Ông Phùng Quang Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Từ năm 2017, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc phát động phong trào thi đua “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững; môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp” tới toàn thể cán bộ, hội viên.
Với sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào, giai đoạn 2017 – 2023, toàn tỉnh có hơn 96.000 hộ hội viên ký cam kết hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; hơn 157.000 hộ hội viên cam kết thu gom rác thải đúng nơi quy định; hơn 93.000 hộ hội viên tham gia hoạt động Ngày nông dân Vĩnh Phúc vì môi trường.
Không những thế, phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các cấp hội như: Mô hình Làm sạch từ nhà ra ngõ, từ ngõ vào nhà của Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường; mô hình 3T (tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng) của Hội Nông dân TP.Vĩnh Yên; mô hình hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh của Hội Nông dân TP.Phúc Yên; mô hình xây dựng tuyến đường hoa của 11 chi hội nông dân xã Liên Châu, huyện Yên Lạc…
Các cấp Hội Nông dân đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn của nhóm nông dân liên kết như sản xuất và hướng tới xây dựng thương hiệu rau hữu cơ Vĩnh Phúc. Trong đó có mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn quy mô 5ha của nhóm nông dân phường Định Trung, TP.Vĩnh Yên; chuỗi chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc; mô hình trồng măng tây xanh theo quy trình VietGAP, du lịch sinh thái tại xã Ngọc Thanh, TP.Phúc Yên; chăn nuôi gia súc “4 không – 2 sạch” tại xã Lãng Công, huyện Sông Lô…
Nhiều mô hình góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường nông thôn đã được các cấp Hội ND trong tỉnh xây dựng, duy trì hiệu quả, như: Mô hình cộng đồng dân cư “3 xanh – 3 sạch – 3 đẹp” tại xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô; tuyến đường nông dân tự quản tại các xã, thị trấn Hợp Châu, Tam Quan, Đại Đình, huyện Tam Đảo, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương; hình thành hơn 100 tổ thu gom và xử lý rác thải ở các chi hội, tổ hội.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường nông thôn; áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, không dùng chất cấm bảo quản, chế biến thực phẩm…
Đồng thời, vận động, hướng dẫn hội viên tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường nông thôn, từng bước hình thành thói quen, ý thức trách nhiệm trong việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình, tổ dân phố, khu dân cư, giúp bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp.