Việc tối ưu hoá lợi nhuận kinh tế trong nông nghiệp hiện nay là vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết, và để làm được điều này người nông dân cần hiểu rõ được vấn đề về nông nghiệp sinh thái và làm sao khi áp dụng nông nghiệp sinh thái có thể tạo ra “lợi ích kép”.
Nông nghiệp sinh thái (NNST) không chỉ là một phương pháp canh tác mà còn là một triết lý sống, đặt trọng tâm vào sự hài hòa giữa con người, thiên nhiên và hệ sinh thái.
Tuy nhiên, còn rất nhiều người nông dân hiện nay vẫn chưa hiểu thế nào là nông nghiệp sinh thái, anh Hà Văn Thảo, Bản Nam, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn (Sơn La) chia sẻ: “Ở xã Chiềng Chung của chúng tôi người dân cũng có biết qua về nông nghiệp sinh thái, nhưng họ mới chỉ biết “vẻ ngoài” của nông nghiệp sinh thái còn cốt lõi bên trong như thế nào như trồng cây gì, trồng như thế nào, làm sao để sử dụng tài nguyên một cách tối ưu nhất,… thì họ vẫn chưa nắm rõ. Vậy nên tôi rất muốn các cơ quan, tổ chức có thẩm quyển có thể đưa ra những phương pháp tuyên truyền sao cho người dân có thể hiểu rõ hơn về nông nghiệp sinh thái”.
Với 13 nguyên tắc nền tảng, đây chính là chìa khóa giúp các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ mai sau.
13 nguyên tắc của nông nghiệp sinh thái
Theo Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Phương, Đại học Tây Bắc/ điều phối viên dự án ASSET tại tỉnh Sơn La: “Theo báo cáo của HLPE (FAO) năm 2019, nông nghiệp sinh thái không chỉ là một phương pháp sản xuất mà còn là một triết lý phát triển bền vững, tập trung vào việc kết nối chặt chẽ giữa đất đai, môi trường, và con người. 13 nguyên tắc được đề xuất trong báo cáo là kim chỉ nam cho những người làm nông nghiệp hướng đến sự cân bằng và bền vững”.
Đầu tiên, sử dụng tài nguyên hiệu quả là nguyên tắc cốt lõi, nhấn mạnh vào việc tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên địa phương sẵn có. Thay vì phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài hoặc hóa chất nông nghiệp, hệ thống nông nghiệp sinh thái khuyến khích việc tự cung tự cấp nhằm giảm chi phí, bảo vệ môi trường và hạn chế tác động tiêu cực đến xã hội.
Ở Việt Nam, mô hình VAC (vườn-ao-chuồng) là ví dụ điển hình. Trong mô hình này, phân chuồng được ủ hoai để bón cho cây trồng, nước từ ao nuôi cá được dùng để tưới tiêu,… tạo nên một vòng tròn khép kín không lãng phí.
Việc cải thiện khả năng tự cung cấp của hệ thống nông nghiệp là nguyên tắc tập trung vào việc cải thiện chất lượng đất, phục hồi dinh dưỡng để đất luôn màu mỡ và đảm bảo cây trồng phát triển bền vững. Thay vì khai thác cạn kiệt, nông dân được khuyến khích sử dụng các giải pháp tự nhiên như bón phân hữu cơ hoặc trồng cây họ đậu để bổ sung đạm cho đất. Ngoài ra còn giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm tác hại tới môi trường và giảm các tác động tiêu cực tới xã hội gắn liền với kinh tế tuần hoàn.
NNST nhấn mạnh vai trò của vật nuôi như một phần quan trọng trong hệ sinh thái, nhấn mạnh sự bình đẳng, công bằng đối với vật nuôi. Vật nuôi không chỉ là nguồn lợi kinh tế mà chúng ta cũng phải coi chúng như “những người bạn”, vật nuôi giúp chúng ta kiếm ra tiền vậy tại sao lại không thể đối xử với nó như một người bạn, một người đồng hành.
Ngoài ra, những người “bạn” còn góp phần vào việc tái chế phụ phẩm nông nghiệp. Mô hình nuôi heo kết hợp sử dụng khí sinh học (biogas) tại Đồng bằng sông Cửu Long đã giúp giảm lượng khí thải và cung cấp năng lượng sạch cho nông hộ.
Đa dạng sinh học không chỉ là bảo vệ các giống cây trồng và vật nuôi mà còn là duy trì sự cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái. Nông dân có thể kết hợp nhiều loại cây trồng trong một cánh đồng để tận dụng cộng sinh và giảm thiểu rủi ro từ sâu bệnh. Tại các vùng núi phía Bắc, hệ thống nương rẫy luân canh giúp bảo vệ rừng và đất canh tác khỏi thoái hóa.
Sự tương tác giữa các sinh vật trong hệ sinh thái được tận dụng để cải thiện hiệu quả sản xuất. Ví dụ, việc nuôi cá dưới ruộng lúa không chỉ giúp kiểm soát sâu bệnh mà còn tăng thu nhập từ thủy sản. Sự phối hợp này tạo ra “lợi ích kép” về kinh tế và sinh thái.
Nông nghiệp sinh thái khuyến khích việc kết hợp nhiều hoạt động sản xuất để giảm thiểu rủi ro. Ví dụ, nông dân có thể vừa trồng cây ăn quả, vừa nuôi ong để tăng giá trị kinh tế. Tại Lào Cai, vỏ trấu từ lúa không bị bỏ đi mà được tái chế thành chất đốt, còn tro trấu quay lại làm phân bón, giúp gia tăng thu nhập.
Điều đặc biệt ở nông nghiệp sinh thái là sự sáng tạo không có giới hạn, được thúc đẩy bởi chính nhu cầu và kinh nghiệm thực tế. Ở Lào Cai, những cánh đồng lúa không chỉ là nơi canh tác mà còn trở thành nguồn nguyên liệu cho một chu trình khép kín khác: vỏ trấu từ lúa được tái chế thành chất đốt, tro trấu lại trở về làm phân bón cho đất. Tại Đồng Tháp, bã ngô, bã mía – những thứ từng bị bỏ đi – giờ đây được lên men thành thức ăn chăn nuôi, giảm đáng kể chi phí cho nông dân.
Theo tài liệu của ALiSEA ở Đông Nam Á, đã áp dụng 6 thực hành NNST chính như sau: Nông nghiệp hữu cơ (OA), nông lâm kết hợp (AF), nông nghiệp bảo tồn (CA), quản lý trồng cây tổng hợp (IPM)/bảo vệ thực vật bằng sinh thái (ACP), hệ thống tích hợp cây trồng vật nuôi (CLIS), thâm canh lúa cải tiến (SRI). Những thực hành này không chỉ minh chứng cho sự hiệu quả về kinh tế mà còn gợi lên sự cảm phục với sự cần cù và sáng tạo của người nông dân.
Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng khan hiếm và môi trường chịu áp lực nặng nề, việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả không chỉ là giải pháp, mà còn là sứ mệnh cho một nền nông nghiệp nhân văn, bền vững, và sâu sắc hơn trong mỗi hạt lúa, giọt nước, và nhành cây.
Hiểu rõ được nông nghiệp sinh thái từ đó sinh ra được “lợi ích kép” cho người nông dân…
Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Phương, Đại học Tây Bắc/ điều phối viên dự án ASSET tại tỉnh Sơn La cho biết: “Khi nói đến nông nghiệp sinh thái, một trong những khái niệm quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua chính là “lợi ích kép” mà nó mang lại. Đây không chỉ là một phương thức canh tác nhằm bảo vệ môi trường, mà còn là một chiến lược giúp nông dân nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Lợi ích kép này chính là sự kết hợp giữa việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và gia tăng giá trị kinh tế cho người nông dân thông qua các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp bền vững”.
Lợi ích kép trong nông nghiệp sinh thái không chỉ bảo gồm những giá trị kinh tế trực tiếp mà còn bao hàm các lợi ích về môi trường, xã hội và lâu dài đối với sự bền vững của hệ sinh thái.
Thạc sỹ Phương cho biết thêm: “Nông dân có thể giảm chi phí sản xuất nhờ sử dụng tài nguyên địa phương, tận dụng “phế phụ phẩm” nông nghiệp, và áp dụng các kỹ thuật canh tác tiết kiệm. Đồng thời, họ gia tăng thu nhập thông qua các mô hình đa canh, xen canh hoặc các sản phẩm nông sản chất lượng cao, như cà phê hữu cơ hay hạt mác ca.
Các phương pháp canh tác này giúp giảm thiểu sự suy thoái đất, bảo vệ đa dạng sinh học và giảm ô nhiễm môi trường do hóa chất nông nghiệp. Đặc biệt, việc áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn giúp tái chế phế phụ phẩm nông nghiệp, giảm thiểu chất thải và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, người nông dân có thể xây dựng mối quan hệ cộng đồng bền vững hơn khi áp dụng các mô hình hợp tác xã hoặc cùng nhau phát triển các sản phẩm nông sản địa phương. Các mô hình này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho từng hộ gia đình mà còn nâng cao đời sống cho cả cộng đồng.
Nhìn nhận một cách khách quan hơn, nông nghiệp sinh thái mang lại lợi ích kép cho người nông dân chính là sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Khi áp dụng những nguyên lý của nông nghiệp sinh thái, nông dân không phải chịu những áp lực kinh tế ngắn hạn như khi họ phụ thuộc vào các phương pháp canh tác truyền thống (phụ thuộc hóa chất, giống nhập khẩu). Thay vào đó, họ sử dụng tài nguyên địa phương, ứng dụng các phương pháp tự cung tự cấp, như mô hình VAC tạo ra một hệ thống sinh thái khép kín và hiệu quả, để duy trì năng suất và lợi nhuận lâu dài.
Các mô hình nông nghiệp sinh thái đang được triển khai tại nhiều khu vực ở Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh Tây Bắc. Mô hình VAC kết hợp vườn trồng cây, ao nuôi thủy sản và chuồng trại gia súc đang được áp dụng rộng rãi. Việc sử dụng phân chuồng để bón cho cây trồng, tận dụng nước từ ao nuôi cá để tưới tiêu không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tạo ra một hệ sinh thái bền vững.
Mô hình trồng mắc ca và cà phê hữu cơ: Tại Sơn La và Điện Biên, cây mác ca được trồng không chỉ giúp cải thiện chất lượng đất mà còn mang lại thu nhập cao từ việc xuất khẩu hạt mắc ca. Hơn nữa, mô hình cà phê hữu cơ giúp bảo vệ đất khỏi xói mòn, giảm thiểu sử dụng hóa chất và thúc đẩy thị trường cà phê bền vững.
Lợi ích kép của nông nghiệp sinh thái không phải là điều có thể nhìn thấy ngay lập tức, mà đòi hỏi một quá trình chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang phương thức bền vững. Tuy nhiên, sau khoảng 1-2 năm áp dụng các mô hình nông nghiệp sinh thái, người nông dân sẽ bắt đầu nhận thấy sự cải thiện trong sản xuất nông sản. Các lợi ích như tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm sử dụng hóa chất và tăng năng suất từ việc bảo vệ đất đai sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt trong dài hạn.
Điều quan trọng là các mô hình này cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước và cộng đồng, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi. Các dự án hỗ trợ như ASSET hay ALiSEA tại các tỉnh miền núi đã giúp nông dân tiếp cận những kiến thức, công nghệ và thị trường mới để họ có thể áp dụng thành công các mô hình sinh thái này.
Lợi ích kép không chỉ dành riêng cho các hộ nông dân mà còn cho cộng đồng và môi trường. Nông dân là những người trực tiếp hưởng lợi từ việc giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập từ các sản phẩm nông sản chất lượng cao. Tuy nhiên, những lợi ích này cũng lan tỏa đến cộng đồng rộng lớn hơn.
Chẳng hạn, các mô hình nông nghiệp sinh thái giúp bảo vệ môi trường sống, cải thiện chất lượng đất, và duy trì đa dạng sinh học. Khi áp dụng các phương pháp canh tác sinh thái, không chỉ nông dân mà cả cộng đồng xung quanh cũng hưởng lợi từ môi trường xanh, sạch và bền vững hơn.
Để đạt được lợi ích kép, nông dân cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức và áp dụng các nguyên tắc của nông nghiệp sinh thái vào canh tác. Các bước bao gồm:
Tận dụng tài nguyên địa phương: Sử dụng phân hữu cơ, trồng cây họ đậu,… để cải thiện chất lượng đất, áp dụng mô hình luân canh cây trồng.
Áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững: Trồng cây che bóng, cây tán mát và kết hợp trồng cây với nuôi động vật hoặc cá,… để tạo ra sự cộng sinh, từ đó giảm thiểu sâu bệnh và gia tăng năng suất,…
Tái chế phế phụ phẩm nông nghiệp: Việc tận dụng vỏ trấu, bã ngô, hay bã mía,… để tạo ra chất đốt hoặc thức ăn chăn nuôi giúp giảm chi phí sản xuất và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Được hỗ trợ từ chính phủ, tổ chức và cộng đồng: Chính phủ cần cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và kết nối thị trường cho nông dân khi họ chuyển sang áp dụng các mô hình nông nghiệp sinh thái.
Nguồn: https://danviet.vn/nong-nghiep-sinh-thai-mang-lai-loi-ich-kep-cho-nong-dan-nhu-the-nao-20241202143139975.htm