Hội Nông dân (HND) huyện Vụ Bản hiện có 22.175 hội viên, bằng 75,6% so với hộ nông dân. 5 năm qua, cán bộ, hội viên nông dân trong huyện luôn năng động sáng tạo, vượt mọi khó khăn, chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đoàn kết thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Ông Phạm Đức Thuần, xã Tân Khánh phát triển mô hình nuôi cá Koi mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của nông dân, từ đó tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh, tiền vốn, lao động, đất đai đầu tư cho sản xuất, vươn lên làm giàu. Các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tích tụ ruộng đất, thực hiện vùng quy hoạch, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tham gia xây dựng và phát triển làng nghề; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mùa vụ, nuôi trồng thuỷ sản và trồng màu, tập trung sản xuất các vùng chuyên canh, ứng dụng các mô hình cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích. Bình quân hàng năm, toàn huyện có từ 7.000 đến 10 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Tiêu biểu như hộ ông Trần Văn Rụ, xã Kim Thái với mô hình “Nuôi gà trắng thương phẩm theo tiêu chuẩn VIETGAP” quy mô từ 35-40 nghìn con. Ông Trần Đăng Khôi, xã Minh Thuận với mô hình “Nuôi gà sạch”. Ông Mai Công Chính, xã Hợp Hưng đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, mua 10 máy ấp trứng, hàng tháng đưa ra thị trường từ 12-15 vạn con giống. Ông Trần Quang Huy, xã Trung Thành với mô hình trồng trọt, dịch vụ máy nông nghiệp. Ông Phạm Đức Thuần, xã Tân Khánh với mô hình nuôi cá Koi… Hàng năm, các hộ trên đã tạo công ăn việc làm ổn định từ 7-15 lao động, thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, có nhiều hộ đã tích tụ, tập trung ruộng đất như: ông Nguyễn Đình Huy, xã Đại An với diện tích 5,7ha thực hiện mô hình lúa – cá; bà Trần Thị Luyến, xã Liên Bảo với diện tích gần 25ha sản xuất lúa nông sản; ông Nguyễn Văn Hưng, xã Tam Thanh với diện tích trên 10ha liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa sạch với Công ty TNHH Toản Xuân; ông Bùi Xuân Bình, xã Vĩnh Hào với diện tích 5,5ha thực hiện mô hình trồng khoai tây xuân… Đặc biệt, ông Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng với mô hình nuôi thỏ giống New Zealand được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, giai đoạn 2015-2020.
Để khuyến khích nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm qua, HND huyện đã tuyên truyền, vận động phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo HND các xã, thị trấn thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác giai đoạn 2018-2023; chọn cử 114 lượt người tham dự các lớp tập huấn về mô hình kinh tế tập thể do HND tỉnh tổ chức; phối hợp tổ chức 5 lớp tập huấn về liên kết chuỗi giá trị và xây dựng mô hình chuỗi giá trị nông sản an toàn cho 365 cán bộ, hội viên. Đến nay, các cấp Hội trực tiếp vận động và hướng dẫn thành lập 3 HTX, 12 tổ hợp tác, 2 chi hội nghề nghiệp, 11 tổ hội nghề nghiệp, 1 mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn với 343 thành viên tham gia tại 13 đơn vị. Các mô hình đi vào hoạt động đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung, góp phần hình thành 11 mô hình “cánh đồng lớn” với tổng diện tích 562ha và 4 mô hình sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, các cấp HND trong huyện tăng cường hỗ trợ hội viên về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm, quảng bá tiêu thụ sản phẩm… Quỹ Hỗ trợ nông dân được quan tâm xây dựng và tăng trưởng. Đến nay, tổng nguồn Quỹ cấp huyện trên 1,7 tỷ đồng, đã thẩm định và giải ngân cho 15 dự án với 55 hộ vay để phát triển sản xuất, các hộ đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. HND huyện còn nhận ủy thác từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương và tỉnh với số vốn 1 tỷ 950 triệu đồng, giải ngân cho các thành viên của HTX, tổ hợp tác, chi hội và tổ hội nghề nghiệp vay. Các cấp Hội cũng đã tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ 267,7 tỷ đồng cho 2.375 hộ vay; nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 91 tỷ đồng cho 2.652 hộ vay. Hàng năm, các cấp Hội chủ động phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, các phòng, ban, công ty, doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển ngành nghề. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức 554 lớp tập huấn cho trên 45 nghìn lượt hội viên nông dân. HND huyện phối hợp mở 12 lớp dạy nghề, HND các xã, thị trấn phối hợp mở 38 lớp dạy nghề may công nghiệp, cây cảnh, nuôi trồng thuỷ sản cho 1.014 hội viên. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 85%. Các cấp Hội còn tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đưa các sản phẩm tham dự các chương trình dự án khởi nghiệp, hội chợ nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm và đăng ký sản phẩm OCOP hàng năm. Phối hợp với Bưu điện huyện đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn như kẹo lạc, kẹo sìu châu Lê Giáp; dầu lạc Tiến Thuấn, xã Kim Thái; giò lụa Vũ Chuyên, xã Liên Minh; gạo Thiên Trường, xã Liên Bảo; mật ong ông Phú, xã Tân Khánh… Đến nay, toàn huyện có 20 sản phẩm được UBND tỉnh xếp hạng 3-4 sao.
Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của hội viên nông dân huyện Vụ Bản đã góp phần tích cực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Giá trị sản xuất bình quân 1ha canh tác năm 2022 đạt 122,55 triệu đồng. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất. Toàn huyện đã triển khai 17 mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa với diện tích trên 800ha tương đương khoảng 10% tổng diện tích; 20 mô hình khuyến nông ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như mô hình trình diễn áp dụng công nghệ hạt giống lúa nảy mầm sẵn, mô hình cấy lúa không cày bừa tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ, với diện tích trên 5.000m2 tại xã Minh Tân; mô hình trồng nho Hạ Đen không hạt theo hướng hữu cơ tại xã Kim Thái, mô hình trồng rau an toàn ở xã Trung Thành… Mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt như: Chuỗi liên kết và tiêu thụ lúa gạo của Công ty TNHH Toản Xuân, HTX chế biến nông sản Bốn Thuận, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định; trồng sen công nghệ cao tại xã Minh Tân; sản xuất rau, củ, quả sạch công nghệ cao của Công ty Cổ phần Sản xuất và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông, xã Đại Thắng; chuyển đổi trồng lúa sang trồng cỏ, ngô sinh khối để nuôi bò tại xã Hiển Khánh; trồng hoa, cây cảnh ở các xã Tân Thành, Thành Lợi, Minh Thuận, Kim Thái… Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại. Đến nay toàn huyện có 21 trang trại chăn nuôi được công nhận theo tiêu chí mới. Nuôi trồng thủy sản được phát triển, giá trị khai thác năm 2022 đạt 186,14 triệu đồng/ha/năm.
Với sự năng động sáng tạo của cán bộ, hội viên HND trong sản xuất, kinh doanh đã góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong huyện. Số hộ khá, giàu tăng, hộ nghèo giảm còn 0,89%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 43,39 triệu đồng/người (năm 2018) lên 70 triệu đồng/người (năm 2022), đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện./.
Bài và ảnh: Lam Hồng