Số lượng đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây, trong số này có hàng chục nông sản được bảo hộ thành công ở nước ngoài góp phần tăng giá lên 15-25%.
Từ mùa vải 2021, gia đình anh Vũ Văn Mến (xã Quý Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) không còn lo chuyện vải “được mùa mất giá” vì vườn vải nhà anh cùng 7 hộ tham gia, tổng diện tích hơn 10 hecta đã được “cấp giấy thông hành” ở thị trường Nhật Bản. Anh cho biết, so với trước khi được gắn chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, giá bán vải thiều sạch cao hơn bình thường từ 15-25%.
Chị Đặng Thị Khuynh, cán bộ khuyến nông xã Quý Sơn cho biết, để đáp ứng các tiêu chí của thị trường xuất khẩu và được Nhật Bản cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn, quy trình trồng phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe. Từ cây giống, đất, nước, phân bón đến quá trình chăm sóc, thu hái, bảo quản theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Cây vải thiều không được trồng xen với cây khác, không được chăn nuôi trong khu vực vườn trồng.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, năm 2021 đã có 201 tấn vải thiều được xuất khẩu sang Nhật Bản, năm 2023 con số này là 254 tấn và năm 2024 dự kiến 500 tấn.
Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, với nguyên tắc lãnh thổ của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo vệ tại lãnh thổ quốc gia được đăng ký vì vậy nếu các sản phẩm của Việt Nam muốn xuất khẩu sang các nước khác, ngoài việc cần phải hiểu rõ các quy định về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm còn cần tìm hiểu và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại nước xuất khẩu. Khi các tên địa danh được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và cao hơn là chỉ dẫn địa lý sẽ rất có ý nghĩa, gia tăng giá trị đối với sản phẩm đặc thù địa phương.
Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, số lượng đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Nhiều địa phương quan tâm, đầu tư nguồn lực đối với các sản phẩm đặc thù thông qua phát triển chỉ dẫn địa lý. Hệ thống các văn bản quản lý chỉ dẫn địa lý cũng được bổ sung và hoàn thiện. Đến nay, số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là 137 trong đó của Việt Nam là 124 và nước ngoài là 13.Trong số này chủ yếu là sản phẩm hoa quả, chiếm khoảng 35% tổng số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, thủy sản 14%, dược liệu 10%, sản phẩm từ cây công nghiệp 10%, gạo 9%…
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD. Con số cho thấy vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ được các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và mở rộng kinh doanh ra nước ngoài quan tâm. Tuy nhiên, việc đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài là một việc phức tạp, tốn kém, mất nhiều thời gian. Như vải thiều Lục Ngạn hay thanh long Bình Thuận mất 3 năm để theo đuổi chứng minh đảm bảo các tiêu chí bảo hộ, hồ sơ đăng ký theo quy định của Nhật thì mới được cấp văn bằng bảo hộ…
Theo lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, vấn đề bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không phải riêng của doanh nghiệp mà còn cả các địa phương, hiệp hội ngành nghề… Ngoài ra, vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng rất quan trọng, đây là kênh thông tin cần thiết và kịp thời để sớm cảnh báo các rủi ro về thị trường, nhu cầu thực tiễn và các chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ của nước sở tại.
Các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Cục Sở hữu trí tuệ đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam chưa có kinh nghiệm, nền tảng nguồn lực còn hạn chế. Kế hoạch hoạt động hàng năm của Cục Sở hữu trí tuệ cũng tổ chức hội thảo, tập huấn, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp. Cục Sở hữu trí tuệ cũng phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT, Công Thương để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình hợp tác để cung cấp thông tin về yêu cầu về chất lượng đối với sản phẩm, rào cản thương mại và các quy định về sở hữu trí tuệ ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu đủ thông tin cần thiết để xây dựng chiến lược xuất khẩu, phát triển thương hiệu sản phẩm ở nước ngoài.
Hiện Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), trong đó có cam kết về công nhận bảo hộ lẫn nhau về chỉ dẫn địa lý. Cùng với đó Việt Nam đã gia nhập 15 điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và ký kết 27 thỏa thuận quốc tế về sở hữu trí tuệ đang còn hiệu lực. Nhiều dự án và hoạt động hợp tác hỗ trợ kỹ thuật với các đối tác: Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Canada. Việc hợp tác giúp tận dụng được các nguồn lực quốc tế phục vụ nhu cầu phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài.
Bảo Chi