Thêm hãng tàu trở lại khu vực Biển Đỏ, xuất khẩu nông sản của Nga tăng trưởng tích cực, Mỹ một lần nữa gia hạn miễn thuế đối với hàng trăm sản phẩm của Trung Quốc, quốc gia Đông Nam Á phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất toàn cầu… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Trong năm 2023, xuất khẩu nông sản của Nga tăng trưởng tích cực, với ngũ cốc truyền thống chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, khoảng 38%. (Nguồn: Reuters) |
Kinh tế thế giới
Các hãng tàu biển rục rịch trở lại khu vực Biển Đỏ
Công ty CMA CGM của Pháp ngày 26/12 cho biết đang tăng số tàu đi qua kênh đào Suez. Đây là công ty vận tải container tiếp theo sau hãng tàu Maersk nối lại hoạt động tại khu vực Biển Đỏ, sau nỗ lực do Mỹ khởi xướng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại.
Các công ty vận tải đang đánh giá xem tình hình hiện tại có an toàn để quay lại tuyến đường trên hay không, sau khi Mỹ công bố sáng kiến an ninh hàng hải đa quốc gia tại Biển Đỏ. Trong một thông báo, CMA CGM đã thực hiện một cuộc “đánh giá chuyên sâu về tình hình an ninh” tại khu vực này.
Công ty này cho biết: “Chúng tôi hiện đang xây dựng kế hoạch để tăng dần số lượng tàu đi qua kênh đào Suez. Chúng tôi đang liên tục theo dõi tình hình và sẵn sàng đánh giá lại ngay để điều chỉnh kế hoạch nếu cần”.
Trong một thông báo trên trang web 26/12, CMA CGM liệt kê danh sách 28 tàu được chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi, cao hơn con số 22 tàu trong danh sách được công bố trước đó.
CMA CGM là một trong số các hãng tàu đã thu thêm phụ phí do chuyển hướng tàu, qua đó làm gia tăng chi phí vận tải đường biển kể từ khi lực lượng Houthi tấn công các tàu thương mại.
Nhiều công ty vận tải hàng đầu thế giới, trong đó có Maersk và Hapag-Lloyd, đã dừng sử dụng tuyến đường qua Biển Đỏ, sau khi lực lượng Houthi trong tháng này đã bắt đầu nhắm đến các tàu thương mại, làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu qua kênh đào Suez. Thay vào đó, các công ty này chuyển sang tuyến đường vòng qua phía nam châu Phi, làm cho quãng đường di chuyển trở nên dài hơn và tốn kém hơn. Kênh đào Suez là tuyến đường biển ngắn nhất nối châu Á và châu Âu.
Kinh tế Mỹ
* Theo báo cáo thứ ba và cũng là báo cáo cuối cùng công bố ngày 21/12 của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III/2023 được điều chỉnh giảm xuống 4,9%.
Báo cáo mới nhất cho thấy, GDP của Mỹ tăng trưởng 4,9% so với mức tăng 5,2% theo báo cáo lần thứ hai. Theo báo cáo trên, kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm trong năm 2024.
Tuy nhiên, ngay cả khi tránh được sự suy giảm, tăng trưởng GDP của Mỹ thực tế trong vài quý tới có thể gặp trở ngại do chính sách tiền tệ thắt chặt.
*Các quan chức thương mại Mỹ ngày 26/12 thông báo, nước này một lần nữa gia hạn miễn thuế đối với hàng trăm sản phẩm của Trung Quốc từng bị áp thuế trừng phạt. Theo đó, các miễn trừ trước đây đã được gia hạn đến ngày 31/12/2023 sẽ được kéo dài đến ngày 31/5/2024.
Việc gia hạn sẽ cho phép “dỡ bỏ các miễn trừ một cách có trật tự”, đồng thời sẽ có những trường hợp có thể được gia hạn thêm để “cho phép thay đổi nguồn cung ứng sang Mỹ hoặc các nước thứ ba”.
Kinh tế Trung Quốc
*Ngày 25/12, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã công bố “Kế hoạch hành động 3 năm về xây dựng môi trường kinh doanh hàng đầu quốc tế Vùng vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong (Trung Quốc)-Macao (Trung Quốc)” (Kế hoạch hành động).
Kế hoạch đề xuất tối ưu hóa môi trường tiếp cận thị trường, nghiên cứu hủy bỏ hoặc nới lỏng các hạn chế như yêu cầu trình độ, tỷ lệ nắm giữ cổ phần, tiếp cận ngành… đối với nhà đầu tư Hong Kong, Macao.
*Một nghiên cứu của dịch vụ lập kế hoạch du lịch Aviasale cho thấy, số lượng vé máy bay đặt tới Trung Quốc từ Nga năm 2023 đã tăng gấp 20 lần. Theo nghiên cứu, Trung Quốc nằm trong số 15 quốc gia được du khách Nga yêu thích nhất. Chi phí trung bình vé hai chiều bay từ LB Nga tới Trung Quốc năm 2023 là 66.700 ruble (725 USD).
Nhìn chung, người Nga bắt đầu đi du lịch nước ngoài thường xuyên hơn. Nếu năm 2022, tỷ trọng các chuyến bay nội địa chiếm 81% tổng số lượt đặt chỗ thì năm nay con số này đã giảm xuống mức 77%. Chỉ trong một năm, hành khách đã thực hiện 3,2 tỷ giờ bay. Người Nga đã đến thăm 163 quốc gia và bay hơn 30 tỷ km.
Kinh tế châu Âu
* Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) ngày 22/12 cho biết, giá nhà ở tại nước này trong quý III/2023 đã giảm trung bình 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ khi những dữ liệu này được thu thập từ năm 2000.
Giá nhà giảm nhiều nhất được ghi nhận ở các thành phố lớn như Berlin, Hamburg, Munich, Cologne, Frankfurt am Main, Stuttgart và Dusseldorf. Tại những thành phố này, giá nhà đơn lập và nhà hai căn hộ giảm 12,7%, trong khi giá căn hộ chung cư giảm 9,1%.
Nhu cầu giảm do lãi suất và chi phí tài chính cao đã khiến giá bất động sản giảm trong nửa đầu năm nay. Trong quý I và quý II/2023, giá bất động sản nhà ở giảm lần lượt 6,8% và 9,6%.
*Trong số 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, Bảng Anh là đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong năm 2023. Mỗi 100 Bảng Anh mang ra nước ngoài sẽ đổi được gần 121 USD vào đầu năm nay, nhưng hiện tại 1 Bảng Anh đổi được hơn 125 USD. Đó không phải là thành tích tệ khi “đồng bạc xanh” tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thế giới trong năm nay.
Sức mạnh của đồng Bảng Anh không chỉ có lợi cho ngành du lịch, nó còn giúp giảm bớt lạm phát của nước này bằng cách giảm chi phí hàng hóa và dịch vụ mua từ nước ngoài. Trong nhóm 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất chỉ có đồng Bảng Anh và Franc Thụy Sỹ là có diễn biến tích cực trong năm nay.
*Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev mới đây cho biết, trong năm nay, xuất khẩu nông sản của nước này đang tăng trưởng tích cực, với ngũ cốc truyền thống chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu (khoảng 38%). Nga vẫn là nhà cung cấp lúa mỳ hàng đầu thế giới. Dự báo đến cuối năm 2023, xuất khẩu nông sản sẽ lên tới hơn 45 tỷ USD.
Ông Patrushev nhận định, đây sẽ là số liệu kỷ lục của Nga. Năm 2024, với thu hoạch bội thu và động lực sản xuất tích cực trong các lĩnh vực chính, Nga dự kiến vẫn duy trì được mức xuất khẩu cao hiện tại.
*Báo Thương gia ngày 25/12 thông báo về sự cạn kiệt đáng kể nguồn dự trữ của Quỹ phúc lợi quốc gia (NWF) của Nga, vốn ban đầu dành cho việc đăng ký lại máy bay từ các bên cho thuê nước ngoài.
Trong số 300 tỷ Ruble (3,2 tỷ USD) dành cho những mục đích này, chỉ còn lại 3,5 tỷ Ruble. Phần lớn số tiền này được chi cho việc thanh toán tiền mua 86 máy bay của hãng hàng không Aeroflot, 45 máy bay của S7 và 19 máy bay của hãng Ural Airlines.
Việc mua máy bay từ chủ sở hữu nước ngoài được thực hiện trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây được áp đặt vào tháng 2/2022. Quỹ phúc lợi quốc gia cung cấp vốn dưới dạng khoản vay ưu đãi với lãi suất 1,5% trong 15 năm. Chủ sở hữu mới của các máy bay là công ty cho thuê NLK-Finance, do Tổng cụ Vận tải Hàng không Liên bang Nga kiểm soát.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
*Theo ước tính tài sản quốc gia do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 25/12, GDP bình quân đầu người danh nghĩa của nước này trong năm 2022 là 34.064 USD. Đây là lần đầu tiên sau 14 năm con số này thấp nhất trong số các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) do tác động của đồng Yen mất giá.
GDP bình quân đầu người danh nghĩa của Nhật Bản đã giảm từ 40.034 USD vào năm 2021, xuống còn 34.064 Yen. Con số này cũng đẩy Nhật Bản tụt thêm một bậc trong số các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tức là từ vị trí 20/38 vào năm 2021 xuống 21/38 vào năm 2022, lần đầu tiên kể từ năm 1980.
*Theo Nikkei Asia, chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập một tổ chức bảo trợ cho ngành công nghiệp điện nhiệt hạch vào tháng 3/2024. Động thái nhằm đẩy nhanh quá trình thương mại hóa nguồn năng lượng quan trọng đối với Nhật Bản trong quá trình khử carbon và đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.
Tổ chức mới dự kiến được đặt tên là “Diễn đàn Năng lượng nhiệt hạch”, tập hợp các công ty từ khu vực tư nhân, chính phủ và giới học thuật để phát triển công nghệ và các kênh bán hàng nhằm thương mại hóa sản phẩm.
*Các quan chức Hàn Quốc ngày 26/12 cho biết, nước này sẽ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Nga và Belarus bằng cách mở rộng đáng kể danh sách các mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu, bao gồm máy xúc, pin và các phương tiện lớn hơn, liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo bản sửa đổi quy định kinh doanh mặt hàng chiến lược, Hàn Quốc bổ sung 682 mặt hàng liên quan đến thiết bị xây dựng hạng nặng, pin sạc, linh kiện máy bay, máy móc và các mặt hàng khác vào danh sách cấm xuất khẩu sang Nga và Belarus. Quy định mới sẽ nâng tổng số mặt hàng trong danh sách này từ 798 mặt hàng hiện tại lên 1.159 mặt hàng.
Việc sửa đổi dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2024 sau khi hoàn tất các thủ tục hành chính hợp lệ và ban hành hướng dẫn của Chính phủ đối với các nhà xuất khẩu.
* Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) ngày 25/2 cho hay, chính phủ nước này quyết định tăng ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) năm 2024 cho chip, pin, màn hình, sinh học, ô tô tương lai và robot thêm 5,8% so với năm nay lên 2.000 tỷ Won (1,5 tỷ USD) để tăng cường khả năng cạnh tranh trong các ngành công nghiệp chủ chốt.
Phần lớn nhất của ngân sách trên thuộc về ô tô tương lai với 355 tỷ Won, tăng 10%. Ngân sách sẽ được sử dụng để hỗ trợ phát triển các công nghệ có khoảng cách vi mô nhằm chuyển đổi xanh sang xe điện và hydro, công nghệ thông tin – truyền thông, trí tuệ nhân tạo (AI) và ô tô tự hành.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
*Cơ quan quản lý dầu khí thượng nguồn Indonesia (SKK Migas) vừa công bố phát hiện mỏ khí đốt bổ sung ở Biển Nam Andaman với trữ lượng thuộc hàng “lớn nhất thế giới”.
Công ty Mubadala Energy của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã phát hiện trữ lượng bổ sung thông qua giếng thăm dò Layaran-1 ở Lô Nam Andaman, nằm cách phía bắc đảo Sumatra khoảng 100 km. Mubadala cho biết, phát hiện này có thể chứa hơn 6.000 tỷ feet khối (bcf).
*Nền kinh tế Malaysia đạt thặng dư thương mại 12,41 tỷ Ringgit (RM; tương đương 2,68 tỷ USD), trong tháng 11/2023, duy trì đà thặng dư liên tiếp của 43 tháng gần nhất.
Theo báo cáo của Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI), trong tháng 11/2023, xuất khẩu của nước này đạt 122,10 tỷ RM, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 1,7%, đạt 109,69 tỷ RM. So với tháng 10/2023, xuất khẩu giảm 3,2%, nhập khẩu giảm 3,1% và thặng dư thương mại giảm 3,8%.
Tính chung trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 11/2023, thương mại giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 2.413 tỷ RM.
* Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ngày 26/12 cho biết, Nội các nước này đã phê duyệt Dự luật ngân sách cho tài khóa 2024 sau nhiều tháng bị trì hoãn.
Dự luật tìm kiếm nguồn tài trợ 3.480 tỷ Baht (khoảng 100 tỷ USD) cho tài khóa 2024, vốn đã bắt đầu từ ngày 1/10/2023. Dự luật đã không được thông qua kịp thời vào đầu tài khóa do chính phủ mới chậm được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5/2023.
Theo ông Srettha, ngân sách dự kiến cấp cho tài khóa 2024 tăng 295 tỷ Baht (khoảng 8,5 tỷ USD) so với tài khóa 2023, tương đương mức tăng 9,3%.