Xây dựng thành công nông thôn mới từ chính thách thức của nền móng phát triển kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, cùng với những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn tổ chức triển khai thực hiện, ông có thể chia sẻ giá trị bài học kinh nghiệm Tân Hòa đã đút rút?
Tân Hòa là xã nằm ở phía Bắc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình với diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 70% tổng diện tích tự nhiên. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi của một địa phương giàu truyền thống cách mạng với bề dày thành tích trong công cuộc đổi mới, Tân Hòa gặp không ít khó khăn từ những xuất phát điểm phát triển kinh tế – xã hội. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tân Hoà đã đoàn kết thống nhất tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo tìm ra những giải pháp đúng đắn, tổ chức triển khai đạt hiệu quả cao. Năm 2015, Đảng bộ và nhân dân Tân Hòa đã chạm đích xã đạt chuẩn nông thôn mới, tạo cơ sở vững chắc để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Xã Tân Hòa luôn phát huy truyền thống cách mạng, bảo tồn tinh hoa văn hóa, kế thừa nền tảng vững chắc từ những thành tựu kinh tế – xã hội trong thời kỳ đổi mới.
Từ dấu ấn thực tế này, Tân Hòa đúc rút bài học kinh nghiệm “năm phải” then chốt quyết định thành công: Một là, phải xác định nhận thức xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của địa phương, từ đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. Hai là, phải coi trọng và làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân với quan điểm nhất quán “Dân biết, dân bàn, dân góp, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Ba là, phải luôn chủ động, sáng tạo nhưng không nóng vội, tranh thủ triệt để sự giúp đỡ, hỗ trợ của cấp trên song không trông chờ ỷ lại, chủ động khai thác mọi nguồn vốn. Bốn là, phải xây dựng được kế hoạch cụ thể, chi tiết và lộ trình, giải pháp, thời gian thực hiện cho từng tiêu chí, đoàn kết thống nhất phân công nhiệm vụ rõ ràng. Năm là, phải đảm bảo nghiêm túc nguyên tắc dân chủ công khai, coi trọng vai trò của giám sát đầu tư cộng đồng trong suốt quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Vậy Tân Hòa đã phân định lộ trình và tổ chức triển khai thực hiện cụ thể cho từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới thế nào, thưa ông?
Ngay sau khi có chủ trương của Đảng và Chính phủ cũng như quyết định chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Vũ Thư, Tân Hoà đã chủ động triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tới toàn thể đảng viên trong Đảng bộ và nhân dân trong xã. Ban Chấp hành Đảng ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới và thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới do đồng chí Bí thư Đảng bộ làm Trưởng ban. Đảng ủy phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí cán bộ thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách các thôn, phụ trách từng tiêu chí; trực tiếp họp với chi bộ, nhân dân trong thôn, tập trung tháo gỡ những khó khăn của các thôn cũng như của từng cụm dân cư liên quan trực tiếp đến các công việc như dồn điền đổi thửa, làm đường giao thông nông thôn mới….
Xác định dồn điền, đổi thửa không chỉ là nhằm đạt chuẩn tiêu chí hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới, mà mục tiêu quan trọng hơn là qua đó góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề trong quản lý sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương, giúp người dân xóa bỏ tình trạng manh mún, phân tách trong canh tác, thuận lợi đưa cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, cuối năm 2011, Tân Hòa tập trung chỉ đạo thực hiện thành công công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại giao thông thuỷ lợi nội đồng theo hướng quy vùng sản xuất hàng hóa.
Việc quy hoạch lại đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, đào đắp giao thông thuỷ lợi nội đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cơ giới hóa các khâu sản xuất, nâng cao sản lượng cho người dân Tân Hòa.
Kết quả toàn xã đã có 2057/2198 hộ tham gia, đạt 93,6%; mỗi hộ từ 4 – 6 thửa sau dồn điền đổi thửa chỉ còn 1 – 2 thửa, bình quân số thửa đạt 1,95 thửa/ hộ. Với tổng khối lượng đào đắp gần 160.000 m3 đất, đầu tư 2.600 m bi cống với số tiền gần 3,8 tỷ đồng, huy động nhân dân đóng góp 100.000 đồng/sào thu hơn 960 triệu đồng, Tân Hòa đã thay đổi hoàn toàn diện mạo đồng ruộng, xây dựng bờ vùng rộng 5 – 6 m, bờ trục 3 m, xây mới hoàn toàn mương máng, cống đầu khâu… đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi cơ giới hóa sản xuất.
Từ năm 2012, Tân Hòa thực hiện tiêu chí phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại đảm bảo tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm. Việc quy hoạch lại đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, đào đắp giao thông thuỷ lợi nội đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cơ giới hóa các khâu sản xuất, nâng cao sản lượng cũng như giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, đặc biệt là 47 ha luân canh gối vụ rau màu quanh năm, thúc đẩy tổng giá trị sản xuất nông nghiệp luôn tăng trưởng ở mức hai con số. Chăn nuôi phát triển với quy mô tập trung đã hình thành 10 gia trại thường xuyên bảo đảm đàn lợn từ 40 con trở lên; đóng góp không nhỏ vào tỷ trọng giá trị thu nhập chiếm hơn 10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Năm 2014, Tân Hòa tập trung lãnh đạo nhân dân tiếp nhận 2.717 tấn xi măng hỗ trợ của tỉnh, xã hỗ trợ 50.000 đồng/m2 nâng cấp đổ bê tông làm đường trục xã; đường trục thôn, đường nhánh cấp 1 hỗ trợ 10.000 – 30.000 đồng/m2… đầu tư xây dựng, nâng cấp 18,63 km đường các loại, hoàn thành tiêu chí giao thông.
Năm 2015, Tân Hòa dồn sức hoàn thành các tiêu chí đào tạo nguồn lao động, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng thôn làng văn hóa, đoàn thể chính trị trong sạch vững mạnh, đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… và chạm đích xã đạt chuẩn nông thôn mới.
UBND xã tạo mọi điều kiện thuận lợi thông qua các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, động viên, kích cầu đối với các cơ sở đăng ký hoàn thiện nâng cao các tiểu mục, các tiêu chí về kinh tế – xã hội.
Gần 53% tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới của Tân Hòa là từ sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp. Kết quả huy động nguồn lực không phải địa phương nào cũng dễ dàng đạt được này, theo ông xuất phát từ yếu tố thành công nào?
Giai đoạn 2011 – 2015, tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới của xã Tân Hòa là 65 tỷ 780 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương 1 tỷ 300 triệu đồng bằng 1,98%; Ngân sách tỉnh 9 tỷ 370 triệu đồng bằng 14,24%; Ngân sách huyện 130 triệu bằng 0,2%; Ngân sách xã 20 tỷ 509 triệu đồng bằng 31,18%; Doanh nghiệp 6 tỷ 750 triệu đồng bằng 10,26%; Con em xa quê ủng hộ và nhân dân đóng góp 27 tỷ 720 triệu đồng bằng 42,14%.
Để có được kết quả huy động tổng nguồn lực này, phải khẳng định Tân Hòa đã tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp nâng cao nhận thức đúng đắn, đầy đủ và chính xác về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đài Truyền thanh xã đã xây dựng chuyên mục “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, tăng cường thời lượng phát sóng với hơn 600 lượt, gần 200 tin, bài thông tin kịp thời mọi chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện, xã; phản ánh tiến độ, chất lượng phong trào thi đua cũng như nêu gương, biểu dương điển hình tiên tiến mới “Người tốt, việc tốt, báo công dâng Bác”…
Xã chỉ đạo dựng các cụm pa nô khẩu hiệu tại trung tâm xã, kẻ vẽ hàng chục lượt bảng tường khẩu hiệu ở khu dân cư về các nội dung xây dựng nông thôn mới; tổ chức lồng ghép tuyên truyền tại 115 hội nghị của xã, thôn với trên 10.000 lượt người tham dự. Từ Đảng ủy, UBND xã đến các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… hàng năm đều tổ chức hội nghị hưởng ứng, đăng ký thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; lồng ghép nội dung thi đua xây dựng nông thôn mới với bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…
Cùng với việc thành lập Ban Quản lý cấp xã, Tân Hòa thành lập Tiểu ban phát triển ở các thôn với khoảng 5 – 7 thành viên/Tiểu ban do Bí thư Chi bộ thôn là Trưởng Tiểu ban, Trưởng thôn là Phó trưởng Tiểu ban, chi hội trưởng các đoàn thể là thành viên. Đây chính là lực lượng trực tiếp ở cơ sở, gần dân, sát dân, hiểu dân nên khi mỗi thành viên đều thấy được tôn trọng sẽ càng nâng cao ý thức trách nhiệm bản thân, cùng đồng thuận với nhau, đồng thuận với sự hướng dẫn chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong từng nhiệm vụ, từng giai đoạn.
Do đó, hơn ai hết, các Tiểu ban phát triển ở các thôn đã thuyết phục, vận động, phân tích, giải thích… kiên trì, cặn kẽ để mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi hội viên của các tổ chức đoàn thể… đều hiểu mục đích, giá trị, ý nghĩa, lợi ích mang lại từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Và khi lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, lợi ích xã hội gắn chặt và thống nhất với nhau sẽ tạo động lực trực tiếp, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về ý chí và hành động, để Tân Hòa huy động được tổng lực từ mọi nguồn để xây dựng thành công nông thôn mới.
Tân Hòa phát huy dân chủ ‘Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”.
Từ nguồn vốn hỗ trợ và huy động này, bức tranh phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của Tân Hòa đã được tạo dệt thành vùng nông thôn mới đổi thay hoàn toàn diện mạo như thế nào, thưa ông?
Quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới trên cơ sở điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương không chỉ là định hướng phát triển kinh tế – xã hội bền vững, lâu dài, mà ngay từ chặng đường đầu tiên đã tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ, phục vụ đắc lực mục tiêu đổi mới. 4 tuyến đường giao thông trục xã dài 6,1 km, 15 tuyến đường giao thông trục thôn dài 7,29km, 144 tuyến đường giao thông nhánh cấp 1 của đường trục thôn dài 15,81km, 19 tuyến đường trục chính nội đồng dài 6,54 km và 9,5 km đường ngõ xóm đạt tỷ lệ 100% xây dựng theo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định trải đá láng nhựa hoặc cứng hóa. Hệ thống thuỷ lợi với 03 trạm bơm, 12,66 km sông trục và 7,77 km kênh mương cấp 1 loại 3 đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất của nhân dân.
Các công trình phúc lợi như sân thể thao diện tích 10.000m2, nhà văn hóa đa năng quy hoạch diện tích đất 450 m2 với quy mô xây dựng 250 chỗ ngồi, trang bị đầy đủ các trang thiết bị và phòng chức năng thông tin – truyền thanh, thư viện – đọc sách báo, câu lạc bộ… 6/6 thôn cũng có nhà văn hóa và sân thể thao hàng nghìn m2 đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa – thể thao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khoẻ nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống trong cộng đồng dân cư nông thôn.
Với đặc thù là địa phương gần trung tâm Thành phố Thái Bình, gần các cụm, khu công nghiệp tập trung của tỉnh, của huyện, Tân Hòa có nhiều lợi thế giải bài toán lao động việc làm cho gần 3.600 người với thu nhập cao, ổn định. Thu nhập từ lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bình quân mỗi năm 123,4 tỷ đồng, từ lao động nước ngoài 33,5 tỷ đồng, từ lao động dịch vụ thương mại 6,2 tỷ đồng, từ trồng trọt, chăn nuôi 52 tỷ đồng.
Chạm đích đến năm 2015, nông thôn Tân Hòa đã có nhiều khởi sắc, kinh tế – xã hội phát triển một cách toàn diện. Nông nghiệp tăng trưởng bền vững; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản và thương mại – dịch vụ ngày càng đa dạng hóa ngành nghề; lao động có việc làm tăng, thu nhập của nhân dân năm sau cao hơn năm trước. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn ổn định, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, tiến bộ.
Tân Hòa đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nền kinh tế phát triển toàn diện, bền vững với tốc độ tăng trưởng khá, năm sau tăng cao hơn năm trước
Đích đến nông thôn mới nâng cao không còn xa, xin ông cho biết thực tại đến thời điểm này của Tân Hòa và những giải pháp cho chặng đường tiếp theo của tương lai nông thôn mới kiểu mẫu?
Đến thời điểm này, có thể nói, Tân Hòa đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nền kinh tế phát triển toàn diện, bền vững với tốc độ tăng trưởng khá, năm sau tăng cao hơn năm trước. Đặc biệt, năm 2024, mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động từ ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi gây thiệt hại đáng kể, nhưng với các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, kinh tế Tân Hòa vẫn có bước chuyển biến mạnh mẽ, thực chất.
Tổng giá trị sản xuất dự kiến đạt hơn 600 tỷ đồng, tăng 10,94% so với năm 2023, tăng gần 40% so với năm 2015 – năm chạm đích nông thôn mới. Trong đó: Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 128,469 tỷ đồng, tăng 8,26%; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng cơ bản 293,785 tỷ đồng, tăng 11,7%; thương mại dịch vụ 179,436 tỷ đồng tăng 11,67%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Nông lâm thủy sản 21,4%; Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp – Xây dựng cơ bản 48,8%; Thương mại dịch vụ 29,8%. Điều đáng ghi nhận là từ năm 2015 đến nay, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn xã luôn giữ mức tăng trưởng 2 con số. Điển hình như năm 2023, tổng giá trị sản xuất tăng 12,5%, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng cơ bản tăng 22,69%, thương mại dịch vụ tăng 23%.
Việc tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn chuyển hướng tích cực theo các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cung ứng 5 khâu dịch vụ thuỷ nông, bảo vệ thực vật, khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng mỗi năm. Hợp tác xã điện năng doanh thu gần 6 tỷ, thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng mỗi năm.
Các chỉ tiêu văn hóa – xã hội – môi trường đạt mức giảm tỷ lệ sinh 0,01%, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (theo cân nặng) dưới 5%; tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh 100%; tỷ lệ dân số được tham gia bảo hiểm y tế trên 95%; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo 100%; tỷ lệ rác thải được thu gom đạt trên 95%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,14% năm 2010 xuống còn 2,51% năm 2014, 1,59% năm 2023 và dự kiến dưới 1% năm 2024. Kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển với mức thu nhập bình quân đầu người trên toàn xã tăng từ 40,67 triệu đồng/người/năm năm 2019 lên 72 triệu đồng/người/năm năm 2024.
Kiên định quan điểm lấy dân làm gốc, lấy lợi ích căn bản của đại đa số nhân dân làm điểm xuất phát và cơ sở của mọi chủ trương, chính sách, trong suốt quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Tân Hòa luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã hưởng ứng tích cực, tạo diện mạo khang trang, đẹp đẽ, sản xuất phát triển, chất lượng đời sống được cải thiện đáng kể.
Hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai gần, Tân Hòa tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, chính quyền nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí. Chú trọng quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng nếp sống văn hóa, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị và an ninh nông thôn.
Ủy ban nhân dân xã sẽ chủ động khai thác nguồn tài chính bằng việc quy hoạch đấu bán đất, đồng thời huy động mọi nguồn lực vật chất, tinh thần, trí tuệ, công tác xã hội hóa trong nhân dân nhằm tăng cường cơ sở vật chất đồng bộ cả về y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường, đời sống dân sinh. Tạo điều kiện thuận lợi thông qua các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, động viên, kích cầu đối với các cơ sở đăng ký hoàn thiện nâng cao các tiểu mục, các tiêu chí.
Bên cạnh đó, Tân Hòa phát huy dân chủ ‘Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”, nâng cao trách nhiệm của cán bộ phụ trách các tiêu chí, chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Đoàn kết, phối hợp đồng bộ cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://danviet.vn/nong-thon-moi-tan-hoa-noi-mien-quen-dang-song-bai-2-20241119114809444.htm