Bỏ việc ổn định để theo nghề nông
Chị Lê Thị Minh Phượng (sinh năm 1988, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM) quyết định bỏ nghề thợ may, dấn thân sang trồng dưa leo bằng giàn lưới, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động.
Phương pháp trồng dưa leo này của chị Phượng tiết kiệm được chi phí như công làm đất, làm cỏ, bón phân, tưới nước. Đặc biệt là hạn chế được rất nhiều đối tượng sinh vật gây hại lên cây dưa. Điều này cho giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích đất canh tác, phương pháp canh tác khá thân thiện với môi trường.
Giống dưa leo chị Lê Thị Minh Phượng chọn trồng là dưa leo Mỹ lai F1 napali 64, thời gian thu hoạch khoảng 2-3 tháng, có thể trồng 3-4 vụ/năm. Ước tính, năng suất trung bình vườn dưa leo của chị Phượng đạt 6 – 7 tấn/250m2/năm, giá bán lẻ 45.000 đồng/kg, thu nhập mỗi năm từ 200 – 250 triệu đồng. Trừ đi các khoản chi phí, chị Phượng thu lời khoảng 130-150 triệu đồng mỗi năm.
Hệ thống tưới nhỏ giọt, các giàn treo, chậu, nhà lưới tiếp tục được tái sử dụng ở các vụ trồng dưa tiếp theo nên lợi nhuận năm sau tăng hơn năm trước.
Cùng sinh năm 1988 như chị Phượng, anh Trần Thanh Bình xuất thân là sinh viên của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, có được công việc có thu nhập cao. Nhưng anh đã nghỉ việc trước sự ngỡ ngàng của nhiều người và chọn khởi nghiệp từ mô hình trồng rau thủy canh.
“Lần đầu nghe ý tưởng của tôi là đầu tư hàng trăm triệu đồng để chỉ trồng rau thủy canh, gia đình tôi đều tỏ ra ái ngại, lo lắng. Nhưng với niềm tin, quyết tâm và nỗ lực thuyết phục, tôi bắt tay thực hiện mô hình vào cuối năm 2020”- anh Bình tâm sự.
Ngay từ khi bắt đầu thực hiện dự án trồng rau thủy canh, anh Bình đã trăn trở đến việc tìm đầu ra trên thị trường để bảo đảm rau không bị ế. Anh xác định tiêu chuẩn sản phẩm hướng đến khách hàng của mình là các siêu thị và hệ thống rau sạch tại TP.HCM.
Qua đó, anh thành lập Công ty cổ phần Sản xuất thương mại nông sản Hitech để cung ứng sản phẩm của chất lượng tiêu chuẩn quốc tế ISO; HACCP; HALAL… và các tiêu chuẩn thực hành, sản xuất nông nghiệp sạch: Global G.A.P – Viet GAP.
Sau 3 năm xây dựng mô hình trồng rau thủy canh nhà màng, Trần Thanh Bình đã mở rộng quy mô với 2 farm tại huyện Củ Chi và TP.Thủ Đức, mỗi farm rộng 2.000m2. Bình quân mỗi tuần, vườn rau thu hoạch khoảng 2-3 tấn rau xà lách mỡ chủ yếu cung cấp tại các siêu thị và hệ thống Winmart, Genshai, Emart, Lotte Mart. Giá bán trung bình từ 30.000 – 50.000 đồng/kg, tùy theo các loại rau.
Góp phần thay đổi tư duy nông nghiệp
Hiện nay, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu của TP.HCM. Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh, ngành nông nghiệp thành phố cần phải thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. TP.HCM phải sản xuất nông nghiệp theo hướng nghiên cứu, thử nghiệm trình diễn và lan tỏa những mô hình có hiệu quả cao.
TS Đỗ Xuân Hồng – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Đại học Nông Lâm TP.HCM) cho biết, với thực trạng thiếu nhân lực trẻ cho ngành nông nghiệp nước nhà hiện nay, việc các bạn trẻ chọn khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp là tín hiệu rất khả quan.
Đặc biệt trong đó phải nói đến những bạn trẻ mang kiến thức học được từ nhiều nơi, về cống hiến cho quê hương.
Tại TP.HCM, nông nghiệp càng phải đẩy mạnh việc phát triển theo hướng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, đảm bảo phù hợp với sự phát triển chung của thành phố.
“Thực sự với nông nghiệp chuyển đổi số là chuyến tàu không thể lỡ. Muốn tiết giảm chi phí; giảm bớt các khâu trung gian; minh bạch lý lịch sản phẩm; minh bạch quá trình sản xuất; người thu mua, người tiêu dùng có thể giám sát từ xa… chuyển đổi số là con đường tất yếu. Và người trẻ về quê làm nông nghiệp, nếu kiên định với con đường chuyển đổi số thì chắc chắn sẽ gặt hái được những thành công, cả về mặt kinh tế và thương hiệu một cách bền vững, mà không bị lụi tàn” – ông Đặng Dương Minh Hoàng – Chủ nhiệm mạng lưới Lương Định Của toàn quốc nhấn mạnh.
Tại Hội nghị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp phải theo chuỗi giá trị. Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp không chỉ để làm thuê cho doanh nghiệp, mà còn phải tạo ra những người làm chủ.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, đào tạo phải gắn liền nhu cầu cuộc sống, chính là cuộc sống chứ không phải chuẩn bị cho cuộc sống. Cho nên khởi nghiệp nông nghiệp trong các trường học cũng không nên làm theo phong trào. Khởi nghiệp không nên là sân chơi mà phải là làm thật, tạo ra hiệu quả và giá trị thật.