tháng 5 và kéo dài cả tháng 6. Trong khi đó, các giải pháp tăng điện than, điện chạy dầu lên kịch khung nhằm bù cho thủy điện thì từ năm ngoái đã triển khai và ngành cũng bị áp lực lớn vì thiếu điện. Sản lượng dự kiến tăng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng không đáng kể. Năm nay có thêm nguồn điện khí từ nhà máy Phú Mỹ nhưng đường truyền tải không kịp vào mùa khô thì miền Bắc vẫn có 1 tháng rưỡi không có nguồn cung tăng đáng kể so với nhu cầu.
“Các nguồn tại miền Bắc được điều chỉnh tăng trong mùa khô này cũng chỉ “ăn đong” nhưng vẫn là sự nỗ lực rất lớn của ngành. Hiện mọi sự mong chờ là nắng hạn ngắn ngày lại. Nếu trong tháng 6, số ngày nắng nóng kéo dài tầm 5 – 7 ngày rồi có mưa, mát thì lượng nước về hồ sẽ tốt hơn, còn nắng nóng kéo dài 10 – 20 ngày thì thủy điện cạn nước, các nguồn cung bổ sung sẽ không bù đắp nổi cho nguồn thủy điện tại khu vực này”, ông Đình phân tích tình thế.
TS Nguyễn Huy Hoạch (Hiệp hội Năng lượng VN) thì lạc quan hơn: Từ đầu năm đến nay, phụ tải điện quốc gia tăng trưởng khoảng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, phụ tải tại miền Nam tăng cao nhất. Tuy vậy, hệ thống điện vận hành an toàn, việc cung cấp điện trong thời gian qua được thực hiện khá tốt, đảm bảo đủ điện phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như sinh hoạt của nhân dân. Cho đến nay, chưa có sự cố nào xảy ra đối với nguồn cung.
Với những biến đổi khó lường của thời tiết, nắng nóng tăng nhanh, kéo dài hơn mọi năm, song những biện pháp mà Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã thực hiện trong quý 1 từ huy động cao các nguồn nhiệt điện than, năng lượng tái tạo, hay điện khí, thậm chí nhiệt điện dầu nhằm giảm huy động công suất từ các nhà máy thủy điện, tích trữ nước cho các hồ thủy điện là hoàn toàn hợp lý. Với kịch bản mới, phụ tải tiếp tục tăng trong thời gian tới, hy vọng EVN sẽ đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mùa khô và cả năm nay.
EVN cho biết đã cập nhật kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô và cả năm hay đến các đơn vị trực thuộc tập đoàn. Theo đó, dựa trên kế hoạch cung ứng điện điều chỉnh tăng của Bộ Công thương, đại diện EVN cho biết đã chỉ đạo lập phương thức, điều hành hệ thống điện và thị trường điện tối ưu, xây dựng các kịch bản tùy vào nhu cầu phụ tải, diễn biến thủy văn để chủ động cung cấp đủ điện trong mọi tình huống. Huy động tối ưu các nguồn điện, tăng cường truyền tải tối đa điện từ miền Trung ra Bắc và điều tiết giữ nước các hồ thủy điện ở mức nước cao; chỉ đạo các công ty phát điện, các nhà máy điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Petrovietnam, TKV, Tổng công ty than Đông Bắc và chủ đầu tư các nguồn điện khác để đảm bảo cung ứng nhiên liệu và năng lực sản xuất điện.