Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giúp giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là giải pháp cần được đẩy mạnh hơn nữa, để tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp tuần hoàn là xu hướng tất yếu
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín tái chế các chất thải, phế phụ phẩm quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản. Quy trình tái chế cần áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý… nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2022 cho thấy, nông nghiệp là ngành kinh tế rất quan trọng đóng góp khoảng 14% GDP và 38% việc làm. Tuy nhiên đây cũng là ngành đứng thứ hai về phát thải, tạo ra 19% tổng lượng khí phát thải hàng năm của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nông nghiệp tuần hoàn chính là giải pháp giúp Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp bền vững và thực hiện cam kết trở thành nước có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nông nghiệp tuần hoàn là một phần của nông nghiệp sinh thái – ngành nông nghiệp cao cấp nhất hiện nay. Nông nghiệp tuần hoàn đáp ứng 2 nguyên tắc: giảm nguyên liệu hóa thạch, giảm lượng phát thải khí nhà kính và tái sử dụng các chất thải, coi đó là những tài nguyên sinh học để sử dụng quay vòng. Chính vì vậy, nông nghiệp tuần hoàn còn được coi là ngành nông nghiệp “thuận thiên” gắn liền với 3 yếu tố để phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường.
Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long. (Ảnh: ActionAid)
Nông nghiệp tuần hoàn là khái niệm còn khá mới ở nước ta và chưa trở thành một mô hình sản xuất phổ biến, mới chỉ phát triển ở một số tỉnh, trang trại, hộ và một số doanh nghiệp. Việt Nam đang dần đưa kinh tế tuần hoàn vào khung thể chế, chính sách. Cụm từ “Kinh tế tuần hoàn” lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho thấy tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong phát triển kinh tế xã hội. Hiện nông nghiệp tuần hoàn đang là chủ đề được Bộ Nông nghiệp và các địa phương đặc biệt quan tâm.
Nhiều mô hình được triển khai thành công
Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” nhằm tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Chính quyền nhiều địa phương đã triển khai các chương trình hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất có trách nhiệm với môi trường thông qua việc tái sử dụng nguồn phụ phẩm, chất thải như một nguồn nguyên liệu cho chu kỳ sản xuất tiếp theo nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn. Một số mô hình điển hình như: mô hình tạo và dùng khí đốt từ nước thải, chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi; mô hình kết hợp trồng trọt – chăn nuôi – thủy sản, nông – lâm kết hợp, vườn – rừng…
Tại tỉnh Sóc Trăng, nhiều dự án được triển khai nhằm giúp người dân xử lý và tận dụng lượng phân làm nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng, giúp giảm ô nhiễm môi trường và cải tạo đất như: Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp; Xây dựng hầm ủ biogas, ủ phân compost… Tỉnh cũng hỗ trợ hướng dẫn nghề trồng nấm rơm nhờ việc tận dụng lượng rơm sau mỗi đợt thu hoạch lúa.
Theo anh Nguyễn Văn Diễn ở ấp Bàu Cát (xã Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), trước đây mỗi khi thu hoạch xong vụ lúa, rơm rạ thường bị đem đốt vừa gây ô nhiễm môi trường vừa khiến đất thoái hóa. Sau khi được tập huấn mô hình trồng nấm, gia đình anh tận dụng rơm để trồng nấm vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
“Tính trung bình 100m2 có thể thu được gần 600kg nấm. Do giá nấm ít biến động hơn so với các loại rau màu khác, thường duy trì ở mức từ 50.000-60.000 đồng/kg, cho nên sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu về lợi nhuận gần 20 triệu đồng/100m2”, anh Diễn cho biết.
Mô hình trồng nấm rơm tận dụng lượng rơm sau mỗi đợt thu hoạch lúa. (Ảnh minh họa)
Sơn La cũng là địa phương phát triển nhiều mô hình nông nghiệp sản xuất theo chu trình tuần hoàn. Hợp tác xã (HTX) nông trường 19/5 tại Mộc Châu là một ví dụ điển hình với khoảng 20ha triển khai sản xuất với chu trình tuần hoàn, khép kín cùng khoảng 100ha liên kết, bao tiêu sản phẩm trồng rau, củ, quả… góp phần liên kết, tăng giá trị sản phẩm cho bà con dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX nông trường 19/5 cho biết: Từ năm 2011 đến nay HTX tận dụng mô hình chăn nuôi lấy khí sinh học Biogas để hỗ trợ chế biến và làm phân bón cho cây chè, mận, rau… Bình quân mỗi năm HTX tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng chi phí nguyên liệu. Có nguồn phân bón hữu cơ tốt và dồi dào cho sản xuất được ủ đúng quy trình, thời gian nên khi bón lên đất được cải tạo rõ rệt giúp HTX phát triển hệ thống rau sạch hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, phát triển xanh, bền vững.
Mai Anh