Tạo bước phát triển mới cho ngành Nông nghiệp
Những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang có bước phát triển nhanh và khá toàn diện, giữ vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cụ thể, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,8% trong cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh; tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm bình quân hằng năm đạt 3% trở lên; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động của tỉnh tính đến cuối 2023 là 31,1%.
Một trong những lực lượng làm nên dấu ấn mới cho ngành Nông nghiệp là vai trò của Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa trong việc tập hợp lực lượng nông dân trở thành nòng cốt trong việc triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối phát triển trong nông nghiệp; thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất. Trong đó, gần đây nhất là triển khai các dự án, nội dung Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719).
Theo đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai và xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình. Cụ thể Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh để thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025, qua đó tập trung tuyên truyền, vận động nông dân là người dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện các chính sách dân tộc.
Đồng thời, các cấp Hội cũng đã hướng dẫn và hỗ trợ nông dân là người DTTS triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác của địa phương. Các mô hình tiêu biểu như chăn nuôi bò sinh sản, nuôi gà an toàn sinh học, và trồng cây công nghiệp đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Để động viên, khuyến khích kịp thời nông dân, mới đây, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức “Hội nghị biểu dương nông dân tiêu biểu trong khởi nghiệp sáng tạo thành công, phát triển kinh tế hộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” và Diễn đàn “Nông dân giao lưu, kết nối, chia sẻ kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”, dự kiến tổ chức quý IV/2024.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện nghèo, nhiều đơn vị Hội đã có cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo như xây dựng các mô hình, dự án hiệu quả như “Chăn nuôi bò sinh sản,” “Gà an toàn sinh học,” “Ngân hàng con giống” (lợn, gà, bò, trâu), và tạo quỹ như “Tấm lòng vàng,” “Mua trâu bò” để giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế. Các câu lạc bộ “Nông dân giảm nghèo bền vững” cũng được thành lập để hỗ trợ nhau trong sản xuất và phát triển kinh tế.
Năm 2023, Hội đã hoàn thành 2 dự án lớn, gồm dự án liên kết chăn nuôi bò cái sinh sản tại hai xã của huyện Như Xuân và dự án nuôi gà ri lai an toàn sinh học, tại huyện Như Thanh. Những dự án này đã mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 200 hộ nông dân, giúp họ phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững.
Năm 2024, các dự án tiếp tục được mở rộng, bao gồm nuôi dê thương phẩm tại huyện Bá Thước và nuôi bò sinh sản theo chuỗi giá trị tại hai huyện Quan Hóa và Lang Chánh.
Tiên phong khởi nghiệp, sáng tạo
Ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Hơn 400.000 hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có hơn 200.000 hộ đạt chuẩn. Hội cũng đã tư vấn, hỗ trợ thành lập 752 tổ hợp tác, 133 hợp tác xã và 300 doanh nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi không chỉ giúp nâng cao đời sống của người dân, mà còn góp phần tạo ra nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Chị Lê Thị Thuật, sinh năm 1987, trú tại thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất tại địa phương. Với tinh thần cần cù và sáng tạo, chị đã xây dựng thành công mô hình gia trại VAC, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng cây ăn quả. Nhờ sự kiên trì và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chị Thuật đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị còn hỗ trợ những hộ nông dân nghèo trong việc chăn nuôi, trồng trọt, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức để cùng nhau vươn lên thoát nghèo.
Hộ nông dân Bùi Văn Soạn (SN 1961), dân tộc Mường, thôn Hoàng Vĩnh, xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thủy cũng là một điển hình trong việc đưa nông nghiệp lên bước tiến mới. Những năm qua, ông nông dân Bùi Văn Soạn đã chủ động xây dựng mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Theo đó, với diện tích 90ha trồng keo giấy và hệ thống chuồng trại nuôi dê rộng 2.000m², mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông Soạn thu về 525 triệu đồng, trong đó, 400 triệu đồng từ keo giấy và 125 triệu đồng từ chăn nuôi dê. Mô hình cũng đã tạo việc làm, giúp một hộ gia đình thoát nghèo nhờ việc làm ổn định và thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, ông còn mở rộng mô hình gia trại vườn hộ, với diện tích 3,5ha, trồng cây mắc ca, luồng, thanh long và kết hợp nuôi ong lấy mật. Riêng mô hình này, ông Soạn đã tạo việc làm cho 6-8 lao động thời vụ và 4 lao động thường xuyên. Ngoài ra, ông Soạn cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ nhiều hộ gia đình khó khăn khác trên địa bàn vươn lên thoát nghèo. Nhờ những đóng góp này, ông nhiều lần được UBND xã, huyện khen thưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
“Làm nông nghiệp tuy vất vả, nhưng chỉ cần có quyết tâm và biết áp dụng khoa học kỹ thuật, chúng ta sẽ thu được kết quả xứng đáng. Ban đầu, tôi cũng gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tôi đã dần cải thiện được mô hình sản xuất của mình. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà tôi còn mong muốn giúp đỡ những hội viên khác, đặc biệt là các hộ còn khó khăn, để cùng nhau vươn lên thoát nghèo”, ông Soạn chia sẻ.
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới
Theo ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội Nông dân, từ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do các cấp hội phát động, đã khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết trong hội viên. Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân đã vận động các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu lao động, đồng thời giúp đỡ hơn 40.270 lượt hộ nông dân với vốn, giống và kinh nghiệm sản xuất. Kết quả phong trào cũng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới của tỉnh và các địa phương trong những năm qua,
Ông Trần Bình Quân cho biết thêm, những năm qua, các cấp Hội đã vận động hơn 2 triệu lượt hộ nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng và hàng triệu ngày công lao động. Phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng, chỉnh trang đô thị được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ, với hơn 712.831m² đất được hiến và hàng chục nghìn km đường giao thông nông thôn được sửa chữa, làm mới.
Với vai trò lực lượng nòng cốt trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân Thanh Hóa đã góp phần đưa 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có 363/465 xã đạt chuẩn NTM đạt 78,1% (trong đó có 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt 17,2%, 17 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu), 760 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, chiếm 56,8%; có 407 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 01 sản phẩm 5 sao.
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của tỉnh ước còn 3,79%. Đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, năm 2023 gấp 1,27 lần so với năm 2020.
Nguồn: https://baodantoc.vn/nong-dan-xu-thanh-khang-dinh-vai-tro-nong-cot-tren-linh-vuc-nong-nghiep-va-nong-thon-1728638826525.htm