BẮC GIANG Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hướng đến nông nghiệp xanh là xu thế không thể đảo ngược.
Ngày 5/6, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Bắc Giang tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn khu vực Trung du miền núi phía Bắc”.
Sản xuất theo định hướng dài hạn
“Sản xuất hữu cơ phải có định hướng dài hạn, càng dài càng có lợi. Qua thực tế tại một số địa phương, có tình trạng người dân thấy chán nản vì bán sản phẩm hữu cơ nhưng doanh thu, lợi nhuận không tương xứng. Họ rất dễ quay lại sản xuất theo phương pháp thông thường”, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nêu thực trạng tại diễn đàn.
Theo ông Hồng, khi khảo sát một số vùng trồng tại khu vực, một số hộ dân chưa dám khẳng định là sản phẩm hữu cơ hay không, mà mới “dám nói” là sản phẩm có hướng hữu cơ, hoặc định hướng hữu cơ. Ông nhấn mạnh, rằng trong các văn bản chỉ đạo của ngành, chỉ có sản phẩm hữu cơ, không hề có “định hướng”. Do đó, ông đề nghị cán bộ khuyến nông các cấp hướng dẫn cụ thể, chi tiết để người dân thực hiện chặt chẽ các quy định liên quan tới sản xuất hữu cơ.
Một trong những vấn đề được ông Hồng khuyến cáo là thời gian chuyển đổi sản xuất hữu cơ. Cụ thể, thời gian chuyển đổi đối với lúa hữu cơ ít nhất là 12 tháng tính từ thời điểm bắt đầu áp dụng sản xuất hữu cơ. Ngoài ra, sản phẩm trong thời gian chuyển đổi không được coi là sản phẩm hữu cơ. Trên cơ sở đánh giá lịch sử sử dụng đất và kết quả phân tích hóa chất (dư lượng kim loại nặng, phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học) trong đất, nước và các sản phẩm thóc, gạo, có thể kéo dài, rút ngắn hoặc bỏ qua thời gian chuyển đổi.
“Thời gian chuyển đổi có thể rút ngắn nếu có bằng chứng về việc không sử dụng các chất không thuộc danh mục vật tư, nguyên liệu đầu vào được phép sử dụng cho sản xuất hữu cơ, hoặc không thực hiện các hoạt động bị cấm trong sản xuất hữu cơ. Dù vậy, thời gian chuyển đổi sau khi rút ngắn không được ít hơn 6 tháng”, ông Hồng nói tiếp.
Bên cạnh thời gian chuyển đổi, ông Hồng còn lưu ý thêm một số vấn đề, chẳng hạn trong 12 tháng chuyển đổi, người dân không được sử dụng chung vật tư với sản xuất theo phương pháp thông thường. “Nếu dùng chung máy cày thì trước khi mang sang ruộng hữu cơ, bà con phải rửa sạch”, ông ví von và khẳng định rằng, trong sản xuất hữu cơ, mọi thứ đều phải tuân thủ một cách chặt chẽ theo đúng quy trình.
Chính bởi quy trình ngặt nghèo như vậy nên sản phẩm hữu cơ đương nhiên có chi phí sản xuất cao hơn, dẫn tới giá bán cao hơn. Nếu không tạo ra được sự khác biệt để khẳng định chất lượng, bao bì, nhãn mác… người dân sẽ loay hoay với câu chuyện đầu ra.
Trước mắt, ông Hồng khuyên người dân tập trung hạ chi phí sản xuất một cách thấp nhất thông qua việc liên kết thành các tổ, nhóm để mua vật tư nông nghiệp, nguyên liệu đầu vào với số lượng lớn. Cùng với đó, người dân nên tìm đến những doanh nghiệp uy tín, đặc biệt là các đại lý lớn để đảm bảo 100% nguyên liệu đầu vào, tránh tư tưởng “tận dụng” bởi có thể làm hỏng cả quá trình nỗ lực kéo dài.
“Dựa vào quy hoạch, tình hình thực tế và năng lực sản xuất của từng địa phương, người dân có thể lên phương án sản xuất hữu cơ. Bà con phải tập trung sản xuất theo chuỗi với quy mô hàng hóa trong thời gian dài. Đó chính là những tiền đề cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Thương hiệu vô hình nhưng được gây dựng từ nhãn hiệu hữu hình. Nâng dần uy tín về nhãn hiệu sẽ tạo được thương hiệu trong lòng người tiêu dùng, từ đó có thêm giá trị cho sản phẩm làm ra”, ông Hoàng Văn Hồng chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm của ông Hồng, ông Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thừa nhận, người tiêu dùng hiện còn lăn tăn với sản phẩm hữu cơ. Một số còn băn khoăn khi phân biệt giữa sản phẩm hữu cơ và sản phẩm sạch.
“Không còn cách nào khác, người sản xuất phải tìm cách nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc thực hiện đúng quy trình nhằm tăng niềm tin của người tiêu dùng để họ sẵn sàng chi trả thêm cho phần giá trị gia tăng”, ông Vân bộc bạch.
Lấy ví dụ về sản phẩm vải thiều Bắc Giang, khi sản xuất chuẩn hữu cơ và xây dựng được chỉ dẫn địa lý, giá bán tại thị trường Nhật Bản đạt tới hơn 80.000 đồng/quả, ông Vân đề nghị người dân trước khi sản xuất hữu cơ cần tính đến yếu tố thị trường, đồng thời tránh canh tác theo quy mô hộ gia đình.
Giá trị kinh tế có thể tăng tới 300%
Tại diễn đàn, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang thông tin, Bắc Giang đã phê duyệt Đề án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2025; xây dựng bản đồ số các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
Đặc biệt năm 2023, Bắc Giang đã ban hành “chùm” chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn như chính sách liên kết gắn sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, chính sách hỗ trợ nông lâm nghiệp và thủy sản, chính sách hỗ trợ giống, chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP.
“Bắc Giang đã xây dựng và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho 6 mô hình điểm trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, đồng thời mở rộng thêm mô hình vải thiều hữu cơ diện tích 10ha, chăn nuôi lợn thịt bằng thảo dược quy mô 20.000 con/năm”, ông Thành chia sẻ.
Nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn phát triển trên địa bàn Bắc Giang như mô hình chăn nuôi lợn, vịt kết hợp nuôi giun quế; mô hình chăn nuôi lợn, vịt, gà kết hợp sản xuất phân hữu cơ; mô hình lúa – cá, mô hình trồng lúa – trồng nấm – sản xuất phân hữu cơ; mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường, mô hình trồng bưởi hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm…
Qua thực tế đánh giá, các mô hình điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ giá trị kinh tế có thể tăng thêm đến 300%, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn giúp giảm sử dụng nguyên liệu đầu vào từ 10 – 30% so với thông thường.
Nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp Bắc Giang phát triển ổn định trong năm 2024. Năng suất lúa vụ chiêm xuân đạt 60,5 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ 0,6 tạ/ha; diện tích lúa chất lượng đạt gần 50% tổng diện tích gieo trồng; vụ vải thiều dù sản lượng giảm nhưng chất lượng được đánh giá tốt nhất từ trước đến nay, giá bán tăng 100 – 200% so với năm ngoái. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt 138 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn gặp khó khăn như thị trường tiêu thụ so với sản phẩm truyền thống chưa có nhiều khác biệt, nhất là về giá bán do quy mô các mô hình còn nhỏ, khó cạnh tranh để đi vào các chuỗi cửa hàng lớn. Nguyên liệu, vật tư đầu vào để sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ chưa đa dạng; sự tham gia của doanh nghiệp, người dân còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ chế, chính sách khuyến khích chưa thực sự là động lực…
Dù vậy, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang thừa nhận, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hướng đến nông nghiệp xanh là xu thế không thể đảo ngược. Đây được coi là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, là định hướng phát triển nông nghiệp trong tương lai khi Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Cục Trồng trọt cho biết, năm 2022 cả nước có khoảng 220.000ha canh tác hữu cơ với kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 335 triệu USD, tăng gần 15 lần so với năm 2010 và đứng thứ 8 trong 10 nước có diện tích nông nghiệp hữu cơ tại châu Á.
Diện tích được chứng nhận trồng trọt hữu cơ theo TCVN của Việt Nam tăng dần hàng năm. Đến 2023 đạt hơn 2.828,7ha, trong đó khu vực miền núi phía Bắc chiếm hơn 271ha, chủ yếu trên cây chè, ngoài ra còn có cây ăn quả, cây gia vị và một số loại rau, nấm. Tuy nhiên, Cục Trồng trọt đánh giá, đây là các con số rất khiêm tốn so với diện tích trồng trọt ở nước ta.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/nong-nghiep-huu-co-nong-nghiep-xanh-la-xu-the-khong-the-dao-nguoc-d388656.html