Hà TĩnhĐi buôn lân đạm, thấy người dân chặt cây mít làm củi, ông Minh nhớ lời hỏi thăm tìm gỗ mít dựng nhà thờ của vị giáo sư và quyết định chuyển nghề.
Sau hơn 20 năm, từ nông dân khởi nghiệp bằng 15 triệu đồng ứng trước của khách, ông Nguyễn Văn Minh, 56 tuổi, trú xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ đã là chủ hai xưởng mộc ở Hà Tĩnh và Nam Định, nổi tiếng với biệt danh Minh “Mít”.
Thôn bến Hến, xã Trường Sơn, quê ông Minh có nghề cào hến và đóng thuyền. Từ 6-7 tuổi, cậu bé Minh đã cầm cưa, đục, học nghề mộc từ cha ông song bỏ ngang. Năm 1986, sau khi kết hôn với cô gái cùng xã, ông Minh đi buôn lân đạm. Hàng ngày ông đặt hàng lân đạm, vôi… từ đại lý, sau đó liên hệ với các hợp tác xã nông nghiệp, chở hàng đến giao cho dân.
Năm 2003, ông Mình tình cờ gặp một giáo sư về Đức Thọ tìm hiểu đặt nhà thờ bằng gỗ mít, làm sẵn khung rồi đưa ra Hà Nội dựng. Giáo sư hỏi: “Chú có mít để làm không?”. Ông Minh đáp vu vơ: “Gì chứ làm bằng gỗ mít thì đơn giản”. Hai người trao đổi số điện thoại, không hứa hẹn gì.
Ông Minh nghĩ giáo sư “nói cho vui”, bởi hàng chục năm rong ruổi vùng núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, ông thấy người dân chặt cây mít làm củi, vứt lăn lóc trong vườn vì không giá trị. “Sao giáo sư lại tìm người dựng nhà thờ bằng gỗ mít, thiếu gì loại gỗ đắt tiền?”, ông Minh cứ trăn trở với câu hỏi. Và ông nhớ lại lời ông nội dạy từ lúc học nghề mộc, rằng gỗ mít nhẹ, dẻo dai, thích hợp chạm khắc những pho tượng Phật hay làm công trình tâm linh.
Hiểu được giá trị của gỗ mít, ông Minh quyết định chuyển nghề làm nhà thờ, đồ thờ bằng loại gỗ này. Lúc đó là năm 2007, khách hàng đầu tiên chính là vị giáo sư ông từng gặp. Sau cuộc trò chuyện qua điện thoại, vị này nói 4 năm qua chưa tìm được thợ ưng ý để làm nhà thờ. Nghe ông Minh bảo mới khởi nghiệp, chưa có công trình đầu tay, giáo sư trấn an: “Tôi đặt niềm tin ở chú”.
Hai người sau đó gặp nhau tại huyện Đức Thọ, thỏa thuận tổng chi phí công trình hết 120 triệu đồng, ông Minh xin ứng trước 15 triệu đồng vì không có vốn. Cầm tiền, ông đi lên các vùng núi mua gỗ mít, tự cưa xẻ đưa về nhà, trưng dụng khoảng sân nhỏ của gia đình làm xưởng. Ông thuê 4 người thợ trong xóm, trả tiền công mỗi ngày 25.000 đồng.
Khởi nghiệp khi không vốn, không có xưởng, máy móc, nhân công…, ông Minh bị vợ chất vấn: “Sao không giữ nghề cũ, làm lớn vậy chỉ thêm vất vả. Lỡ không thành công, họ bắt đền thì tiền đâu mà bồi thường? Bốn đứa con còn nhỏ sợ chúng khổ”. Hàng xóm thấy ông chuyển nghề thì bán tán, nói “chẳng thấy ai làm thế này”, họ còn hỏi dò thợ làm cho ông Minh có được trả lương không?
Sau khi có mặt bằng và thợ, hàng ngày ông Minh đạp xe đi khắp huyện, chụp lại những mẫu nhà thờ đẹp, đưa về nghiên cứu, tìm hiểu kiến trúc để đúc rút kinh nghiệm. Sau 6 tháng, ông cùng 4 thợ hoàn thành xong bộ khung và các hạng mục, đưa ra Hà Nội dựng nhà thờ cho vị giáo sư. Nhận nốt 105 triệu đồng còn lại, ông Minh nhìn thợ rồi bật khóc.
Từ ít vốn ban đầu, ông Minh đầu tư thêm máy móc, ngoài làm nhà thờ còn nhận làm cầu thang, đồ nội thất. Ngân hàng cho vay 120 triệu đồng. Năm 2012, được chính quyền cho thuê 1.500 m2 đất ở gần trung tâm xã Trường Sơn để làm xưởng, nhưng ông chỉ thuê 550 m2 “vì sợ làm ăn thua lỗ mang tiếng”. Thời điểm này ông Minh chỉ chuyên làm nhà thờ, bởi thấy làm nội thất lâu dài khó có thể cạnh tranh với nhiều cơ sở khác.
Khi có khách đặt hàng, ông chuẩn bị gỗ, nghiên cứu kết cấu rồi cắt xẻ, đục đẽo tạo thành bộ khung, làm họa tiết hoa văn. Một nhà thờ diện tích 70-100 m2, cao 6 m, rộng 7 m, dài 12 m. Xưởng mộc sẽ chuẩn bị vật liệu, làm khung từ một đến hai tháng, sau đó dùng xe tải chở đến dựng. Một nhà dựng khoảng 3-4 ngày. Ngoài làm bằng gỗ mít, ai yêu cầu loại gỗ khác ông đều đáp ứng.
Theo ông Minh, khó nhất là lắp ghép các khối gỗ vào một trục thống nhất. Việc này đòi hỏi người thợ khi cắt xẻ, làm rui mè phải có kỹ thuật cao. Nếu đục lệch một vị trí, khi dựng lên sẽ không bao giờ khớp. Với công đoạn này, ông Minh thường xuyên quan sát thợ làm, khi nào yên tâm mới duyệt. Đến nay, ông đã dựng hơn 300 nhà thờ, chưa công trình nào lỗi.
Một năm cơ sở làm hơn 20 nhà thờ, giá 300 triệu đồng đến một tỷ đồng, nhiều cái 4-5 tỷ đồng. Trừ mọi chi phí, xong một công trình lãi 10%, trung bình mỗi năm lời khoảng 4 tỷ đồng. Xưởng hiện tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động. Thợ chạm khắc tiền công một ngày hơn một triệu đồng, thợ lắp ghép 500.000 đồng, có người mỗi tháng làm đủ 28 công thu nhập gần 30 triệu đồng.
Từ tay trắng, đến nay ông Minh đã xây được nhà cửa khang trang, sắm được ôtô, bốn người con đã ra riêng, kinh tế khá. Ngoài cơ sở hiện có, ông Minh mở thêm xưởng nội thất đồ thờ ở Nam Định, thuê người thân làm quản lý.
Là một trong 100 người vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quyết định trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023, ông Minh bất ngờ, nói: “Vinh dự này cũng tạo ra nhiều áp lực. Khách hàng luôn đòi hỏi cao, mình phải liên tục tìm tòi, làm mới sản phẩm mới đáp ứng được”.
Ông Trần Thanh Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Sơn, đánh giá hội viên Minh kiên trì, có ý chí rất lớn, dù xuất thân trong gian khó. “Trường Sơn là làng mộc và đóng thuyền nổi tiếng, nhưng đã mai một vì sản phẩm bị cạnh tranh. Ông Minh đã đi hướng mới khi làm nhà gỗ và đồ thờ nên có thị trường lớn, tạo việc làm cho người dân, duy trì được nghề truyền thống của xã”, ông Sang nói.