Nông lâm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số sản phẩm, doanh nghiệp được xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm ngày càng nhiều, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng đạt mốc trên 53 tỷ USD năm 2023.
Động lực trong phát triển sinh kế cho nông dân
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Sự lớn mạnh và trưởng thành của hệ thống quản lý chất lượng trong 30 năm qua đã tạo niềm tin mạnh mẽ và điểm tựa vững vàng cho người dân và doanh nghiệp trong bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nông lâm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số sản phẩm, doanh nghiệp được xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm ngày càng nhiều, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng đạt mốc trên 53 tỷ USD năm 2023.
Đây là động lực quan trọng cho phát triển nông nghiệp nông thôn, sinh kế và đời sống nông dân.
Trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tập trung vào 4 “trụ cột” là: đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản; kích hoạt gia tăng chế biến trong từng chuỗi ngành hàng;
chủ động đàm phán tiếp cận, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, truyền thông quảng bá phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng tăng hơn 18%
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng ước đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản 8 tháng đạt 11,8 tỷ USD, tăng 68,4%.
Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như: gỗ và sản phẩm gỗ với 10,24 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái; cà phê đạt 4,03 tỷ USD, tăng 36,1% trong khi sản lượng xuất khẩu giảm gần 11,9%.
Mặt hàng gạo xuất khẩu đạt gần 3,85 tỷ USD, tăng 21,7%; sản lượng xuất khẩu đạt gần 6,16 triệu tấn, tăng 5,9%. Rau quả đạt 4,63 tỷ USD, tăng 30,6%; tôm 2,4 tỷ USD, tăng 9,5%; cá tra 1,19 tỷ USD, tăng 8,2%.
Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam, trong đó, giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng 23,5%, Trung Quốc tăng 10,2% và Nhật Bản tăng 4,6%.
Theo thống kê từ phía Trung Quốc, quý I/2024, thông qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Trung Quốc đã nhập khẩu 48.000 tấn sầu riêng, trị giá 1,85 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,56 triệu USD).
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, ngoài các thị trường lớn, trọng tâm như Trung Quốc, Mỹ Nhật Bản, EU, ngành nông nghiệp cũng đang tích cực phối hợp cùng các doanh nghiệp mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi…
Mới đây, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký kết 3 nghị định thư quan trọng, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt, việc mở cửa sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc – những sản sản phẩm tiềm năng của Việt Nam – sẽ đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả cũng như nông sản nói chung thời gian tới.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nong-lam-thuy-san-viet-nam-xuat-khau-toi-hon-190-quoc-gia-vung-lanh-tho-20240909134455409.htm