Cây lúa Kim Sơn không chỉ tạo ra những hạt gạo thơm ngon nức tiếng và cũng từ cây lúa, với óc sáng tạo cùng đôi bàn tay khéo léo, những người nông dân nơi đây còn làm nên một thứ hàng thủ công đặc biệt, gọi nôm na là “đuôi trâu” chuyên xuất khẩu đi Nhật Bản, đem lại giá trị kinh tế cao.
Bán lúa non
Về Kim Sơn đúng vào thời điểm thu hoạch lúa đông xuân, chúng tôi lấy làm lạ khi thấy bên cạnh những cánh đồng lúa chín vàng óng lại có mảnh ruộng xanh mướt. Cây lúa chưa hề trỗ bông mà nông dân đã cắt thành từng bó gọn ghẽ, chất lên xe. Hỏi ra mới biết, bà con thu hoạch để bán cho các doanh nghiệp làm nguyên liệu sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ xuất đi Nhật Bản. Doanh nghiệp thu mua và đưa về sấy, rơm có màu xanh, thơm mùi lúa non, có độ dẻo dai phù hợp cho việc quấn, tết.
Ông Phạm Văn Hòa ở xóm 6, xã Kim Chính đã có thâm niên 5 năm làm lúa dạng này, cho biết: Khác với cấy lúa lấy hạt, cấy lúa thu cây một năm cấy 2 vụ nhưng có thể thu tới 3 – 4 lượt. Thời gian từ cấy đến thu hoạch cũng ngắn hơn, chỉ từ 70-80 ngày, nếu thu lứa 2 thì chỉ mất có 30-35 ngày. Ở đây chúng tôi chỉ sử dụng duy nhất 1 giống lúa đó là giống Tám xoan hay còn gọi là Tám thơm – một giống lúa đặc sản cổ truyền địa phương có thời gian sinh trưởng dài, cao cây, kháng sâu bệnh tốt, thân lá có mùi thơm đặc trưng.
“Nghe qua thì có vẻ “dễ ăn” nhưng không phải ai cũng làm được. Người Nhật họ rất cẩn thận và yêu cầu cao trong từng sản phẩm, nhất là vật thờ cúng. Riêng làm lúa này không may để cây nhiễm sâu bệnh, nhất là đạo ôn, sâu cuốn lá là doanh nghiệp từ chối thu mua luôn vì quan trọng nhất là bộ lá. Lá phải thật dài, mướt và xanh. Do vậy, khi chăm bón phải đặc biệt chú ý khâu phòng trừ sâu bệnh, bón phân ở mức độ phù hợp, tăng lượng phân lân, ngược lại giảm lượng phân đạm.” – ông Hòa chia sẻ.
Theo những nông dân ở đây, so với làm lúa thông thường thì cấy lúa non mức độ rủi ro, chi phí vật tư, máy móc, công lao động ít hơn. Trong khi đó, thu nhập lại cao hơn, trung bình đạt khoảng 1,2 triệu đồng/sào (cấy lúa thông thường chỉ đạt khoảng 800 nghìn đồng – 1 triệu đồng/sào).
Tạo việc làm cho hàng nghìn lao động
Hiện, nghề sản xuất đồ thủ công từ lúa non đang phát triển mạnh ở các xã Tân Thành, Thượng Kiệm, Ân Hòa, Kim Chính, Như Hòa, Quang Thiện… của huyện Kim Sơn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Trong đó phần lớn là phụ nữ, người lớn tuổi.
Chị Vũ Thị Hà – chủ một cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở xã Kim Chính chia sẻ: Mặc dù là một quốc gia công nghiệp phát triển nhưng Nhật Bản vẫn hết sức coi trọng nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa. Và trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của người Nhật, họ sử dụng khá nhiều đồ thờ cúng được tết, bện từ lúa non. Trong đó, sản phẩm phổ biến nhất là Shimenawa (sợi dây thừng xoắn thiêng liêng). Do hình dáng độc đáo của sản phẩm này nên những người thợ ở Kim Sơn cứ gọi vui là “đuôi trâu”.
Cũng theo chị Hà, mấy năm qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như suy thoái kinh tế thế giới, nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ gặp khó khăn về đầu ra nhưng riêng các sản phẩm bện tết từ lúa non này vẫn tiêu thụ tốt. Hiện tại, cơ sở của gia đình đang liên kết với các hộ nông dân cấy 150 mẫu ruộng chuyên để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất. Lúa sau khi thu hoạch sẽ được đưa về xưởng phơi sấy, sau đó cung cấp cho người dân trong vùng mang về nhà quấn, tết theo yêu cầu mẫu mã của phía bạn hàng. Trung bình mỗi năm, cơ sở xuất đi 9-10 công-ten-nơ hàng với hàng chục mẫu mã khác nhau, doanh thu 12-13 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Lan ở xóm 1, xã Kim Chính mặc dù đã gần 60 tuổi nhưng ngày ngày vẫn đến xưởng sản xuất của gia đình chị Hà để làm việc. Bà Lan cho biết: Công việc này đơn giản, nhẹ nhàng, người già, trẻ em ai cũng làm được. Đặc biệt, nguyên liệu đầu vào là cây lúa được phơi sấy tự nhiên không hề có hóa chất nên hoàn toàn yên tâm đối với sức khỏe. Cứ tranh thủ lúc nào rảnh rỗi thì đến đây làm, vậy mà mỗi tháng tôi cũng kiếm được 4-5 triệu đồng.
Còn theo ông Đỗ Văn Trình, Chủ tịch UBND xã Kim Chính, nghề thủ công mỹ nghệ nói chung và nghề quấn “đuôi trâu” nói riêng lâu nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động phát triển kinh tế của địa phương. Nó mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Bài, ảnh, video: Nguyễn Lựu