Nhà vườn thanh long dọc cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo – Dầu Giây, đoạn qua xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam bất an nhiều vấn đề do làm đường cao tốc, trong đó nước sản xuất và sấm sét vào mùa mưa.
Cao tốc Bắc – Nam qua Bình Thuận nói chung, đoạn qua Phan Thiết – Vĩnh Hảo nói riêng mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, xã hội cho Bình Thuận – nơi được mệnh danh “vương quốc” của cây thanh long. Tuy nhiên, bên cạnh đó để lại nỗi lo cho một bộ phận nông dân có đất canh tác hai bên đường cao tốc liên quan đến đường dân sinh, điện và nước sản xuất, kênh mương nội đồng… Điều này đã phản ánh trong thời gian qua được các ngành chức năng lưu ý, người dân yên tâm, nhưng vẫn bất an. Trong đó có nông dân thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam đang lo sợ sấm sét khi trời đổ mưa, nắng kéo dài không nước sản xuất thanh long.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh đại diện cho rất nhiều hộ canh tác hàng chục hécta thanh long ở khu vực trang trại thanh long Ngọc Hân thuộc thôn Dân Bình bức xúc chia sẻ: Tôi đại diện cho nhiều hộ dân nhờ Báo Bình Thuận thông tin đến các ngành chức năng, khi có chủ trương làm cao tốc, chúng tôi rất mừng, vì có cao tốc tạo đà cho đất nước nói chung và Bình Thuận nói riêng phát triển. Vì thế chúng tôi đã đồng lòng giao đất để làm đường, nhưng khi cao tốc triển khai và nay đã hoàn thành đi vào hoạt động thì cuộc sống của người dân bị đảo lộn, với nhiều nỗi lo. Trong đó nhất là vào mùa khô hoặc những ngày nắng nóng kéo dài, nguồn nước tưới vườn thanh long khó khăn do cao tốc đi ngang qua phá vỡ nhiều kênh mương nội đồng dẫn nước; điện chiếu sáng sản xuất thanh long không được dựng lại cột điện mới, trả lại nguồn điện như ban đầu.
Cùng với đó là nỗi lo sét đánh, sạt lở vườn thanh long khi đang là mùa mưa. Ông Huỳnh Văn Thà cho biết, nhà ông có một ao trữ nước tưới thanh long, nhưng khi làm đường cao tốc, đơn vị thi công làm đường dân sinh đào mương thoát nước làm bồi lấp ao của ông nhưng không được nạo vét. Ngoài ra, mương nước này thay vì làm cách xa trụ điện trên đất của của hộ dân thì lại làm sát trụ điện không được bê tông hóa gây sạt lở, nguy cơ trụ điện đổ. Đặc biệt quá trình đào mương nước, đơn vị thi công không làm lại dây tiếp địa cột điện – thiết bị đi kèm không thể thiếu trong hệ thống chống sét của các công trình chiếu sáng mà để lộ thiên trên mặt đất…“Xảy ra chuyện gì liên quan đến tính mạng, ai là người chịu trách nhiệm…”, ông Vinh bức xúc. Theo đó hệ thống tiếp địa là bộ phận quan trọng khi thi công các công trình chống sét. Nếu thiết bị chống sét có tiếp địa không tốt thì việc sét đánh có thể gây ra hậu quả lớn. Ngược lại nếu tiếp địa cột đèn tốt thì hệ thống thu lôi sẽ phát huy được tối đa hiệu quả sử dụng.
Trước nỗi lo ấy, họ đã làm đơn ký tên tập thể gửi đến ngành chức năng, trong đó UBND xã, nơi đã thực địa khu vực nhận thấy không chỉ khu vực trên mà còn khu vực khác ảnh hưởng tương tự từ cao tốc. Ông Nguyễn Văn Tam – Chủ tịch UBND xã Hàm Kiệm cho biết: khi nhận đơn của người dân chúng tôi đã đi kiểm tra, nhận thấy những phản ánh của các hộ dân là có cơ sở. UBND xã đã có kiến nghị UBND huyện phối hợp các ngành chức năng có liên quan xem xét, khảo sát xây dựng lại tuyến kênh dọc theo đường dân sinh phục vụ việc tưới tiêu thuận lợi, người dân yên tâm sinh sống cũng như sản xuất.
UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, huyện đang kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của cao tốc đến việc sản xuất của nông dân cũng như đời sống nhân dân trong khu vực. Những vấn đề nhân dân phản ánh thuộc thẩm quyền của huyện sẽ sớm giải quyết, còn nếu không thuộc thẩm quyền sẽ kiến nghị cấp trên.