Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Cồn nội sinh là cồn có trong dịch cơ thể, trong đó có máu, không có nguồn gốc từ thức uống có cồn mà do các quá trình hình thành tự động, tự phát của chính cơ thể.
Cồn (ethanol) được hình thành trong cơ thể người từ acetaldehyde thông qua nhiều quá trình. Lượng cồn này có thể hình thành từ quá trình lên men carbohydrate trong lòng ruột do tác động của hệ vi sinh thường trú ở ruột. Quá trình này còn gọi là hội chứng tự sinh rượu.
Tùy theo phương pháp đo lường, tuy nhiên nhìn chung cồn nội sinh trong máu được phát hiện ở nồng độ rất thấp, thậm chí dưới ngưỡng phát hiện của thiết bị, và có thể thay đổi theo tình trạng bệnh lý. Nồng độ thấp của ethanol ở mức này được cho là không ảnh hưởng lên chức năng não.
Theo chuyên trang sức khỏe Healthline, nguyên nhân dẫn tới hội chứng tự sinh rượu phần lớn là do có quá nhiều nấm men như candida albicans, candida glabrata, torulopsis glabrata, candida krusei, candida kefyr, saccharomyces cerevisiae… lưu trú ở ruột.
Cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc hội chứng tự sinh rượu. Thậm chí, trẻ sơ sinh hoặc mới biết đi có nguy cơ mắc cao hơn nếu bị hội chứng ruột ngắn.
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: [email protected].
Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia… để trả lời cho bạn đọc.