Sinh ra ở vùng đất được xem là vựa lúa của xứ Thanh, bao năm quần quật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Đã nhiều lần, bà Ngô Thị Tương (63 tuổi, ở xã Minh Khôi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) nghĩ đến việc bỏ ruộng.
Bà kể, năm 2018, bà được người con trai là kỹ sư nông nghiệp biếu 10kg giống lúa tím. Lần đầu thấy giống lúa lạ, bà Tương không để ăn mà đem đi cấy thử nghiệm trên diện tích 5 sào ruộng của gia đình.
Đến khi thu hoạch, bà Tương vô cùng bất ngờ, lúa hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên phát triển tốt, bà có một vụ mùa bội thu.
Qua tham khảo, bà Tương biết đây là giống lúa có giá trị kinh tế hơn các giống lúa thông thường nên đem đi bán. Tuy nhiên, do là giống lúa vốn không được người dân địa phương tin dùng nên sản phẩm làm ra ít người mua.
Suốt 2 năm trồng lúa nhưng ế ẩm, lúa tím ùn ứ cả kho, không nỡ bỏ đi, bà Tương chia cho anh em, hàng xóm sử dụng. Nhiều người đem về sử dụng thì bất ngờ bởi chất lượng của loại gạo này.
“Mọi người khi ăn ai cũng khen gạo ngon, rang lên uống nước rất thơm, mát”, bà Tương kể.
Từ những đánh giá của mọi người, bà Tương nảy ra ý tưởng làm trà từ gạo tím. Năm 2021, bà bắt tay vào rang những mẻ gạo tím đầu tiên để làm trà. Lần này may mắn đã mỉm cười với bà khi sản phẩm trà gạo tím được thị trường ưa chuộng, bà Tương liên tục nhận đơn hàng.
Mỗi ngày, bà Tương dậy sớm rang gạo, đóng túi, hút chân không, xếp gọn theo yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh làm trà, bà còn phân phối ra thị trường các sản phẩm khác từ gạo tím như gạo tím đen (lứt đen), gạo tím đỏ (lứt đỏ)…
Đối với trà gạo lứt, bà Tương cho biết, để gạo tím giữ được màu tự nhiên và chất dinh dưỡng, bà chỉ xát gạo lật (gạo xát 1 lần), sau đó được sàng loại bỏ những hạt nát, nhỏ, không đạt yêu cầu rồi mới cho lên chảo rang.
“Muốn gạo có mùi thơm tự nhiên phải rang thủ công, lửa nhỏ, đảo đều tay. Gạo sau khi rang phải để nguội mới cho vào túi đóng gói, đặc biệt không được sử dụng chất bảo quản”, bà Tương chia sẻ.
Theo bà Tương, trà gạo lứt của cơ sở bà có giá bán 40.000 đồng/kg đối với loại trà lứt tím, lứt đỏ; trà gạo lứt trơn có giá bán 50.000 đồng/kg. Hiện mỗi năm bà Tương thu nhập 200-300 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, cơ sở sản xuất trà của bà Tương còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2-3 lao động và 5-6 phụ nữ ở địa phương làm việc thời vụ, với tiền công khoảng 300.000 đồng/ngày.
Cũng theo bà Tương, các sản phẩm trà gạo lứt của bà đang được phân phối ở nhiều đại lý trong và ngoài tỉnh. Bà Tương đang tập trung đấu nối, liên kết với các công ty để xuất khẩu trà gạo lứt sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Lê Đình Khải, Phó chủ tịch UBND xã Minh Khôi, huyện Nông cống, cho biết, sản phẩm gạo tím của gia đình bà Tương được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa.
Theo ông Khải, từ diện tích 0,5ha ban đầu, đến nay gia đình đã nhân rộng mô hình trồng lúa tím lên 12ha, hướng dẫn thêm 8 hộ cùng tham gia trồng lúa tím theo hướng hữu cơ. Với 12ha lúa tím cho sản lượng hơn 20 tấn/năm.
“Giá bán lúa tím cao hơn nhiều so với các loại lúa khác. Gia đình bà Tương nhận thu mua lúa của 8 hộ làm cùng. Sản phẩm làm ra từ lúa tím luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Có thời điểm hộ gia đình phải thuê người làm cả đêm mới kịp gửi hàng đi”, ông Khải cho biết thêm.