Đắk Nông đang bước vào mùa mưa. Đây là giai đoạn cao điểm của việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Bà con nông dân vì thế đang triển nhiều biện pháp kỹ thuật giúp cây trồng phát triển tốt, bảo đảm năng suất, hiệu quả cho cả vụ.
Đắk Nông có khoảng 212.500 ha cây chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều; khoảng 14.400 ha cây ăn trái và 53.000 ha cây hàng năm.
Để phòng trừ các sâu bệnh gây hại như tuyến trùng, rệp sáp, nấm, lá, rễ tiêu, bệnh chết nhanh, chết chậm, trong mùa mưa, người dân cần rong tỉa cây trụ sống cho vườn tiêu thông thoáng.
Bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, hiệu quả; bổ sung, chất dinh dưỡng cho vườn cây một cách khoa học. Vườn cây cần thoáng mát để hạn chế các loại nấm, rệp.
Ông Vũ Văn Yến, xã Trường Xuân (Đắk Song), đang đổ thuốc phòng bệnh nấm rễ cho 400 trụ tiêu của gia đình. Theo ông Yến, để giảm nấm bệnh vào mùa mưa cho hồ tiêu, bà con phải thoát nước tốt, không để nước đọng trong gốc tiêu.
Cùng với đó, người dân cần thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ, xử lý kịp thời, tránh để lây lan.
Tôi có 800 trụ tiêu. Mùa mưa đến, tôi phải thường xuyên ra vườn kiểm tra lá, gốc tiêu để sớm phát hiện bệnh và sử dụng các biện pháp phòng trừ hợp lý.
Bà Đỗ Thị Xiêm, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông
Đắk Nông có khoảng 6.139 ha sầu riêng, sản lượng khoảng 22.281 tấn/vụ. Hiện nay, sầu riêng đang bước vào giai đoạn chăm sóc quả non. Đây là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định đến vụ sầu riêng năm nay.
Vườn sầu riêng của ông Nguyễn Hồng Thanh, ở xã Đắk Ru (Đắk R’lấp), đang tiến hành neo cột trái để tránh gãy cành. Theo ông Thanh, bảo đảm đủ dinh dưỡng và duy trì độ ẩm, tránh sốc nhiệt trong thời điểm này là hết sức quan trọng trong việc chăm sóc sầu riêng.
Những cơn mưa đầu mùa năm nay khiến sầu riêng trong vườn nhà tôi rụng quả non hàng loạt, rất xót ruột. Hiện nay, tôi đang tập trung chăm sóc để hạn chế sầu riêng rụng quả.
Ông Mai Văn Giang, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông
Bước vào mùa mưa cũng là lúc quả cà phê bắt đầu phát triển nhanh về kích thước. Do đó, việc chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cho cây cà phê là rất quan trọng.
Giai đoạn này, quả cà phê cần lượng dinh dưỡng cao. Hơn nữa, các loại sâu hại, đặc biệt là nấm bệnh, sâu đục thân tấn công lá, cành, quả non rất nhiều.
Theo bà con nông dân, việc chăm sóc cà phê vào đầu mùa mưa hết sức quan trọng nhằm hạn chế tối đa hiện tượng rụng quả, giúp quả non phát triển tốt.
Đắk Nông có khoảng 139.932 ha cà phê, sản lượng khoảng 356.612 tấn/vụ. Giá cà phê hiện nay trên thị trường đang ở mức cao (xấp xỉ 60.000 đồng/kg). Đây là động lớn để nông dân Đắk Nông tập trung chăm sóc vườn cà phê.
Đối với cây điều, người dân đã tiến hành cắt tỉa các cành nhằm tạo tán, giúp vườn cây thông thoáng. Bà con bón phân cân đối vào đầu mùa mưa và lúc cây điều chuẩn bị ra hoa.
Mùa mưa đến, cũng là giai đoạn nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bắt tay vào tái canh, chuyển đổi cây trồng. Nhiều nông dân lựa chọn sầu riêng để trồng, chanh dây, mắc ca… để phát triển.
Đắk Nông có 53.000 ha cây hằng năm. Mùa mưa, nhiều loại cây trồng ngắn ngày phải đối mặt với sâu bệnh, đòi hỏi người trồng phải chủ động các phương án phòng trừ.