Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam đạt con số kỷ lục 62,5 tỷ USD, tạo đà cho mục tiêu xuất khẩu 100 tỷ USD trong tương lai. Để nhìn lại một năm thắng lợi của ngành nông nghiệp nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã có buổi chia sẻ với phóng viên Báo Dân Việt.
Năm 2024 ngành nông nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt cơn bão số 3 nhưng vẫn vượt kế hoạch đề ra, Bộ trưởng có thể chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành?
– Để có những kết quả như trong năm 2024, đầu tiên chúng ta phải trân quý người nông dân, nhất là những bà con đã chịu tổn thất sau cơn bão số 3. Dù có thắng lợi gì mà không có chỗ dựa là bà con nông dân thì cũng rất khó. Có lẽ chúng ta cần công bằng hơn trong những đánh giá, bởi doanh nghiệp, Bộ NNPTNT, hay các Bộ, ngành chỉ là những người tạo ra sự kết nối, liên lạc trong chuỗi sản xuất.
Kinh nghiệm đầu tiên thu được từ năm vừa qua, là từ sự năng động của các địa phương trong việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Điều ấy đã thẩm thấu dần vào trong xã hội. Bà con nông dân, chính quyền địa phương đều biết rằng chỉ đạo sản xuất phải kết nối được tới thị trường. Nhiều hội chợ, Festival được tổ chức ở Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương, Tây Nguyên và Đông Nam bộ… các địa phương rất năng động và chủ động kết nối thị trường. Ngày xưa chúng ta cứ nghĩ rằng, chúng ta phải thúc đẩy bà con sản xuất nhiều hơn, nhưng quan điểm ấy giờ cần thay đổi, nghĩa là cùng với sản xuất phải áp dụng thêm tư duy kinh tế, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.
Thứ hai, chúng ta đã hiểu được rằng thị trường rất đa dạng. Mỗi thị trường có tiêu chuẩn, quy chuẩn, có giá trị riêng, có những hàng rào kỹ thuật. Thông tin từ Bộ NNPTNT, Bộ Ngoại giao hay Bộ Công thương, giữa cơ quan xúc tiến thương mại, tổ chức đã cố gắng chuyển về một cách nhanh nhất cho các địa phương, đến tận bà con nông dân. Tất nhiên cũng còn chỗ này chỗ kia nhưng rõ ràng, tư duy sản xuất theo thị trường đã từng bước được hình thành. Sản xuất cho thị trường Mỹ sẽ khác với xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, thậm chí để bán được sản phẩm chúng ta phải tìm hiểu thêm cả văn hóa, thị hiếu của từng khu vực.
Đây không đơn giản là câu chuyện sản xuất – mua bán mà là sự định hình thói quen hay tập quán sản xuất theo tín hiệu thị trường, nghĩa là chúng ta bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mà chúng ta sản xuất ra được. Hay nói một cách khác, là biến sản phẩm trở thành thương phẩm. Sản phẩm là cái chúng ta làm được, còn thương phẩm là cái người ta cần mà chúng ta đem bán. Khi bán được mới có chỉ số tăng trưởng, kim ngạch 62,5 tỷ USD năm 2024. Và đó là thành quả của một hệ sinh thái gắn liền với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng và người dân để vừa phát triển những thị trường cũ, tiềm năng vừa mở ra những thị trường mới, để chúng ta không gặp rủi ro ở bất cứ thị trường nào.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 62,5 tỷ USD, trong đó, có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Cụ thể: gỗ và sản phẩm gỗ 16,2 tỷ USD; rau quả 7,2 tỷ USD; gạo 5,75 tỷ USD; cà phê 5,48 tỷ USD; hạt điều 4,38 tỷ USD; tôm 3,86 tỷ USD; cao su 3,46 tỷ USD.
Với những con số xuất khẩu ngoạn mục năm 2024 sẽ tạo đà rất lớn để ngành nông nghiệp bước vào năm 2025, trong đó, mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT đạt kim ngạch xuất khẩu 70 tỷ USD. Bộ trưởng đánh giá thế nào về lợi thế và khó khăn của năm 2025?
– Nhìn về năm 2025, chúng ta còn rất nhiều khó khăn, tuy nhiên cũng có nhiều điểm lạc quan, sản phẩm tiềm năng, bởi vì chúng ta chủ trương khai thác triệt để tất cả những gì chúng ta đang có. Ví dụ như nông nghiệp tuần hoàn. Có lẽ, ngành nông nghiệp và bà con mình mới bắt đầu một cách sơ khai vào con đường này. Lâu nay người nông dân mới biết cách trồng cây lúa, lấy hạt gạo đem bán, mà đôi khi quên mất rằng rơm rạ, trấu… có thể làm giá thể, hoặc làm viên nén cho năng lượng sinh khối. Hiện nay bà con đã manh nha biết cách biến phế phụ phẩm nông nghiệp thành chế phẩm sinh học, rồi tuần hoàn đưa vào lại trong đất, canh tác cho mùa vụ mới.
Nhân đây, tôi mong mỏi rằng chúng ta đừng nhìn vào giá trị của một nông sản cụ thể, bởi đó là tầng thấp nhất trong chuỗi giá trị – bán thô sản phẩm. Vì lẽ đó, chúng ta có thể vui mừng vì năm vừa qua Bộ NNPTNT đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, góp phần tăng dần tỷ trọng sản phẩm chế biến, thứ luôn có giá trị gấp hàng chục, hàng trăm lần.
Nếu cứ giữ cái nhìn cục bộ, đơn ngành, rất khó để tăng giá trị cho nông sản. Một ví dụ nữa là cà phê, lâu nay người dân chỉ quan tâm bán hạt cà phê, tới thứ nước pha ra từ hạt cà phê, vốn chỉ chiếm khoảng 2% giá trị, còn hơn 98% giá trị còn lại thì đổ bỏ. Trong khi bã cà phê có thể tái sử dụng làm giá thể trồng rau thủy canh, làm phân bón cải tạo đất, thậm chí chế biến thành mỹ phẩm. Nhiều quốc gia đã áp dụng nguyên lý tuần hoàn vào bã cà phê. Họ lấy bã cà phê trồng nấm, rồi lấy toàn bộ phế phụ phẩm còn lại sau thu hoạch nấm, sau khi thu hoạch nấm xong có thể tận dụng phế phẩm làm thức ăn chăn nuôi.
Những mô hình về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh như vậy buộc chúng ta phải nghĩ khác đi trong công tác chỉ đạo sản xuất. Thay vì bỏ đi và phải tốn thêm công xử lý để bảo vệ môi trường, chúng ta có thể áp dụng nguyên lý tuần hoàn để không bỏ đi thứ gì. Tôi muốn nhấn mạnh như vậy để tất cả thấy được, rằng kết quả 2024 là rất tốt nhưng với thế giới đang thay đổi chóng mặt, chúng ta vẫn còn dư địa để có thể làm tốt hơn.
Năm 2025 là năm cuối thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra. Về phần mình – Bộ NNPTNT sẽ triển khai những kế hoạch gì để hoàn thành mục của giai đoạn 2021-2025, thưa Bộ trưởng?
– Đến thời điểm này, có thể khẳng định tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã vượt xa mục tiêu của nhiệm kỳ 2021-2025, chẳng hạn mục tiêu năm 2030 xuất khẩu rau quả đạt 5 tỷ USD thì nay đã vượt mốc 7 tỷ USD. Ngành nông nghiệp, vì thế, phải định hướng những nhiệm vụ mới, làm sao để tăng tốc, đột phá hơn nữa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việt Nam có lợi thế về đất đai và không gian biển, nhưng nông nghiệp trong thời đại mới có lẽ đã đến lúc vượt khỏi địa giới hành chính. Chúng ta có thể hợp tác trồng trọt, chăn nuôi với nhiều quốc gia, gần thì có Lào, Campuchia, xa hơn là các nước châu Phi và một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã đến Việt Nam đặt vấn đề hợp tác nông nghiệp.
Kết nối để tạo ra đa tầng giá trị hơn, tương tự như sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, mới là biện pháp để Việt Nam không bỏ lỡ thời cơ trong giai đoạn hiện nay. Tôi từng có dịp tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng công du một số quốc gia, và nhận thấy rõ rằng nếu chậm chân chút xíu, nông sản Việt có thể mất luôn cơ hội mở cửa thị trường ở một khu vực tiềm năng.
Đất đai nông nghiệp vốn dĩ chỉ có vậy, nếu như không muốn nói là ngày càng nhỏ lại vì xu hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa, thi công hạ tầng giao thông. Sản xuất có tăng trưởng nhưng sẽ có lúc chạm ngưỡng giới hạn. Nông nghiệp còn đang đối mặt với thách thức về lao động, người dân tha hương đổ về các khu công nghiệp. Các làng quê bây giờ hầu hết là những người già. Những nghề truyền thống, nông, đặc sản vùng miền, bởi vậy, mà có nguy cơ mai một nếu không tìm được lớp thế hệ kế cận. Hợp tác là xu thế bắt buộc, cũng là dịp để chúng ta tự soi chiếu lại bản thân xem còn khoảng trống nào bị đứt đoạn hay bỏ quên.
Trở lại câu chuyện nông sản, vừa qua Bộ NNPTNT phối hợp Bộ Công thương tổ chức Lễ hội trái cây tại Bắc Kinh, Trung Quốc, với mong mỏi đưa nông sản đi sâu vào nội địa quốc gia này. Muốn bán nông sản có giá cao thì phải có những không gian trưng bày, quảng bá nông sản ở trung tâm Trung Quốc – nơi tiêu thụ nông sản lớn nhất thế giới. Đã qua rồi cái thời nông sản Việt xuất khẩu bằng tiểu ngạch, loanh quanh khu vực biên giới. Chúng ta giờ phải nghĩ lớn hơn, cùng thông điệp rõ ràng là luôn bên cạnh doanh nghiệp từ Nhà nước, cụ thể là các bộ, ngành, đại sứ quán, cơ quan thương mại ở nước ngoài.
Nông nghiệp, nông sản nếu chỉ khai thác dưới khía cạnh thực phẩm, thì chúng ta mới tận dụng được tầng thấp nhất, trong khi bất kỳ một nông sản nào cũng đều có giá trị dược liệu, dược phẩm và mỹ phẩm. Sau nền nông nghiệp sản lượng, đã đến lúc chúng ta cùng ngồi lại để tìm kiếm những giá trị thặng dư cao hơn. Chẳng hạn mật ong. Nếu bà con bán dưới dạng thực phẩm thì giá thành không đáng là bao. Bán cả một chai to cũng không bằng một lọ mỹ phẩm nhỏ xíu, chiết xuất từ mật ong.
Trong cơn mưa, nhìn xuống đất thì thấy bùn, nhưng nếu nhướng mắt ra xa lại thấy cầu vồng. Muốn thấy cầu vồng thì chắc chắn phải chịu bẩn một chút. Có lẽ, đó sẽ là tư duy tích cực trước khi bước chân vào kỷ nguyên mới.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: https://danviet.vn/hien-thuc-hoa-muc-tieu-xuat-khau-nong-san-100-ty-usd-nong-dan-diem-tua-de-nganh-nong-nghiep-thang-lon-bai-cuoi-20250113141956883.htm