“Khi thế giới đang tập trung vào những vùng nguyên liệu rộng lớn, cánh đồng lớn thì ở Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hộ sản xuất nhỏ, do đó việc tăng cường năng lực cho các hợp tác xã là rất cần thiết, qua đó tăng cường năng lực cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ”, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết như vậy tại cuộc họp Ban điều phối chung lần II Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” vừa tổ chức chiều 5/3.
Dự án đang được triển khai tại 7 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Sơn La. Qua 2 năm triển khai, với cách tiếp cận mới, trong đó tập trung xây dựng chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cho HTX, cán bộ khuyến nông và các bên tham gia, dự án đã thu được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.
Ông Lê Quốc Thanh cho biết, thực tế kiểm tra dự án triển khai tại các tỉnh cho thấy rất thành công, đơn cử như các HTX tại Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, rồi Hà Nội. Khi các hộ sản xuất nhỏ phối hợp với nhau hình thành HTX, cùng nhau sản xuất tốt, xây dựng thương hiệu sản phẩm tốt thì hiệu quả kinh tế cũng tăng theo.
“Chúng tôi đánh giá rất cao sự giúp đỡ của các chuyên gia JICA tại 7 tỉnh dự án. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng khi thúc đẩy chuỗi giá trị rau quả, biến những người sản xuất nhỏ thành người sản xuất lớn thông qua hình thức HTX. Đó là lý do vì sao Trung tâm Khuyến nông phải đào tạo cho bà con các kỹ năng kinh doanh, tiếp cận thị trường, với những bộ tài liệu vừa thông minh vừa dễ hiểu. Đặc biệt, các chuyên gia Nhật Bản thường xuyên xuống đồng ruộng, chia sẻ hướng dẫn bà con nông dân nhiệt tình, gần gũi. Đó cũng là một thành công của dự án” – ông Thanh bày tỏ.
Đơn cử như tại HTX Nam Cường (xã Nam Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), lần đầu tiên các thành viên HTX áp dụng kỹ thuật đặc biệt cho cây khoai tây do các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, đó là khử trùng đất bằng năng lượng mặt trời mà không hề gây tốn kém thêm nhiều chi phí.
Đầu tiên, đất được làm tơi xốp, bón phân, lên luống như quy trình thông thường. Sau đó một tấm nilon trong suốt được phủ kín lên luống, dưới tác động của ánh nắng mặt trời, nhiệt độ trong đất sẽ tăng lên từ 40 – 60 độ C. Sau tối thiểu 22 ngày duy trì nhiệt độ cao như vậy, đất sẽ không còn sâu, trứng và ấu trùng có hại, thậm chí các loại mầm và hạt cỏ cũng bị tiêu hủy. Khi nông dân canh tác, sâu bệnh và cỏ dại giảm rất nhiều so với đất không khử trùng.
Video: Quy trình sản xuất rau củ quả an toàn tại HTX Nam Cường (huyện Ý Yên, Nam Định). Nguồn: Dự án tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Anh Tạ Hữu Minh, Ủy viên HĐQT HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (xã Yên Cường, huyện Ý Yên, Nam Định) cho biết, trong quá trình canh tác vụ đông năm nay, cây khoai tây sinh trưởng phát triển rất tốt và cho nhiều củ hơn so với ruộng không được khử trùng. Không riêng gì cây khoai tây mà với các loại rau màu khác, sâu bệnh cũng giảm hẳn, qua đó giúp HTX giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh…
Sản phẩm rau củ quả an toàn của HTX Nam Cường đạt tiêu chuẩn cung ứng cho chuỗi thực phẩm sạch của tỉnh Nam Định, với sản lượng các loại đạt trung bình trên 100 tấn mỗi năm.
“Mô hình cho thấy sự bền vững khi tạo ra sự an tâm cho cả 3 bên: Nông dân an tâm khi bảo vệ sức khỏe của đất, nhà phân phối thì an tâm khi cung cấp sản phẩm chất lượng ra thị trường, còn người tiêu dùng cũng an tâm khi sức khỏe được bảo vệ nhờ sản phẩm an toàn, chất lượng” – đại diện HTX Nam Cường cho biết.
Trong khi đó, đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương cho biết, với sự hỗ trợ của Ban quản lý dự án Trung ương và các chuyên gia JICA, tỉnh đã chọn được 3 HTX nông nghiệp mục tiêu để nhân rộng năm 2024, gồm HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ (xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà), HTX Âu Việt Fram (xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành), HTX Nông nghiệp Sen Fram (xã Thái Tân, huyện Nam Sách).
Trước khi triển khai, các HTX được tiếp cận tài liệu tập huấn về khuyến nông cây trồng an toàn, tiếp đó là các lớp tập huấn TOF về marketing, quy trình GAP cơ bản trong sản xuất, tăng cường năng lực về khảo sát thị trường và lập kế hoạch sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường…
Bà Trần Thị Hải – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương, Phó Trưởng ban quản lý Dự án JICA cho biết, dự án đã tổ chức tham quan học tập giữa các HTX mục tiêu về mô hình trình diễn, triển khai các biện pháp kỹ thuật để hướng dẫn thực địa cho các HTX áp dụng GAP cơ bản; thực hiện kiểm tra giám sát nội bộ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm GAP như su hào, bắp cải, cà rốt, cà chua…
Đặc biệt là lần đầu tiên những cán bộ khuyến nông ở Hải Dương được cử đi tham gia khóa tập huấn tại Nhật Bản để học hỏi, hiểu được cách thức người Nhật thúc đẩy cây trồng an toàn; các kinh nghiệm của Nhật Bản về khuyến nông, mô hình HTX trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; các vấn đề về quản lý an toàn thực phẩm ở Nhật Bản…, trên cơ sở đó các cán bộ khuyến nông đã xây dựng kế hoạch hành động, triển khai dự án phù hợp và hiệu quả hơn.
Trong năm 2024, xét theo mục tiêu và chủ trương của dự án, nhóm chuyên gia JICA đề xuất lựa chọn hỗ trợ, nâng cao năng lực và chuỗi giá trị nông sản cho 21 HTX trong số các HTX có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (có hoặc không có giấy chứng nhận VietGAP) và hiện mới chỉ bán sản phẩm tại thị trường địa phương (chợ dân sinh), đồng thời có mong muốn phát triển khả năng tiếp cận thị trường hiện đại.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận hỗ trợ các HTX của Dự án sẽ thực hiện trên nguyên tắc giảm tài chính theo lộ trình. Cụ thể, năm 2023 hỗ trợ 100% chi phí Dự án, năm 2024 hỗ trợ 50%, năm 2025 không hỗ trợ kinh phí, chỉ hỗ trợ kỹ thuật.