Sáng 31-3, tại Trung tâm hội nghị 25B (TP Thanh Hóa), đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn chủ trì Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023. Nhiều vấn đề hết sức nóng, ảnh hưởng tới sự sống còn của các doanh nghiệp được kiến nghị tại hội nghị như: giá nguyên vật liệu tăng cao, nhiều cơ sở bị đình chỉ vì vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy đứng trước nguy cơ phá sản, lãi suất ngân hàng tăng cao, không tiếp cận được với nguồn vốn vay…
Tham dự hội nghị có đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị cấp tỉnh; Bí thư và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; 300 đại biểu thuộc Ban Chấp hành Hiệp hội DN tỉnh và các DN đại diện cho các hiệp hội, hội ngành hàng; các ngân hàng thương mại; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Thanh Hóa; các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh…
Hội nghị gặp gỡ DN năm 2023 được tổ chức nhằm tiếp nhận các phản ánh, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của cộng đồng DN; trên cơ sở đó, các cấp chính quyền và doanh nghiệp cùng trao đổi, giải đáp, tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời động viên, khuyến khích các doanh nhân, DN vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục lao động sáng tạo, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có uy tín, chất lượng trên thị trường, góp phần xây dựng cộng đồng DN ngày càng vững mạnh và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Các nhóm kiến nghị, đề xuất đã được các DN đại diện cho các hội, hiệp hội, ngành hàng gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp thành các nhóm nội dung, như sau: Vướng mắc về thủ tục pháp lý; bất cập về các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, gia hạn thời gian sử dụng đất, vốn hóa giá trị quyền sử dụng đất; công tác phòng cháy, chữa cháy; các chính sách thuế hỗ trợ DN, các chi phí thuế tài nguyên, thuế môi trường, thuế nhập khẩu, giá thuê đất; tiếp cận vốn ngân hàng; giá vật liệu xây dựng; tuyển dụng lao động; kết nối thị trường tiêu thụ; bố trí vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư các khu tái định cư; hỗ trợ thủ tục tiếp nhận chuyên gia nước ngoài; quy hoạch các bãi đậu đỗ xe và hoạt động của xe điện tại các khu du lịch; thực hiện thủ tục hành chính, trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành giải đáp, trả lời các kiến nghị, đề xuất của DN theo hướng: Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, của ngành và đã rõ hoặc những vấn đề không phù hợp với quy định của pháp luật thì giải quyết, trả lời ngay; đối với những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, cần phải thảo luận, xin ý kiến tham gia của các ngành, địa phương liên quan thì phải tập trung nghiên cứu giải quyết và có văn bản trả lời DN trước ngày 5-4, đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện; đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc pháp luật chưa quy định, thì chủ động có văn bản hoặc tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản báo cáo, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết.
Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn, cho biết: Sau 3 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID 19 và hiện tại là suy thoái kinh tế, lạm phát nên ngành dệt may và da giày đang gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm nhiều, có thời điểm đơn hàng phải cắt giảm đến 60%. Số đơn hàng còn lại, đơn giá chỉ đạt 55% đến 65%. Hiện nay, ngành dệt may đang hết sức cố gắng để giữ việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên hiện nay, một vấn đề khiến các DN đang gặp khó là Nhà nước áp dụng các tiêu chuẩn mới trong PCCC mà nhiều DN chưa thể đáp ứng ngay được và nguy cơ sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Ông Trịnh Thế Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn, kiến nghị: Tỉnh Thanh Hoá cần vào cuộc quyết liệt hơn trong vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) và lập quy hoạch sử dụng đất đồng bộ, đi trước một bước để tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư, xây dựng dự án. Điển hình như hiện nay, công ty đang triển khai một số dự án tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và đang gặp một số khó khăn trở ngại cần phải được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Cụ thể, công tác GPMB là khâu quyết định đến tiến độ dự án, nên công ty kiến nghị khi có các khiếu kiện, khiếu nại về chính sách hỗ trợ GPMB, cần phải có các giải pháp linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của dự án.
Với nhóm DN lĩnh vực dịch vụ thương mại và du lịch, các DN đã kiến nghị nhiều vướng mắc liên quan đến lãi suất ngân hàng ở mức cao; khó khăn trong tiếp cận đất sản xuất; giá dịch vụ du lịch chưa thống nhất; tồn tại tình trạng mất an ninh trật tự, xe điện chèo kéo khách, taxi “dù” cạnh tranh không lành mạnh…
Các DN kiến nghị ngành ngân hàng cần đánh giá lại tài sản thế chấp theo giá hiện hành đối với các DN cần đảo nợ, vì giá trị tài sản thế chấp (đất đai, tài sản khác) đã thay đổi rất nhiều so với đánh giá trước đây. Trong khi các ngân hàng chỉ trừ lùi khấu hao hàng năm mà chưa tính đến giá trị tài sản thế chấp cũng đang tăng giá hàng năm. Bên cạnh đó, đề nghị chính quyền làm việc với các ngân hàng để có chính sách cho DN được vay vốn với lãi suất ưu đãi (khung lãi suất thấp nhất cho phép – khung đáo hạn dài nhất) để tháo gỡ phần nào vốn vay cho DN hiện nay. Nhà nước nên quản lý và quy định mức lãi suất trần để đưa lãi suất vào khung và các ngân hàng cũng điều tiết lợi nhuận để đưa ra mức lãi suất hợp lý.
Các DN cũng nêu và kiến nghị một số khó khăn liên quan tới thủ tục hành chính, hạn mức trong cấp phép khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng, giá nguyên vật liệu tăng cao và chưa được cập nhật đúng diễn biến thị trường, nhiều thủ tục hành chính trong vấn đề tiếp cận đất, giải quyết thủ tục đầu tư còn chưa kịp thời…
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, nhận định: Các ý kiến phát biểu của các DN đã nêu bật những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN hiện nay. Ngoài ra, hiệp hội cũng đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của các tổ chức hội, hiệp hội ngành hàng, các DN, trong đó có những vướng mắc đã kéo dài nhiều năm, có những vướng mắc nếu không được giải quyết kịp thời, phù hợp, thấu đáo, thì có thể dẫn DN đến bờ vực phá sản. Vì vậy, thay mặt cho cộng đồng DN, Hiệp hội DN tỉnh đề xuất UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các kiến nghị, đặc biệt là những vướng mắc trong công tác PCCC, giá vật liệu xây dựng, về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch COVID-19, thực hiện hiệu quả Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Về vấn đề giá vật liệu xây dựng, đồng chí Phan Lê Quang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho biết: Từ tháng 7-2022 đến nay, Sở Xây dựng đã thực hiện công bố theo tháng, tuy nhiên có thời điểm bị chậm trễ do một số nguyên nhân khách quan. Với thông tin giá vật liệu trên thị trường chênh lệch so với giá do cơ quan Nhà nước công bố, Sở Xây dựng đang tiến hành rà soát lại.
Về đề xuất của DN tăng cường nguồn cung vật liệu xây dựng, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Xây dựng đã và đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường, mỏ đá làm nguyên liệu xi măng, nếu đủ điều kiện sẽ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng sớm bổ sung vào Quy hoạch khoáng sản của Trung ương và địa phương.
Với vấn đề tiếp cận tín dụng, ông Tống Văn Ánh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – Chi nhánh tỉnh Thanh Hoá cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xây dựng các chương trình, gói tín dụng phù hợp cho DN; đồng thời, nâng cao năng lực thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng vay, tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.
Kết thúc phiên thảo luận, giải trình của các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao của các đại biểu, các DN để chương trình hoàn thành toàn bộ nội dung. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị, những phản ánh, chia sẻ của các DN về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua.
Chủ tịch UBND tỉnh đã có những chỉ đạo cụ thể riêng với từng nhóm lĩnh vực. Cụ thể, với nhóm vấn đề về PCCC, Chủ tịch UBND chỉ đạo Công an tỉnh ban hành ngay công văn hướng dẫn địa chỉ truy cập các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về PCCC gửi tới các hội, hiệp hội DN. Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN khôi phục hoạt động sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh phân loại nhóm nguy cơ cháy nổ, nhóm lỗi hiện hữu, trường hợp DN nguy cơ cao, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì mới đình chỉ hoạt động. Bên cạnh đó, để bảo đảm yêu cầu PCCC, yêu cầu chủ cơ sở nâng cao ý thức về phòng, chống cháy nổ, xây dựng lộ trình và ký cam kết thời gian khắc phục cụ thể.
Với kiến nghị điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý và chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp triển khai sớm trên cơ sở đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng PCCC.
Về kiến nghị của DN liên quan đến đề xuất sớm tổ chức đấu giá mỏ vật liệu xây dựng. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường sớm triển khai thủ tục đấu giá 16 mỏ do Hiệp hội DN đá Thanh Hoá đã và đang làm thủ tục. Bên cạnh đó, nghiên cứu đấu giá thêm một số mỏ đất, đá phù hợp quy hoạch để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông trường trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBDN tỉnh cũng đồng ý với các kiến nghị của DN về việc giảm tiền sử dụng đất đối với đất kinh doanh dịch vụ, thương mại; giảm thuế tài nguyên một số loại vật liệu giá thuế còn cao và chưa phù hợp; chấn chỉnh, đẩy mạnh, quyết liệt hơn trong cải cách hành chính để tạo môi trường thông thoáng, cởi mở hơn cho DN hoạt động, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từng phần trong các khu công nghiệp…và giao các ngành liên quan chủ động triển khai trong thời gian sớm nhất.