Tại diễn đàn, UBND tỉnh đã ký kết hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác với các hiệp hội và doanh nghiệp
Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức thành công Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023. Đây là sự kiện nổi bật thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu thông tin và định hướng đầu tư, phát triển nông nghiệp tại Tây Ninh.
Nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Tây Ninh có đất đai thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước dồi dào, tạo nên tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với vị trí địa lý thuận lợi, Tây Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế và không gian phát triển lớn, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần XI đã xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị là một trong 4 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm, phát triển bền vững và người nông dân Tây Ninh có thể sống và làm giàu từ nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, Tây Ninh là địa phương có điều kiện tự nhiên đặc thù thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và một số ngành công nghiệp.
Đây là những điều kiện để Tây Ninh phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, phấn đấu xây dựng Tây Ninh cơ bản trở thành tỉnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, để phát huy được các thế mạnh này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý Tây Ninh phải chú trọng vào các nhóm giải pháp về phát triển khoa học công nghệ; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thị trường và các dịch vụ hỗ trợ; tuyên truyền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cải cách thủ tục hành chính.
“Nhiệm vụ đặt ra với tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tỉnh, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân và FDI.
Với tinh thần đó, tôi đánh giá cao tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Diễn đàn quan trọng và rất có ý nghĩa hôm nay. Đây là dịp tốt để các nhà tài trợ, các nhà đầu tư trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội, thúc đẩy hợp tác, đầu tư kinh doanh, nhất là đối với những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để đem lại lợi ích cho nhà đầu tư và đưa Tây Ninh phát triển nhanh, bền vững”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Theo ông Gabor Fluit- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Tây Ninh có vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vai trò kết nối với thị trường Campuchia.
Vai trò của Tây Ninh sẽ còn gia tăng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài được đầu tư và đưa vào sử dụng. Đất đai dồi dào, Tây Ninh mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn, với nhiều dự án phát triển nông nghiệp quy mô lớn, có giá trị cao.
Tuy nhiên, theo ông Gabor Fluit, vấn đề của ngành nông nghiệp Tây Ninh hiện nay là phải phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, đồng thời đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của EVFTA và EU.
Tây Ninh có tiềm năng rất lớn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tây Ninh dần được hình thành và bước đầu thực hiện ứng dụng đồng bộ cơ giới hoá trong sản xuất trên các loại cây trồng như: cây lúa có tỷ lệ cơ giới hoá cao nhất (100% khâu làm đất; 2,5% khâu gieo, cấy; 65% – 70% khâu chăm sóc; 80% – 90% khâu thu hoạch và vận chuyển); kế đến là cây mía (99% khâu làm đất; 25% – 35% khâu chăm sóc;
40% khâu thu hoạch và 99% vận chuyển); cây mì (96% khâu làm đất; 15% – 30% khâu chăm sóc; 3% khâu thu hoạch và 97% khâu vận chuyển). Các vườn cây ăn trái cũng có xu hướng cơ giới hoá trên khâu chăm sóc với các loại máy: xới cỏ, tưới phun, tưới nhỏ giọt, hệ thống tưới nước và phân bón.
Hệ thống nhà lưới, nhà màng kết hợp các kỹ thuật tưới tiết kiệm, cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới, điều tiết ẩm độ, ánh sáng, ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, triển khai ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử và cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho một số diện tích cây ăn quả.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, đến năm 2030, Tây Ninh định hướng phát triển 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, mỗi vùng sản xuất được chứng nhận sẽ có ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản. Nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 vùng đủ điều kiện công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: vùng phát triển rau quả, cây công nghiệp, diện tích 1.300 ha ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành của Công ty TNHH Hưng Thịnh và vùng phát triển cây công nghiệp, mía hữu cơ, diện tích 950 ha, tại xã Thành Long, huyện Châu Thành của Công ty cổ phần đường Biên Hoà.
Bên cạnh đó, tỉnh có 4 vùng đất trống đang thu hút đầu tư, tổng diện tích gần 4.029 ha gồm: vùng phát triển cây ăn trái đặc sản, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao: diện tích 1.986 ha, tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu; vùng phát triển cây công nghiệp, dược liệu: diện tích 770,9 ha, tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu; vùng phát triển rau quả thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp: diện tích 271,67 ha, tại 2 xã Thành Long và Hoà Hội, huyện Châu Thành; vùng phát triển gia súc, chăn nuôi gà giống, cây ăn quả: 1.000 ha tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu (hiện, Tập đoàn Hùng Nhơn đã đầu tư trang trại chăn nuôi gà giống, diện tích 39 ha tại đây).
Ngoài ra, theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh còn 14 vùng có khả năng phát triển thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích trên 5.400 ha.
Để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân cho biết, Tây Ninh đang triển khai thực hiện một số chính sách về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Hỗ trợ lãi vay thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, CNC (Quyết định 21/2019/QĐ-UBND); Hỗ trợ liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm (Quyết định 23/2019/QĐ-UBND); Hỗ trợ thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thuỷ sản (Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND);
Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Quyết định 20/2020/QĐ-UBND). Tỉnh sẽ điều chỉnh chính sách này khi nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP được ban hành; Hỗ trợ về đất đai ở các vùng đất trống đang thu hút đầu tư (tuỳ dự án có thể giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất).
Tây Ninh sẽ có chính sách thiết thực, ưu tiên thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, qua diễn đàn lần này, giúp Tây Ninh nhận diện rõ hơn tiềm năng, lợi thế cũng như những điểm hạn chế trong định hướng và chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh để có giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, diễn đàn đã trở thành cầu nối liên kết, hợp tác đầu tư giữa Tây Ninh và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là cơ hội để hình ảnh quê hương và con người Tây Ninh thân thiện, nghĩa tình, đến gần hơn với bạn bè quốc tế và doanh nghiệp gần xa.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, sau Diễn đàn, Tây Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có chính sách thiết thực, cụ thể ưu tiên đầu tư vào 20 vùng nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2022-2030.
Đồng thời, căn cứ chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ, Tây Ninh sẽ có kế hoạch cụ thể để triển khai liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng địa phương.
Minh Dương