– Những năm qua, bằng quyết tâm và tinh thần vượt khó, anh Vi Văn Ngàng, thôn Pò Sáy, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp, đem lại giá trị kinh tế cao.
Anh Vi Văn Ngàng sinh năm 1978 trong một gia đình thuần nông. Trước đây, thu nhập của gia đình anh chủ yếu dựa vào làm ruộng nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nhạy bén và mong muốn tìm hướng làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2006, anh đã vay vốn người thân, bạn bè cải tạo 5 ha đất đồi của gia đình để trồng thông.
Anh Vi Văn Ngàng chăm sóc vườn cây mắc ca
Để cây thông phát triển tốt, anh Ngàng đã chủ động học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, đồng thời tìm hiểu thêm kiến thức trên sách, báo để áp dụng vào mô hình của gia đình. Đến năm 2018, 5 ha thông của gia đình anh đã bắt đầu cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu được gần 4 tấn nhựa thông, với giá bán khoảng 30.000 đồng/kg, đã thu về lợi nhuận trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Ngoài trồng thông, năm 2017, anh còn tận dụng diện tích đất của gia đình để trồng chanh leo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, quả chanh leo không xuất bán được nên mô hình không mang lại hiệu quả. Không nản chí, anh tiếp tục tìm hiểu nhu cầu của thị trường, nghiên cứu loại cây trồng phù hợp. Năm 2019, anh đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng chanh leo sang trồng 150 cây mắc ca, 1 mẫu dưa hấu và 2 sào dưa chuột.
Anh Vi Văn Ngàng cho biết: Ban đầu, do tôi chưa có kinh nghiệm trong việc chăm sóc các loại cây ăn quả nên cây còi cọc, dễ bị sâu bệnh. Vì vậy, bên cạnh việc chủ động tìm hiểu kiến thức trên sách, báo, tôi còn tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây ăn quả do xã, huyện tổ chức. Ngoài ra, tôi còn đi học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình trồng cây ăn quả ở các tỉnh như Thái Nguyên, Tuyên Quang… Sau đó, tôi áp dụng vào mô hình của gia đình, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây.
Nhờ đó, 150 cây mắc ca của gia đình anh phát triển tốt, hiện đã bói quả, chuẩn bị đến kỳ cho thu hoạch. Diện tích trồng dưa hấu và dưa chuột sinh trưởng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu hoạch từ 5 đến 7 tấn dưa hấu, với giá bán dao động từ 6.000 đến 10.000 đồng/kg, thu về lợi nhuận trên 40 triệu đồng. Còn đối với diện tích trồng dưa chuột, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu hoạch được trên 2 tấn, với giá bán dao động từ 7.000 đến 12.000 đồng/kg, thu về trên 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Không dừng lại ở đó, năm 2019, nhận thấy doanh nghiệp ở các tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang… có nhu cầu thu mua nông sản của bà con trong vùng, anh đã mở điểm thu mua, kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân. Nhờ việc kinh doanh phát triển ổn định, mỗi năm, gia đình anh có thêm 90 triệu đồng tiền lãi. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm, gia đình anh có tổng thu nhập trên 250 triệu đồng.
Theo đánh giá của chính quyền cơ sở, ngoài năng động trong phát triển kinh tế, anh Ngàng còn là người rất có trách nhiệm với cộng đồng, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Cụ thể, năm 2020, khi xã tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất để xây dựng tuyến đường Pò Sáy – Nà Chảo, Pò Sáy – Khòn Quanh, gia đình anh đã hiến hơn 800 m2 đất rừng và đất ruộng. Ngoài ra, gia đình anh còn đóng góp ngày công lao động và 3 triệu đồng tiền mặt để xây dựng đường hoa, lò đốt rác của thôn.
Bà Lý Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sàn Viên nhận xét: Anh Ngàng là người rất năng động, luôn tích cực tham gia công tác hội. Anh đã đồng hành cùng Hội Nông dân xã hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, trồng cây ăn quả cho 20 gia đình. Không những thế, anh còn là người luôn đi đầu trong việc hưởng ứng các phong trào do thôn, xã phát động.
Với nỗ lực và những đóng góp đó, nhiều năm liền anh Ngàng được UBND xã, huyện tặng giấy khen. Năm 2022, trong chương trình bình chọn “Nông dân xuất sắc” và “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, anh đã vinh dự được bình chọn là nông dân xuất sắc.