Nông dân Việt Nam xuất sắc với nguyên tắc kinh doanh “không được ép giá nông dân”
Ông Nguyễn Đức Mệnh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 đến từ Hải Dương cho biết: Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương của ông hiện đang sản xuất, kinh doanh trên 30 sản phẩm rau, quả như cà rốt, hành, tỏi, ớt… tươi và sấy khô. Công ty của ông Mệnh đang ký kết hợp đồng với gần 40 đối tác trên khắp cả nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu…
Theo ông Mệnh, để hướng tới xuất khẩu bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu cho các loại nông sản thế mạnh, đầu tư hệ thống kho lạnh, trung tâm chế biến sâu rất cần thiết.
“Nhiều năm nay, xuất khẩu cà rốt sang Hàn Quốc, Nhật Bản là thế mạnh của công ty chúng tôi. Hiện công ty đang liên kết cùng nông dân sản xuất cà rốt sạch với diện tích gần 100ha. Vào mùa thu hoạch cà rốt, trung bình mỗi ngày, công ty thu mua 150 tấn cà rốt, 25-30 container cà rốt tươi cho bà con” – ông Mệnh nói.
Niên vụ 2023-2024, Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Đức Mệnh thu mua khoảng 10.000 tấn cà rốt; trong đó 70% sản lượng tiêu thụ nội địa, 30% đưa đi xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc…”.
Ngoài thu mua cà rốt, doanh nghiệp của ông Mệnh còn thu mua cả hành, tỏi, gừng, quế… khoảng 3.000 tấn hành, tỏi; trên 1.000 tấn củ cải; trên 3.000 tấn rau gia vị; trên 3.000 tấn rau vụ đông (bắp cải, su hào).
Theo ông Mệnh với sản lượng thu mua nông sản lớn như thế nếu các doanh nghiệp không có kho lạnh bảo quản nông sản sẽ rất khó khăn.
“Đặc điểm của ngành nông nghiệp Việt Nam là thu hoạch theo mùa vụ. Khi vào mùa vụ, sản lượng nông sản sẽ rất lớn. Để tránh điệp khúc “được mùa mất giá” thì việc đầu tư các kho lạnh bảo quản nông sản rất cần thiết. Đơn cử như mặt hàng cà rốt, nếu có kho lạnh thì sẽ kéo dài thời gian bảo quản lên đến 6-8 tháng mà củ cà rốt vẫn tươi ngon, giữ nguyên giá trị dinh dưỡng”- ông Mệnh nói.
Ông Mệnh cho biết thêm: “Nguyên tắc kinh doanh của doanh nghiệp là chúng tôi là không được ép giá bà con nông dân khi thu mua nông sản. Chính vì vậy việc đầu tư dây chuyền chế biến, kho lạnh bảo quản nông sản là rất quan trọng. Chúng tôi đang có 7 kho trữ lạnh với sức chứa khoảng 600 tấn nông sản; 1 kho cấp đông. Khi có đủ năng lực kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ liên kết sản xuất, bảo tiêu nông sản cho bà con được nhiều hơn nữa”.
Hiện nay, công ty của Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Đức Mệnh có khu sơ chế rau các loại và khu nhà xưởng phân loại nông sản theo công nghệ AI với diện tích 800 m2; khu sơ chế cà rốt, các loại củ 800 m2 kho trữ lạnh, kho cấp đông 1.500 m2; khu sấy nông sản 500 m2 (gồm 3 lò sấy lạnh, sấy công nghệ vi sóng A&D và sấy bức xạ hồng ngoại); văn phòng điều hành là 210m2.
4 kiến nghị gửi đến Diễn đàn Nông dân Quốc gia năm 2024
Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Đức Mệnh chia sẻ, ông rất tâm đắc với Chủ đề “Lắng nghe nông dân nói” của Diễn đàn Nông dân Quốc gia năm 2024.
“Đây là cơ hội rất tốt để những người nông dân xuất sắc, những doanh nghiệp như chúng tôi chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phản ánh, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Qua đó tham mưu, đề xuất các giải pháp, chính sách cụ thể phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn xanh, bền vững”- ông Mệnh nói.
Gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Đức Mệnh bày tỏ: “Tôi có 4 kiến nghị muốn gửi đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan. Để đảm bảo nhu cầu sản xuất và mở rộng sản xuất hướng tới xuất khẩu bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu cho các loại nông sản thế mạnh của Việt Nam cần 4 điều kiện sau.
Thứ nhất: Quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu trồng trọt đạt tiêu chuẩn, ví dụ như chất lượng tốt, chất lượng nước không bị ô nhiễm.
Thứ 2: Mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại để đáp ứng sản xuất ngay sau khi thu mua nông sản từ nông dân. Xây dựng kho bãi bảo quản nông sản đủ tiêu chuẩn để dữ trự sản phẩm sau thu hoạch.
Thứ 3: Nhân rộng mô hình sản xuất trực tiếp từ vùng triển khai vùng trồng nguyên liệu để giảm giá thành vận chuyển. Đào tạo cán bộ, công nhân trực tiếp sản xuất, trong đó ưu tiên người tại địa phương”.
Thứ 4: Các doanh nghiệp như chúng tôi mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư nhà xưởng, kho bãi đáp ứng được nhu cầu thu mua sau khi thu hoạch và dự trữ sản phẩm sau chế biến”.
Nguồn: https://danviet.vn/nong-dan-viet-nam-xuat-sac-den-tu-hai-duong-de-nghi-nha-nuoc-ho-tro-dau-tu-kho-lanh-cho-ca-rot-20241005183747676.htm