Với quy mô 220ha, vùng sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) là một trong những vùng chuyên canh rau lớn nhất của Hà Nội. Ngoài cung cấp cho hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, các tỉnh, thành lân cận, trung bình mỗi năm hợp tác xã còn duy trì xuất khẩu từ 300 – 500 tấn rau an toàn, chủ yếu là sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.
Không chỉ rau an toàn, nông sản chế biến, mà đến nay một số nông sản mũi nhọn của Hà Nội có chất lượng cao cũng đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia. Có thể kể tới: nhãn chín muộn Đại Thành xuất khẩu sang Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú xuất khẩu đi Đức; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc; chè đi Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka…
Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, những thị trường mà nông sản Hà Nội tiếp cận đều đòi hỏi tiêu chuẩn cao cũng như cần đáp ứng các quy định khắt khe về vấn đề an toàn thực phẩm. Điều này cho thấy nông sản Hà Nội đang ngày càng khẳng định được chất lượng.
Tiềm năng rộng mở
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 250 DN, hợp tác xã có hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Số liệu của Cục Thống kê cho thấy, trong năm 2023, các DN, hợp tác xã đã đóng góp hơn 1,35 tỷ USD giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm 2022. 6 tháng năm 2024, nông sản tiếp tục là nhóm sản phẩm tăng trưởng cao nhất trong 11 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Hà Nội, đứng đầu là gạo 50%, cà phê 14%, hạt điều 11,5%, hạt tiêu 6,8% và chè 4,6%. Khu vực Đông Á là thị trường có số DN xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn nhất với 69 DN; tiếp đến là thị trường châu Âu, Mỹ (59 DN), khu vực Nam Á (50 DN), khu vực Đông Nam Á (19 DN) và khu vực Trung Đông (13 DN).
Giá cả và tiêu chuẩn chất lượng là 2 yếu tố rất được quan tâm ở UAE cũng như nhiều quốc gia thuộc khu vực Trung Đông. Đây là điều mà các DN xuất khẩu nông sản tại Hà Nội nói chung cần lưu tâm nếu muốn tiếp cận thị trường Trung Đông…
Phụ trách thương vụ Việt Nam tại UAE Trương Xuân Trung
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, tiềm năng xuất khẩu nông sản của Hà Nội hiện vẫn rất lớn. Hà Nội hiện đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và có 4 cơ sở đóng gói với công suất từ 30 đến 50 tấn/ngày/cơ sở để phục vụ xuất khẩu. Hà Nội còn có diện tích rất lớn các sản phẩm với tiềm năng xuất khẩu cao như: hơn 7.000ha lúa Japonica; 3.200ha chuối tiêu hồng; 50ha rau hữu cơ và nhiều sản phẩm chế biến có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Đặc biệt, Hà Nội còn là lá cờ đầu của cả nước về phát triển sản phẩm OCOP. Lũy kế từ 2019 đến nay, TP đã đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm OCOP; trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao. Đây là nguồn sản phẩm tiềm năng phục vụ xuất khẩu đã khẳng định được chất lượng.
Chuẩn hóa sản phẩm
Để hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu, những năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn, phổ biến những quy định, rào cản thị trường trọng điểm, các hiệp định thương mại như: FTA, EVFTA, CPTPP, tới các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản.
Nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản đóng trên địa bàn Hà Nội cũng đã có cơ hội được tham gia các chương trình kết nối xúc tiến thương mại; các đoàn học tập, trao đổi, giới thiệu, quảng bá sản phẩm chủ lực của Hà Nội nói riêng tại nước ngoài…
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh, chế biến nông sản Bảo Minh Bùi Thị Hạnh Hiếu, chất lượng nông sản là yếu tố hàng đầu đối với mục tiêu xuất khẩu nông sản. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, công ty đã “bắt tay” với nông dân của Hà Nội xây dựng chuỗi liên kết theo quy trình khép kín, tạo nên sản phẩm gạo chất lượng, có tem nhãn, mã số vùng trồng, quy trình canh tác, giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc một cách dễ dàng.
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh hiện nay, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu kiến nghị các ngành chức năng của Hà Nội cần có thêm cơ chế, chính sách khuyến khích các DN phát triển vùng trồng; xây dựng chuỗi liên kết nhằm tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới xuất khẩu.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, có nhiều yếu tố tác động đến năng lực xuất khẩu, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc cần thiết phải chuẩn hóa sản phẩm. Khi sản phẩm bảo đảm an toàn chất lượng thì cơ hội đáp ứng được các yêu cầu hàng rào kỹ thuật sẽ lớn hơn; từ đó gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Hà Nội, ông Tạ Văn Tường đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm, giới thiệu các DN lớn, có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giết mổ, chế biến, chợ đầu mối nông sản… Thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết vùng, xúc tiến xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, tư vấn cho DN về phát triển thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp và xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, Bộ NN&PTNT cũng cần quan tâm đến hỗ trợ các địa phương (bao gồm cả Hà Nội) trong xây dựng chiến lược, định hướng sản xuất, kinh doanh để tiếp cận những thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Quá trình tiếp cận thị trường xuất khẩu, chúng tôi nhận thấy vai trò, ý nghĩa lớn của các chứng nhận quốc tế. Hiện, với 4 chứng nhận hữu cơ, sản phẩm của chúng tôi có thể xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính. Theo đuổi chứng nhận bền vững có thể tạo ra giá trị cao hơn…
Giám đốc chứng nhận Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu
Quế Hồi Việt Nam Trần Thị Phương Liên
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nong-san-ha-noi-rong-duong-xuat-khau-777741.html