Trong thời gian gần đây, nhờ những ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), các mặt hàng nông sản Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn so với nhiều đối thủ khác trên thị trường Bỉ. Bên cạnh đó, nhờ có chất lượng cao và giá bán hợp lý, nhiều mặt hàng đã tìm được chỗ đứng ở thị trường này.
Nông sản Việt Nam đang được khách hàng Bỉ ưa chuộng. Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu – TTXVN
Trong số các mặt hàng nông sản mà Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Bỉ, rau, quả, gạo, cà phê và đậu nành là những sản phẩm được người tiêu dùng Bỉ rất ưa chuộng. Đáng chú ý, tại thị trường Bỉ, gạo Việt Nam là mặt hàng khá phổ biến.
Nằm ở trên con phố Rue Vanderkindere ở trung tâm thủ đô Brussels (Bỉ) là cửa hàng thực phẩm châu Á mang tên “Le Panier Asiatique”. Khách hàng của Le Panier Asiatique chủ yếu là người nước ngoài. Cửa hàng bày bán các loại hàng gia vị thực phẩm châu Á như gạo, bún khô, miến, bánh phở khô, mì ăn liền, các loại bánh tráng, bánh đa nem, nước mắm, nước dừa… của Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc.
Chị Phạm Bích Thủy, chủ cửa hàng Le Panier Asiatique, cho biết mấy năm gần đây, không ít mặt hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam đã chứng tỏ chất lượng vượt trội so với các nước khác trong khu vực và được người tiêu dùng Bỉ ưa chuộng. Đó là các thương hiệu bánh tráng, bánh đa nem Duy Anh; bún tươi Ba cây tre, Bình Tây ; phở khô, bún khô Vifon, nước mắm Phú Quốc… Đặc biệt nước dừa tươi Cocoxim của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đã chiếm trọn cảm tình của người tiêu dùng Bỉ.
Mặc dù bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường Bỉ nhưng theo các chuyên gia, các nhà xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường này bởi vì, đây là thị trường có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khá khắt khe và vẫn còn nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nằm trong danh sách các hàng hóa bị kiểm soát chất lượng với tần suất cao.
Chẳng hạn, vào đầu năm nay, mặt hàng ớt tươi vẫn nằm trong danh mục kiểm soát tại cửa khẩu của Liên minh châu Âu (EU) với tần suất kiểm chất lượng là 50%. Đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%. Trong khi đó, thanh long và mỳ tôm xuất khẩu vẫn nằm trong phụ lục II, với yêu cầu Chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU. Ảnh: Hương Giang – TTXVN
Bên cạnh đó, theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, việc hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường Bỉ thông qua rất nhiều các nhà nhập khẩu bản địa khiến doanh nghiệp Việt phụ thuộc nhiều vào nhà nhập khẩu và không xây dựng được thương hiệu. Trong khi đó, xu thế hiện nay ở một số nước đối tác thương mại của Việt Nam như Thái Lan bắt đầu đã có đại diện thương mại của doanh nghiệp ở nước ngoài cùng với đại diện thương mại Nhà nước. Họ làm công tác xúc tiến trực tiếp cho các ngành hàng cũng như là đầu mối tập trung thu mua hàng, làm dịch vụ logistic, kho hải quan. Trong trường hợp cần thiết, họ đến gặp trực tiếp các nhà phân phối.
Mặt khác, trong thời gian qua, vẫn có một số doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trước rồi mới đi tìm đối tác, tìm thị trường. Tham tán Trần Ngọc Quân cho rằng cách làm này rất khó để tiếp cận thị trường như EU, vốn có rất nhiều quy định và hàng hóa sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn để vào thị trường châu Âu.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị để thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào thị trường Bỉ nói riêng và thị trường châu Âu nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam không những phải chú trọng tới việc kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, mà còn phải chủ động tìm kiếm khách hàng và đầu tư nhiều hơn cho việc quảng bá thương hiệu./.
Hoàng Hà