Trang trại bò sữa Vinamilk tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu đạt tiêu chuẩn Global GAP
Tây Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và là cửa ngõ tiếp giáp với Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240km, có 3 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam, 3 cửa khẩu chính và 10 cửa khẩu phụ khác, có tiềm năng và lợi thế để trở thành giao điểm của trục giao thông quốc tế, kết nối, giao thương, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, du lịch với các nước ASEAN. Ngoài các điều kiện về vị trí chiến lược, Tây Ninh còn là địa phương có nhiều quỹ đất thuận lợi để phát triển nông nghiệp.
Kỳ vọng thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư
Chia sẻ tại buổi họp báo ngày 25.5, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã xem phát triển nông nghiệp- nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, giai đoạn 2021- 2025.
Theo đó, Tây Ninh chú trọng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá của ngành nông nghiệp nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung.
Tỉnh đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời quan tâm mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, triển khai các dự án, trong đó có các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao để dẫn dắt nền nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến hy vọng với thế mạnh về công nghệ, tài chính và thị trường, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) có thể giúp Tây Ninh phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu, là động lực để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cả về số lượng lẫn quy mô trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tây Ninh đặt mục tiêu diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải đạt giá trị sản phẩm 150 triệu đồng/ha vào năm 2025 và 180 triệu đồng/ha vào năm 2030. Nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
Ngày 12.1.2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 94/QĐ-UBND phê duyệt Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh. Theo Đề án, Tây Ninh định hướng phát triển 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cụ thể, giai đoạn 2022-2025 dự kiến có 9 vùng (5 vùng trồng trọt với diện tích 2.950 ha, 3 vùng chăn nuôi gà thịt với quy mô 972.000 con/lứa và 1 vùng hỗn hợp trồng trọt – chăn nuôi với diện tích 1.646,1 ha). Giai đoạn 2026-2030 dự kiến có 11 vùng (8 vùng trồng trọt với diện tích 5.714,7 ha; 2 vùng chăn nuôi bò sữa, heo thịt với quy mô 50.000 con/năm và 1 vùng hỗn hợp trồng trọt – chăn nuôi với diện tích 1.000 ha).
Bên cạnh đó, tỉnh nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Chính sách hỗ trợ lãi vay theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND, từ năm 2019 đến cuối năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 13 dự án, gồm: 4 dự án trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao; 8 dự án trồng cây ăn trái thực hành nông nghiệp tốt; 1 dự án chăn nuôi bò thịt thực hành nông nghiệp tốt tại các huyện Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên, Gò Dầu và thành phố Tây Ninh với diện tích 233,5 ha, kinh phí hỗ trợ 4,6 tỷ đồng; thời gian hỗ trợ từ năm 2020-2025 tuỳ dự án.
Chính sách hỗ trợ liên kết theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND, tỉnh đã hỗ trợ 9 dự án, có tổng diện tích 2.230 ha, 850 con bò, 967 hộ; tổng kinh phí hỗ trợ 12,8 tỷ đồng, gồm: 4 dự án liên kết chăn nuôi bò; 4 dự án liên kết trồng lúa và 1 dự án liên kết trồng nấm tại các huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh và chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thuỷ sản giai đoạn 2022-2025.
Công nhân Công ty TNHH QL Việt Nam thực hiện sơ chế trứng gà xuất khẩu. (Ảnh minh họa)
EuroCham sẽ làm cầu nối để các doanh nghiệp châu Âu tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Tây Ninh
Ông Gabor Fluit- Chủ tịch EuroCham, Phó trưởng Ban tổ chức diễn đàn chia sẻ: với hơn 1.300 thành viên, hiện sử dụng 150.000 lao động, EuroCham là một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp thuộc EuroCham là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có rất nhiều thành công khi đầu tư vào Việt Nam. Đối với các thành viên của Hiệp hội EuroCham, diễn đàn này sẽ mở ra cơ hội tiếp cận các thông tin bổ ích, bức tranh toàn diện về bối cảnh kinh tế vùng, các dự án phát triển sắp tới và tiềm năng tăng trưởng, từ đó, có cơ hội đầu tư mới tại Tây Ninh.
Theo ông Gobor Fluit, EuroCham coi trọng những tác động tích cực của nông nghiệp đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng. Trong đó, nông nghiệp được coi là nguồn sống của hàng triệu người dân, là nền tảng của nền kinh tế địa phương và chất xúc tác cho sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, mục tiêu của Diễn đàn lần này là thúc đẩy đối thoại và gây dựng mối quan hệ ý nghĩa giữa EuroCham và Tây Ninh.
Chủ tịch EuroCham chia sẻ: “Thông qua các mối liên kết này, chúng ta có cơ hội để tích cực thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đầu tư. Sự hợp tác này có thể mang tính chuyển đổi, dẫn đến một bước chuyển mình về năng lực công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để phù hợp hơn với thị trường quốc tế, tạo ra nhiều việc làm và trên hết là củng cố vị thế của Tây Ninh trong chuỗi giá trị toàn cầu”.
Ông Vũ Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, ngành nông nghiệp của Việt Nam đang chứng kiến những khởi sắc rõ rệt nhất với những triển vọng to lớn, hứa hẹn sẽ là một trong những ngành đạt được bứt phá trong tương lai. Tuy nhiên, để có thể biến tiềm năng thành hiện thực, rất cần sự hợp tác đầu tư từ các tập đoàn nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, việc VIDA cùng phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh và EuroCham tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023” chắc chắn mang lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động xúc tiến và kêu gọi đầu tư của Tây Ninh.
“Hy vọng với sự kết nối của VIDA, các doanh nghiệp EuroCham sẽ tìm thấy cơ hội đầu tư tại Tây Ninh, một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển rất lớn về nông nghiệp”- ông Vũ Mạnh Hùng khẳng định.
Theo ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để tạo điều kiện tốt nhất trong thu hút đầu tư, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ và kết nối chuỗi giá trị doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh sẽ phát triển hạ tầng đồng bộ, đầu tư hệ thống đường bộ, đường thuỷ, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hoá giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế với các tỉnh, thành phố; tiếp tục phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; nâng cao hiệu quả logistics nhằm giảm chi phí vận tải, chi phí đầu vào doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh.
Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023 sẽ được tổ chức vào 8 giờ 30 ngày 2.6.2023 tại hội trường A, Tỉnh uỷ Tây Ninh. Diễn đàn có quy mô từ 400-450 khách và được xem là diễn đàn đầu tư quốc tế lớn nhất từ trước tới nay tại Tây Ninh. Diễn đàn nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh Tây Ninh; giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án tại các khu kinh tế, khu du lịch, các dự án nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Minh Dương