(ĐCSVN) – Những năm gần đây, các mặt hàng nông sản an toàn đã ngày càng có sức hút đối với người tiêu dùng. Việc người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc, xuất xứ và mức độ an toàn thực phẩm của các mặt hàng nông sản đã mở ra hướng đi mới cho nhiều hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất theo hướng phát triển bền vững, kết hợp giữa lợi nhuận của người sản xuất và sức khỏe của khách hàng.
Chất lượng sản phẩm là quan trọng nhất
Từng có nhiều năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp, cuối năm 2022, anh Đoàn Đức Thành, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hà Thành (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) quyết định chuyển hẳn sang sản xuất nông sản an toàn. Cùng với việc cải tạo khu trang trại để chăn nuôi gà ác bán thịt và bán trứng, anh Thành còn chuyển đổi hàng trăm gốc bưởi Diễn của gia đình sang chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGap để sản phẩm đạt chất lượng cao và mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Do sản xuất theo quy trình, có công tác kiểm duyệt chặt chẽ nên thời gian đầu, việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng gặp không ít khó khăn. Song đến nay, các sản phẩm của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hà Thành đã dần có chỗ đứng trên thị trường. Trao đổi với chúng tôi, anh Đoàn Đức Thành chia sẻ: “Ban đầu, người mua cũng ít và khách hàng đa phần là khách quen, bạn bè, hàng xóm. Do tiêu chuẩn hàng của mình cao hơn, giá cũng có cao một chút nhưng dần dần khách hàng cũng quen, cũng chấp nhận mua vì nó là thực phẩm an toàn”.
Trứng gà sạch, rau an toàn,…. ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. (Ảnh: QĐ). |
Cũng gắn bó với nông sản an toàn, nhưng chị Nguyễn Như Phương (TP Nha Trang, Khánh Hòa) lại thành công với mô hình cửa hàng cung cấp các loại thực phẩm sạch như: thịt, trứng, cá, rau xanh… Nguồn hàng được chị Phương nhập về bán là những thực phẩm an toàn được lấy tại các hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã được chứng nhận VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm như, sầu riêng Khánh Sơn, rau an toàn Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa), bưởi da xanh Khánh Vĩnh… Vì vậy, cửa hàng của chị Phương đã dần chiếm được lòng tin của khách hàng. “Người tiêu dùng ngày một quan tâm đến vấn đề sức khỏe nên thực phẩm an toàn đang là lựa chọn của nhiều bà nội trợ. Thay vì chú trọng đến giá cả, số lượng như trước đây, hiện nay nhiều người đã đặt chất lượng, sự an toàn của sản phẩm lên hàng đầu. Đó là điều kiện để chúng tôi tiếp tục mở rộng mô hình cung cấp các loại thực phẩm sạch”, chị Phương bộc bạch.
Từ góc nhìn của người tiêu dùng, chị Trần Thị Hoa ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: “Bây giờ việc ăn uống, tiêu dùng thực phẩm cũng có nhiều vấn đề như thực phẩm không tốt, thực phẩm bẩn, tẩm ướp hóa chất,… Do đó, dù nông sản, thực phẩm bán ngoài chợ dân sinh giá có rẻ hơn nhưng tôi luôn ưu tiên những mặt hàng thực phẩm sạch, nông sản an toàn có nguồn gốc rõ ràng như một cách để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình”.
Hướng phát triển hiệu quả cùng nông sản an toàn
Chuyên canh rau an toàn đang là hướng đi hiệu quả của nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất. (Ảnh: Lê Ngọc). |
Thực tế, trước đây, đa số người tiêu dùng thường quan tâm đến giá các loại nông sản, ít quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ. Điều này làm cho nông dân, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên hiện nay, người tiêu dùng đã có cái nhìn khách quan hơn, thường tìm mua nông sản sạch. Chính sự thay đổi này đã mở ra hướng đi mới mới cho nhiều hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất theo hướng phát triển bền vững, kết hợp giữa lợi nhuận của người sản xuất và sức khỏe của người tiêu dùng.
Tại nhiều địa phương trên cả nước, do nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, hữu cơ trong người dân tăng cao, hướng sản xuất của nông dân cũng dần thay đổi, qua đó tập trung vào đầu tư các nhà lưới, nhà kín để trồng rau, trồng dưa và các loại cây ăn quả, ăn lá ngắn ngày. Hiệu quả của những mô hình này đều có ưu điểm là nông dân dễ dàng điều tiết được lượng nước, kiểm soát được dịch bệnh. Với chất lượng nông sản ngày càng tăng cao, đáp ứng được các quy định khắt khe của những kênh phân phối lớn và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, kinh tế của người nông dân cũng vì thế ngày càng được cải thiện. Các mô hình sản xuất, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn vì vậy đang ngày càng “nở rộ”, trở thành xu hướng hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay tại nhiều tỉnh, thành phố.
Đời sống xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng nông sản an toàn, sản phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng. Nông sản an toàn, sản phẩm sạch đã khẳng định được chất lượng và có được chỗ đứng ổn định trên thị trường. Đây được coi là điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi tư duy sản xuất từ chạy theo năng suất chuyển sang chất lượng sản phẩm bởi đây là xu hướng tất yếu của nền “nông nghiệp xanh”, nông nghiệp hiện đại./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/nong-san-an-toan-thu-hut-nguoi-tieu-dung-686406.html