Những năm gần đây, khái niệm "sạch từ trang trại đến bàn ăn” ngày càng được biết đến rộng rãi, dần trở thành một trong những tiêu chuẩn của người tiêu dùng. Ở huyện vùng cao Võ Nhai, không ít hộ dân đang nỗ lực tiếp cận với nông nghiệp xanh, nhằm khắc phục tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình sản xuất rau hữu cơ của anh Hoàng Mạnh Tuấn, xóm Nà Kháo, xã Phú Thượng (Võ Nhai) đang cho hiệu quả khá. |
Tốt nghiệp chuyên ngành Trồng trọt tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh Hoàng Mạnh Tuấn, xóm Nà Kháo, xã Phú Thượng (Võ Nhai) đã thử sức qua nhiều công việc khác nhau nhưng đều cảm thấy không phù hợp. Năm 2022, anh quyết định trở về quê hương và khởi nghiệp từ chính vườn rau của gia đình.
Anh Hoàng Mạnh Tuấn: Tôi chọn làm rau hữu cơ, một phương thức còn khá mới mẻ với đồng bào vùng cao. Ban đầu, khi thấy tôi bỏ hàng trăm triệu đồng để làm nhà lưới, rồi trồng toàn các giống lạ như: ớt chuông, cà chua socola, cải bó xôi, cải cầu vồng… bà con xung quanh còn “gàn” vì cho rằng cách làm này vừa tốn kém, vừa mất nhiều công sức trong khi hiệu quả mang lại không cao.
Với quyết tâm thay đổi lối sản xuất nông nghiệp đã “ăn sâu bén rễ” bao đời, anh Tuấn vẫn kiên trì làm rau hữu cơ theo nguyên tắc “6 không” (không phân bón hóa học; không thuốc bảo vệ thực vật; không kích thích sinh trưởng; không thuốc diệt cỏ; không giống biến đổi gen; không chất bảo quản) để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người trồng và người tiêu dùng. Đến nay, anh đã có 1.500m2 nhà lưới, trồng rau ăn lá theo mùa. Trung bình mỗi năm, anh thu hoạch khoảng 5 tấn rau củ, thu nhập trên 200 triệu đồng.
Theo anh Tuấn, kết quả đáng quý nhất anh nhận được không phải là hiệu quả kinh tế mà là việc người dân địa phương đã dần thay đổi tư duy, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Anh Tuấn nói: Để bà con thay đổi hoàn toàn còn cần một thời gian rất dài nữa, nhưng điểm đáng mừng là khái niệm sản xuất xanh, nông nghiệp hữu cơ đã ngày càng phổ biến ở địa phương.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, ở xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá (Võ Nhai) đầu tư 100 triệu đồng để làm nhà lưới trồng cây ăn quả. |
Đối với mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn của anh Nguyễn Văn Tuấn, ở xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá (Võ Nhai), việc tiêu thụ trong giai đoạn đầu tương đối khó khăn. Anh cho hay: Để sản xuất an toàn, tôi đã đầu tư khá nhiều. Riêng làm nhà lưới đã tốn khoảng 100 triệu đồng, ngoài ra còn có chi phí cải tạo đất, dẫn nước sạch, chế phẩm sinh học…
Dù vậy, giai đoạn đầu, dưa lưới, táo, bưởi an toàn có giá bán chỉ ngang bằng các loại quả canh tác theo lối truyền thống. Phải đến khi tôi kết nối được với một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, giá bán sản phẩm mới được cải thiện. - anh Nguyễn Văn Tuấn
Không dừng lại ở những mô hình đơn lẻ, việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng xanh là một trong những mục tiêu quan trọng được huyện Võ Nhai đề ra trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, toàn huyện có gần 500ha cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP; hơn 200ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng, miền; khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202502/nong-nghiep-xanh-den-gan-dong-bao-vung-cao-67d245c/
Bình luận (0)