Gia đình ông Nguyễn Văn Quyết ở xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) canh tác 8.000m2 ổi nữ hoàng 8 năm tuổi. Vườn ổi phát triển rất tốt nhưng từ đầu mùa khô 2023 – 2024, cây bắt đầu chết khô. Đến nay số lượng lên đến 80% diện tích. Những cây còn lại cũng đang trong tình trạng bị suy yếu, có dấu hiệu bệnh.
“Trước đây cây chưa bệnh, trung bình 7 ngày thu hoạch từ 1,5 – 1,8 tấn trái. Còn bây giờ chưa đầy 500kg dẫn đến nguồn thu nhập của gia đình rất khó khăn”, ông Quyết nói.
Ông Quyết cho hay mặc dù đã dùng mọi cách điều trị nhưng ổi vẫn chết. Ông đành đốn bỏ để trồng lại các loại cây trồng khác. Dự kiến phải sau 1 năm nữa gia đình mới có nguồn thu nhập từ các cây trồng mới.
Cách đó không xa, 6.000m2 ổi nữ hoàng của ông Nguyễn Minh Luân ở xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) cũng trong tình trạng cây nhiễm bệnh rồi chết khô.
“Vườn ổi mới thu hoạch được 2 mùa thì cây có dấu hiệu bệnh. Tôi đã mua nhiều loại thuốc phun trên cây, bón phân dưới gốc nhưng không có tác dụng, cây dần khô lá và chết. Cây chết tới đâu, tôi đốn bỏ tới đó nên giờ vườn cũng không còn cây ổi nào”, ông Luân nói.
Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) toàn huyện có trên 210 ha ổi. Qua thống kê sơ bộ có trên 80 ha bị nhiễm bệnh vàng lá, chết cây phổ biến trên giống ổi nữ hoàng. Trong đó, diện tích bị nhiễm bệnh
Cây bị bệnh biểu hiện sinh trưởng kém, lá úa vàng một số lá xuất hiện những mảng màu nâu làm lá bị khô, bộ rễ phát triển kém. Bệnh nặng cây bị còi cọc, rụng lá dần từng cành và từ từ chết cây. Ban đầu cây bị nhiễm bệnh thường xuất hiện rải rác sau đó lan rộng cả khu vườn.
Ông Nguyễn Văn Đắc – Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) cho biết – Ngành nông nghiệp huyện cũng đã phối hợp với Trường Nông Nghiệp (Đại học Cần Thơ) lấy các mẫu có liên quan trên cây, đất trồng xét nghiệm sớm tìm ra nguyên nhân để đưa ra phương pháp phòng trị hiệu quả, giúp nhà vườn yên tâm canh tác. Đồng thời hỗ trợ nhà vườn thực hiện các giải pháp kỹ thuật phòng, trừ bệnh trên ổi.
Ngành Nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo bà con khi trồng cây mới trên đất ổi nhiễm bệnh thì cần sử dụng giống sạch bệnh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không sử dụng giống ổi không rõ nguồn gốc hoặc chiết nhánh vườn cây ổi bị bệnh đem bán.
Ngoài huyện Cù Lao Dung, ổi chết cây cũng được ghi nhận tại huyện Kế Sách, Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) với tổng diện tích trên 100 ha.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/nong-dan-mat-thu-nhap-khi-cay-oi-chet-hang-loat-1392689.ldo