SGGPO
Nước lũ đang đổ về các huyện vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An), nông dân nơi đây đang khẩn trương tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cày trục đất để tháo chua, rửa phèn, cắt đứt cầu nối lây lan của dịch hại, đón nhận phù sa.
Nông dân vùng Đồng Tháp Mười cày trục đất ngâm lũ, đón phù sa |
Tại các xã vùng thấp như Vĩnh Đại, Vĩnh Châu A, Vĩnh Bửu… (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), nước lũ đã tràn lên các cánh đồng, hiện nông dân đang khẩn trương cày trục đất ngâm lũ.
Theo các hộ dân nơi đây, hàng năm sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu, người dân chờ cho nước lũ lên đồng thì mới tiến hành vệ sinh đồng ruộng. Cách làm này không chỉ giúp tháo chua, rửa phèn, cắt đứt cầu nối lây truyền bệnh, mà còn làm cho đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu nhờ lượng phù sa từ nước lũ ở thượng nguồn đổ về.
Ông Trần Thanh Bảy (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) cho biết, để phòng trừ sâu, bệnh gây hại trên lúa, nhiều nông dân đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức, làm mất cân bằng hệ sinh thái. Bên cạnh đó, việc sản xuất lúa liên tục (3 vụ/năm) làm cho đất bị bạc màu nên cần phải cày trục đất ngâm lũ để rửa trôi độc tố trong đất, diệt cỏ dại, lúa chét, phân hủy rơm, rạ…
Sở NN-PTNT tỉnh Long An khuyến cáo nông dân tranh thủ cày trục đất, cho nước vào ngâm lũ, đón lấy phù sa, đặc biệt chú ý đối với những diện tích ruộng nằm trong hệ thống đê bao. Đây là cách làm đơn giản nhưng rất hiệu quả, giúp nông dân sản xuất thắng lợi vụ lúa Đông Xuân.