Gia đình anh Nguyễn Văn Nin, ở xã Kiến Thành, huyện Đắk R'lấp trồng 4ha cà phê từ năm 2010. Sau nhiều năm canh tác, anh Nin đã tiến hành tái canh bằng cách ghép cải tạo cây cà phê.
Anh Nin cho biết, hiện vườn cà phê sau tái canh của gia đình thu hoạch đạt từ 3-5 tấn/ha, cao hơn giống cũ từ 1-2 tấn/ha. Đây là kết quả ngoài mong đợi của gia đình.
Ngoài việc tái canh bằng giống cà phê mới, anh Nin còn thay đổi phương pháp canh tác để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hàng năm, gia đình anh Nin sản xuất được khoảng 4 tấn cà phê chất lượng cao, bán với giá cao hơn thị trường 20.000 đồng/kg nhờ việc kết nối với các đơn vị thu mua.
Đối với cây hồ tiêu, gia đình anh Nin đang trồng hơn 1.000 trụ giống tiêu mới. Giống tiêu này có nhiều ưu điểm vượt trội về kháng bệnh, năng suất cao...

Đắk Nông xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Tỉnh đặt mục tiêu duy trì ổn định đến năm 2030 trên 204.000ha cây lâu năm, sản lượng đạt khoảng 456.000 tấn.
Đắk Nông tập trung tái canh toàn bộ diện tích cà phê, điều, cao su... già cỗi, năng suất thấp bằng các giống chất lượng cao kết hợp trồng xen cây ăn quả hoặc cây che bóng.
Đối với cây hồ tiêu, tỉnh hướng đến tăng diện tích trồng xen để giảm áp lực về sinh vật gây hại. Tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các diện tích không thích nghi sang cây trồng phù hợp.
Các địa phương tập trung sản xuất đạt các tiêu chuẩn quốc tế như UTZ, Rainforest, 4C và hữu cơ. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ.
.jpg)
Ở nhóm cây tiềm năng, đến năm 2030, tỉnh phát triển cây dược liệu khoảng 1.000ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn. Tỉnh ưu tiên trồng các loại dược liệu có giá trị y học, hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đối với cây mắc ca phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 11.000ha, sản lượng đạt trên 1.500 tấn. Hình thành vùng chuyên canh tập trung tại huyện Tuy Đức, chiếm khoảng 70% diện tích mắc ca toàn tỉnh.
Cây ăn quả tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình trồng thuần hoặc trồng xen trong vườn cây công nghiệp lâu năm. Các sản phẩm như bơ, sầu riêng, chanh dây tăng cường chế biến sâu để nâng cao giá trị. Các địa phương đẩy mạnh sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tỉnh định hướng ổn định tỷ trọng nhóm cây công nghiệp lâu năm, đồng thời tăng tỷ trọng cây ăn quả, rau, hoa và dược liệu. Tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát huy lợi thế cạnh tranh của từng tiểu vùng.
Về chăn nuôi, Đắk Nông khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại công nghệ cao, xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, sử dụng thức ăn hữu cơ và kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ.
Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, Đắk Nông đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị, thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu.
Các sản phẩm chủ lực như cà phê, sầu riêng và một số cây trồng khác đang được xây dựng chỉ dẫn địa lý, giúp tăng cường nhận diện trên thị trường nội địa và quốc tế.
.jpg)
Để thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, Đắk Nông đang tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Tỉnh chú trọng phát triển mạnh sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực như cà phê, sầu riêng, bơ, đậu tương, khoai lang và cây dược liệu.
Đắk Nông còn tập trung vào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ du lịch.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-nghiep-dak-nong-tai-co-cau-gan-voi-nang-cao-gia-tri-247759.html
Bình luận (0)