(Tiếp theo và hết)
Kỳ II: Từ điểm tựa nghị quyết và những bài học kinh nghiệm
Triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu đúng thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành, xung đột chính trị, quân sự trên thế giới gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế – xã hội trên toàn cầu, tạo ra những khó khăn, bất lợi không có tiền lệ. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên đến nay, ngoài 7 xã của ba huyện đã được công nhận là xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, mới đây Hội đồng thẩm định của tỉnh đã xem xét và đề nghị UBND tỉnh công nhận tiếp 6 xã. Từ đó tạo tiền đề đẩy nhanh tiến độ nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể hơn trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thời gian tới.
Nông thôn mới Ý Yên hôm nay.
|
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, tỉnh ta là 1 trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước về đích NTM, sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đề ra. Ngay sau khi về đích sớm NTM, trên quan điểm đây là nhiệm vụ không có điểm dừng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục chuyển sang xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu để củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đảm bảo kết quả bền vững. Tuy nhiên thực tế triển khai cho thấy việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của tỉnh còn chưa đồng đều, tiến độ ở một số địa phương còn chậm; nguồn lực đầu tư cho chương trình còn hạn chế; công tác bảo vệ môi trường, cung cấp nước sạch gặp một số khó khăn nhất định và chưa thực sự bền vững…
Đánh giá rõ những khó khăn, hạn chế đó; trên cơ sở cập nhật các chỉ đạo, định hướng mới của Trung ương; để khuyến khích, thúc đẩy chương trình phát triển, ngày 18-6-2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 23/2022/QĐ-UBND ngày 8-8-2022 về tiêu chí xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND ngày 9-8-2022 về việc ban hành tiêu chí xã NTM và xã NTM nâng cao thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đặt ra là “tập trung xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của người dân giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với đô thị; tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với đô thị hóa; đưa kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu…”. Bám sát tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 06 và các Quyết định số 23, 24 của UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng, các địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị – xã hội, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận, phát huy cao độ vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Mặt khác, trong thời gian này, hàng loạt các dự án đầu tư phát triển quy mô vùng, khu vực đồng bằng sông Hồng được đồng loạt triển khai đã tăng sức hấp dẫn, thu hút đầu tư vào địa bàn nông thôn của tỉnh. Nhờ đó đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nổi bật. Đến tháng 4-2023, toàn tỉnh đã có 182/204 (chiếm 89,2%) xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao. Có 7 xã gồm: Giao Phong, Giao Thịnh, Giao Tân (Giao Thủy); Kim Thái (Vụ Bản); Xuân Kiên, Xuân Thượng, Xuân Hòa (Xuân Trường) đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Trong tháng 5 Hội đồng Thẩm định xét công nhận xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 tỉnh tổ chức hội nghị xét và đề nghị UBND tỉnh công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu năm 2022. Nam Định được Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM nâng cao và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 251 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên.
Nông dân xã Giao Thịnh (Giao Thủy) thu hoạch lúa mùa 2022. |
Từ những kết quả đạt được trong hơn 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu có thể rút ra các bài học kinh nghiệm: trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành chức năng, đặc biệt là sự đồng thuận, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của nhân dân đã đưa Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ban chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu được thành lập, kiện toàn từ tỉnh đến huyện, xã, thôn; có sự phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên. Các Ban chỉ đạo đều do đồng chí Bí thư cấp ủy làm trưởng ban, thành viên là đại diện các ban, ngành, đoàn thể, ở cấp cơ sở còn có thêm các cá nhân có uy tín tại cộng đồng địa phương. Nhờ đó, trong thời gian qua, Ban chỉ đạo xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở thôn, xóm đã phát huy hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; trực tiếp triển khai, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các tiêu chí và kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Quá trình thực hiện các tiêu chí xã, thôn NTM kiểu mẫu đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là người dân, vì vậy trong những năm qua công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM tại các địa phương được thực hiện thường xuyên, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung nên đã tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và người dân; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đồng thời thu hút được sự quan tâm đồng tình hưởng ứng, tích cực, tự giác tham gia của các tầng lớp nhân dân. Đồng chí Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao Phong (Giao Thủy) chia sẻ: “Từ thực tiễn xây dựng NTM kiểu mẫu ở địa phương cho thấy, để huy động được nguồn lực rất lớn thực hiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu theo quy định, xã đã xác định công tác tuyên truyền, vận động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế ở từng thôn, xóm và cho từng nhóm đối tượng hướng đến. Trong quá trình tuyên truyền vận động, coi trọng phát động các phong trào thi đua tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và dân cư, nhất là con em xa quê làm ăn thành đạt cùng chung tay, góp sức xây dựng NTM kiểu mẫu. Những việc khó, nơi khó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải “tiên phong” vào cuộc tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giải thích để người dân hiểu đúng, đầy đủ mục đích, ý nghĩa và tự giác, tự nguyện tham gia. Đồng thời phải tổ chức các cuộc họp nhân dân, phát huy “dân chủ”, người dân được tham gia bàn bạc đề xuất, kiến nghị giải pháp thực hiện, đưa ra mục tiêu, lộ trình phấn đấu, tạo sự đồng thuận. Và khi nhân dân đã thông thì việc khó đến mấy cũng thành”.
Sản phẩm gạo sạch Toản Xuân đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 4 sao. |
Còn tại xã Kim Thái, bài học kinh nghiệm được rút ra sau thành công về đích NTM kiểu mẫu đó chính là bên cạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, xã đã chú trọng phát huy cao độ vai trò của các tổ chức đoàn thể, các chức sắc tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng chí Trần Thị Thu Trang, Bí thư Đảng ủy xã Kim Thái khẳng định: Trên địa bàn xã có 2 tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo, trong đó giáo dân chiếm 1/4 dân số toàn xã. Trên nền tảng truyền thống đoàn kết lương – giáo hòa hợp, nhằm khơi dậy nguồn nội lực mạnh mẽ, Đảng ủy, UBND xã đã phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ các chức sắc tôn giáo và những người có uy tín ở thôn, xóm trong việc triển khai vận động nhân dân thực hiện chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu. Linh mục Giu-se Nguyễn Văn Hy, Chính xứ Xuân Bảng cho biết: Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu do xã phát động, sau mỗi thánh lễ, giờ chầu, chúng tôi kêu gọi bà con tín hữu cùng đồng hành với chính quyền thôn, xóm để xây dựng NTM kiểu mẫu tạo diện mạo quê hương ngày càng tươi đẹp. Bà con giáo dân đã ủng hộ cả tinh thần, vật chất, nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh tạo nguồn lực xây dựng NTM kiểu mẫu theo chuẩn của quy định. Còn bà Trần Thị Huệ, Thủ nhang Phủ Tiên Hương, khu di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy chia sẻ: “Được chính quyền xã quan tâm tạo điều kiện trùng tu, tôn tạo di tích, tạo cảnh quan mới thu hút khách du lịch về với lễ hội. Vì vậy, chúng tôi luôn tích cực đóng góp xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông xóm, đội, đổ bê tông sân hợp tác xã… góp phần xây dựng quê hương Kim Thái ngày càng tốt đẹp hơn, đồng thời bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa bản địa, thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương phát triển”.
Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu thời gian qua là cơ sở để tỉnh, các địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và kiến tạo thêm những miền quê giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Nông thôn mới kiểu mẫu – Những miền quê đáng sống (Kỳ I)