Theo dữ liệu do NOAA công bố hôm 5/4, khí nhà kính CO2 trong năm 2023 gần như đã đạt mức cao kỷ lục trong 65 năm. Các nhà khoa học cũng lo lắng về sự gia tăng nhanh chóng nồng độ khí metan trong khí quyển, một loại khí giữ nhiệt có thời gian tồn tại ngắn hơn nhưng mạnh hơn. Cả hai đều tăng 5,5% trong thập kỷ qua.
Từ tháng 1 đến tháng 12/2023, nồng độ CO2 trong không khí đã tăng thêm 2,8 phần triệu (ppm). Tuy con số này không cao bằng mức tăng vọt trong năm 2014 và 2015, nhưng chúng đẩy nồng độ CO2 lên mức lớn hơn mọi năm kể từ năm 1959. Mức trung bình của CO2 trong năm 2023 là 419,3 ppm, tăng 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mức tăng khí metan năm ngoái là 11,1 phần tỷ (ppb). Khí metan đạt trung bình 1922,6 ppb vào năm ngoái. Nhà khoa học khí quyển Xin “Lindsay” Lan ở NOAA, người thực hiện tính toán, cho biết khí metan đã tăng 3% chỉ trong 5 năm qua và tăng 160% so với mức tiền công nghiệp, cho thấy tốc độ tăng nhanh hơn so với CO2.
Khí thải metan trong khí quyển đến từ các vùng đất ngập nước tự nhiên, nông nghiệp, chăn nuôi, bãi chôn lấp và rò rỉ cũng như ngành dầu khí. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khí metan chịu trách nhiệm cho khoảng 30% sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu hiện nay.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), khí metan giữ nhiệt hiệu quả gấp khoảng 28 lần so với CO2, nhưng tồn tại trong khí quyển khoảng một thập kỷ thay vì hàng thế kỷ hoặc hàng nghìn năm như CO2.
Khí nhà kính lớn thứ ba do con người gây ra, N2O, đã tăng 1 ppb vào năm ngoái lên mức kỷ lục. Khí N2O có khả năng tồn tại khoảng một thế kỷ trong khí quyển, có nguồn gốc từ nông nghiệp, đốt nhiên liệu, phân bón và các quy trình công nghiệp, theo EPA.
“Những con số này cho thấy chúng ta phải hành động nhiều hơn để đạt được tiến bộ quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính tích tụ trên khí quyển”, Giám đốc Phòng thí nghiệm Giám sát Toàn cầu của NOAA Vanda Grubisic cho biết.
Năm ngoái, hàng loạt công ty trên toàn cầu đã cam kết cắt giảm gần như hoàn toàn lượng khí thải metan từ ngành dầu khí, và EPA cũng ban hành quy tắc nhằm giảm lượng khí thải metan do ngành công nghiệp dầu khí tạo ra.
Nhưng trong 5 năm qua, nồng độ khí metan vẫn tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào theo ghi chép của NOAA. Bà Xin Lan chỉ ra rằng phần lớn lượng khí metan tăng lên là do vi khuẩn từ các vùng đất ngập nước, ngành nông nghiệp và bãi chôn lấp, nhưng không nhiều bằng ngành công nghiệp năng lượng.
Theo Dự án Carbon Toàn cầu, lượng khí thải CO2 vào không khí từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm ngoái là 36,8 tỷ tấn, gấp đôi lượng thải vào không khí 40 năm trước.
Tuy nhiên, khoảng một nửa trong số đó tạm thời bị cây cối và đại dương lưu giữ, khiến nó không lọt vào bầu khí quyển. Bà Xin Lan cho biết khí metan không có khả năng lưu trữ carbon tạm thời như CO2.
Năm ngoái, sự thay đổi từ La Nina sang El Nino đã góp phần làm giảm tốc độ gia tăng của khí metan trong không khí và làm tăng nồng độ CO2. La Nina kết thúc vào năm ngoái, nhường chỗ cho El Nino mạnh mẽ. Nhà khoa học cho biết nồng độ CO2 trong khí quyển có xu hướng tăng cao hơn khi El Nino nóng hơn.
Ngọc Ánh (theo AP)