Khi nông dân được tiếp sức, tiếp nguồn vốn
Những năm qua, khá nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước đã chuyển đổi diện tích đất trồng keo sang trồng cây ăn quả được các địa phương khuyến khích, hỗ trợ. Điển hình như mô hình chuyển đổi đất trồng keo sang trồng cây ăn quả của gia đình ông Trương Văn Sanh (70 tuổi, thôn 2, xã Tiên Cảnh) bước đầu cho hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (giai đoạn 2021 – 2025), gia đình ông Trương Văn Sanh đã mạnh dạng chuyển đổi gần 1,2 diện tích đất trồng keo sang đầu tư trồng các loại cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh…
Ông Sanh cho biết, trước đây khu đất Gò này gia đình trồng keo lai, nhưng cây keo đang phát triển thì bị bão càng quét gãy đổ. Từ đó, ông quyết định không trồng keo nữa chuyển sang đầu tư trồng cây ăn quả.
Nghĩ là làm, ông Sanh đã thuê xe múc vào mở đường, san ủi múc đất, đào đá cải tạo chất thành tầng bậc ngay hàng, thẳng lối trồng các loại cây ăn quả có giá trị. Trong đó, gia đình trồng 115 cây măng cụt, 85 cây sầu riêng, bưởi da xanh 80 cây, 800 cây cau. Để “lấy ngắn nuôi dài”, ông Sanh trồng xen kẽ cây ổi, mít thái, chuối nai…
“Việc đầu tư làm vườn đa canh, đa tầng, đa cây, không tập trung vào một loại cây, sẽ tận dụng hết được đất, lấy ngắn nuôi dài.
Cây này bù cây khác, khi cây này mất mùa thì cây khác sẽ bù lại, trồng như vậy khu vườn sẽ cho thu nhập quanh năm.
Để có nguồn nước tưới cho cây ăn quả, tôi đã đào giếng khoang sâu gần 80m dưới chân đồi và lắp đặt hệ thống dây dẫn dài gần 1km bơm nước lên hồ chứa tưới tiêu cho cây trồng. Hệ thống tưới nước được đầu tư bán tự động, nhỏ giọt dưới gốc cây, vừa đảm bảo nước tưới vào mùa khô vừa tiết kiệm nước.
Nhờ được đầu tư chăm sóc chu đáo nên các loại cây trồng được khoảng 2 năm tuổi đang phát triển xanh tốt. Hiện một số loại cây trồng như cau, ổi, chuối lùn đã bắt đầu cho thu hoạch”, ông Sanh chia sẻ.
Nhìn vườn cây ăn trái đủ các loại phát triển xanh tốt chỉ sau hai năm trồng, ông Sanh không giấu được niềm vui. “Vườn cây ăn quả đang phát triển tốt, riêng cây ổi và chuối nai, cau đã cho thu hoạch. Trên cùng một diện tích, nếu so với trồng keo thì trồng cây ăn quả cho thu nhập gấp nhiều lần.
Ngoài chăm sóc khu vườn đồi Gò, vợ chồng tôi còn đầu tư chỉnh trang khu vườn nhà rộng hơn 16 sào, trồng các loại cây ăn quả như lòn bon, dó bầu, cau, chuối các loại… Mỗi năm khu vườn cho thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng”, ông Sanh phấn khởi.
Trong quá trình triển khai vườn cây ăn quả, cán bộ xã Tiên Cảnh cùng Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện xuống hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục thực hiện Nghị quyết 35 và được hỗ nhà nước hỗ trợ sau đầu tư với số tiền gần 75 triệu đồng. Được biết, Tiên Cảnh là một trong những địa phương đi đầu của huyện trong việc thực hiện Đề án 03 và Nghị quyết 35.
Ông Võ Duy Nhân – Cán bộ trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Tiên Phước cho biết: “Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cây keo, sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao là hướng đi giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.
Thời gian qua, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả. Song song với tập huấn cán bộ Trung tâm cũng xuống nhà vườn trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân các chăm sóc, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh. Qua đó, góp phần giúp cho người nông dân dạng đầu tư mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao”.
Nghị quyết giúp nông dân làm giàu
Cũng như Tiên Cảnh, Nghị quyết 35 đã khuyến khích, định hướng nông dân Tiên Thọ cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Cùng với kinh nghiệm nhà nông, những chính sách hỗ trợ về cây giống, hệ thống tưới tiêu, tập huấn kỹ thuật do chính quyền các cấp tổ chức đã trở thành sức bậc cho kinh tế vườn Tiên Thọ.
Tiêu biểu như vườn trái cây rộng hơn 5 sào của ông Huỳnh Đức Lễ (thôn 5, xã Tiên Thọ). Trước đây, anh Lễ đi làm công nhân cho các chủ thầu xây dựng trên địa bàn huyện, tỉnh. Khoảng gần 10 năm lại đây, ông Lễ trở về địa phương tập trung cải tạo chỉnh trang khuôn viên vườn nhà, trồng các loại cây ăn quả có giá trị như măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh, cau, chuối…
Để đảm bảo cho cây trồng phát triển xanh tốt, ông Lễ đầu tư làm bể chứa và lắp đặt hệ thống dẫn nước dài gần 1km từ trên núi Hố Xanh về tưới tiêu cho cây trồng. Nhờ được chăm sóc chu đáo nên các loại cây trồng trong khu vườn phát triển xanh tốt, mỗi năm cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
Đặc biệt, khoảng 3 năm lại đây từ khi xã Tiên Thọ vận động người dân phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, ông Lễ tiếp tục mạnh dạng đầu tư trồng mới 38 cây măng cụt, lắp đặt hệ thống nước tưới bán tự động cho khu vườn và kéo thép lưới B40 về rào toàn bộ xung quanh khu vườn. Cùng với đó, gia đình ông Lễ cũng tập trung chỉnh trang lại khuôn viên tường rào, cổng ngõ theo hướng xanh-sạch-đẹp, hiệu quả và được UBND huyện cùng với xã Tiên Thọ hỗ trợ gần 49 triệu đồng.
Theo báo cáo của UBND xã Tiên Thọ từ 2022 – 2024, toàn xã có 72 hộ đăng ký triển khai thực hiện, được nhà nước kiểm tra nghiệm thu hỗ trợ sau đầu tư trên 2,7 tỷ đồng.
Trong đó, năm 2022 có 28 hộ đăng ký triển khai thực hiện trên diện tích 10ha, với kinh phí nhà nước hỗ trợ 784 triệu đồng. Năm 2023 có 33 hộ đăng ký triển khai thực hiện trên diện tích trên 8,3ha, kinh phí nhà nước hỗ trợ trên 1,3 tỷ đồng. Năm 2024, có 11 hộ lập phương án đăng ký thực hiện theo Nghị quyết 35 của tỉnh với tổng diện tích 2,85ha, tổng kinh phí thực hiện trên 966 triệu đồng, trong đó kinh phí huyện phê duyệt phương án hỗ trợ trên 626 triệu đồng.
“Chất lượng các mô hình vườn thực hiện theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh đều được nhân dân đầu tư một cách đồng bộ, bài bản, được UBND huyện kiểm tra đánh giá cao qua giám sát, kiểm tra thực tế.
Mức độ thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh của nông dân đã có chuyển biến tích cực. Nhờ vào đó, đời sống của người dân trên địa bàn huyện ngày càng khấm khá hơn…”, lãnh đạo UBND huyện Tiên Phước cho biết.
Ông Lê Nguyên Hùng – Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước nhìn nhận, kinh tế vườn, kinh tế trang trại tại Tiên Thọ phát triển đúng hướng, đạt kết quả tích cực là nhờ vào sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân địa phương. “Có thể nói rằng, Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh đã và đang từng bước đi sâu vào đời sống mỗi người dân Tiên Thọ, bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế, xã hội Tiên Thọ vững bước phát triển…”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo thống kê, tổng diện tích vườn trên địa bàn huyện Tiên Phước đạt 6.214ha, trong đó diện tích có hiệu quả kinh tế đạt 5.844ha đạt 77%. Giai đoạn 2020 – 2023, toàn huyện có 1.285 hộ được hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Trong đó nguồn kinh phí từ Nghị quyết 35-HĐND tỉnh trên 20 tỷ đồng.
Nguồn: https://danviet.vn/nong-dan-quang-nam-tieu-tien-rung-rinh-tu-trong-cay-an-qua-dac-san-vuon-dep-nhu-phim-20241015083533135.htm