Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả từ vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH
Gia đình bà Kim Thị Tịnh (thôn Vĩnh Ninh, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo) đã từng bước thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH. Bà Tịnh chia sẻ, năm 2018, khi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Tam Đảo, gia đình bà đã mua bò sinh sản và nuôi gia cầm. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền về kỹ thuật chăn nuôi, đàn bò và gia cầm của gia đình bà đã phát triển tốt. Nhờ đó, gia đình bà đã thoát nghèo, thu nhập ổn định và có tích lũy.
2 tháng đầu năm 2024, hơn 2.900 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Phúc với doanh số cho vay hơn 103 tỷ đồng.
Năm 2022, sau khi thoát nghèo, bà Tịnh tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng CSXH để đầu tư mô hình trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Đến nay, gia đình bà đang nuôi 8 con bò thịt, 1.000 con vịt, 1.000 con gà và hơn 100 con lợn. Mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giúp gia đình bà trả hết nợ vay và xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang.
Cũng là điển hình nông dân sử dụng hiệu quả vốn tín dụng Ngân hàng CSXH, anh Trần Văn Thêm (ở xã Duy Phiên, huyện Tam Dương) đã đầu tư phát triển mô hình nuôi chim bồ câu Pháp.
Anh Thêm cho biết: Từ năm 2018, anh được vay 50 triệu đồng nguồn tín dụng dành cho hộ nghèo. Từ nguồn vốn đó, anh tiếp tục đầu tư bổ sung con giống, duy trì đàn chim bồ câu. Đầu năm 2024, anh Thêm tiếp tục được Ngân hàng CSXH huyện Tam Dương cho vay thêm 100 triệu đồng để phát triển kinh tế. Hiện tại, với quy mô nuôi hơn 1.000 đôi, cứ 4 ngày, gia đình anh xuất bán 120-150 con chim với mức giá 90.000 đồng/con.
Còn anh Trần Duy Đoan (ở xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô) lại khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp công nghệ cao từ vốn vay Ngân hàng CSXH. Tháng 4/2021, anh Đoan trồng 1.400 gốc nho hạ đen trên diện tích 4.000m2. Đến nay, anh Đoan đã mở rộng quy mô lên gần 2ha, trồng thêm nhiều loại cây chủ lực như: Nho sữa, dưa lưới Ichiba, dâu tây. Từ mô hình trồng nho, dưa lưới này, anh Đoan có thu nhập trên 800 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 5 lao động ở địa phương với mức thu nhập gần 6 triệu đồng/người/tháng.
Ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng tín dụng
Cùng với triển khai vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Phúc còn tích cực ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tín dụng chính sách.
Theo đó, để triển khai hiệu quả dịch vụ Mobile Banking đến khách hàng thông qua ứng dụng VBSP Smart Banking, từ ngày 1/3/2023, khi có văn bản chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH, Ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Phúc đã quán triệt tới toàn bộ cán bộ ngân hàng, tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng dịch vụ; phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương, trưởng thôn, Ban quản lý Tổ TKVV tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt tổ. Ngân hàng CSXH công khai nội dung hướng dẫn sử dụng dịch vụ, các tiện ích của Mobile Banking tại trụ sở ngân hàng và 136/136 điểm giao dịch xã.
Đến nay, Hội sở và Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, thành phố đã triển khai ứng dụng VBSP Smart Banking đến thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh, cấp huyện, cán bộ hội đoàn thể nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ TKVV, khách hàng vay vốn và khách hàng cá nhân đang mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng CSXH.
Sau 8 tháng triển khai ứng dụng VBSP Smart Banking đã có hơn 2.500 tài khoản, phát sinh hơn 15.000 giao dịch, tương ứng với số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Ứng dụng VBSP Smart Banking là dịch vụ ngân hàng trên điện thoại thông minh của Ngân hàng CSXH, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tiếp cận với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, quản lý chặt chẽ công tác đối chiếu dư nợ, số dư tiền gửi, giảm tỷ lệ rủi ro trong hoạt động tín dụng của đơn vị.
Số hóa hoạt động tín dụng chính sách, Ngân hàng CSXH tỉnh đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.