Với tinh thần trách nhiệm cao và sự đồng lòng của người dân, các chi hội nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều công trình, mô hình thiết thực, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
Từ những công trình dân sinh như: Xây dựng cây cầu bến nước, lắp đặt hệ thống đèn đường, đường cờ hoa, cây xanh… đến các mô hình liên kết sản xuất, phát triển kinh tế, là thành quả cụ thể cho sự đoàn kết và nỗ lực của hội viên nông dân toàn tỉnh Đắk Lắk nhằm hưởng ứng phong trào thi đua kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 – 22/11/2024).
Những công trình, mô hình thiết thực được các cấp Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk triển khai xây dựng đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương. Video: Công Nam.
Những công trình dân sinh mang tên Hội Nông dân
Với sự đồng thuận và ủng hộ nhiệt tình từ hội viên nông dân, Chi hội nông dân Buôn Tri Gha (xã Đliê Yang, huyện Ea H’leo) đã quyên góp được 21 triệu đồng và đóng góp 35 ngày công lao động để xây dựng cây cầu bến nước. Đến nay, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang lại niềm vui lớn cho bà con trong buôn.
Ông Hồ Văn Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đliê Yang, huyện Ea H’leo, chia sẻ: “Việc xây dựng cây cầu bến nước là minh chứng cho tinh thần đoàn kết và quyết tâm của bà con nông dân trong buôn Tri Gha. Sự chung tay góp sức của mọi người không chỉ giúp hoàn thành công trình mà còn góp phần nâng cao niềm tin của người dân vào tổ chức Hội, thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng”.
Chia sẻ về công trình, bà Ksơr H’Nhung, một người dân trong buôn, cho biết: “Cây cầu mới này giúp chúng tôi yên tâm mỗi khi tới bến nước. Đường đi lại thuận tiện hơn, không còn lo lắng về những ngày mưa gió nữa”.
“Cây cầu bến nước” tại Buôn Tri Gha, xã Đliê Yang, huyện Ea H’leo được hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng. Ảnh: Công Nam.
“Gom nắng” thắp sáng đường quê, Chi hội nông dân thôn 7 (xã Ea Păl, huyện Ea Kar), đã triển khai công trình thắp sáng đường quê với tổng chiều dài 2,5 km từ UBND xã tới cánh đồng lúa 714. Hội viên nông dân đã đóng góp 50 ngày công lao động và 24 triệu đồng để mua cột sắt, cát, đá, xi măng và 20 bóng đèn năng lượng mặt trời.
Ông Ngô Đức Đại, một cư dân trong thôn, chia sẻ: “Từ khi có hệ thống đèn thắp sáng, an ninh khu vực đã được cải thiện rõ rệt, các cháu nhỏ đi học buổi tối cũng an toàn hơn rất nhiều”.
Hệ thống điện đường sử dụng năng lượng mặt trời để thắp sáng tại thôn 7, xã Ea Păl, huyện Ea Kar góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: Công Nam.
Tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, Chi hội nông dân thôn Hòa Thành đã khởi công xây dựng con đường cờ, đường hoa với hệ thống cổng chào gắn đèn LED để chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk. Với sự đồng lòng của các hội viên, chi hội đã thu được 25 triệu đồng từ các hộ gia đình trên đoạn đường thực hiện công trình và hoàn thành dự án chỉ trong hơn một tuần thi công.
Ông Đỗ Văn Thưởng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, chia sẻ: “Thành công của công trình đường cờ, đường hoa và cổng chào là kết quả của sự đồng lòng và nỗ lực không ngừng nghỉ của bà con nông dân trong thôn. Mọi người đã cùng nhau góp sức, không chỉ là tiền bạc mà cả công lao động, để xây dựng một cảnh quan xanh đẹp, khang trang, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, lan tỏa tinh thần đoàn kết trong cộng đồng”.
“Con đường mới không chỉ làm đẹp cảnh quan thôn làng mà còn lan tỏa đến các khu vực khác. Từ sự thành công của công trình này, chi hội đã xin ý kiến xây dựng thêm 3 tuyến đường khác, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương”, bà Trần Thị Thu Oanh, Phó Bí thư chi bộ thôn Hòa Thành nói.
Công trình con đường cờ, đường hoa với hệ thống cổng chào gắn đèn LED được Hội Nông dân xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc chung sức thực hiện chỉ trong hơn một tuần thi công. Ảnh: Công Nam.
Nông dân “bắt tay” liên kết sản xuất nông nghiệp
Thay vì mạnh ai nấy làm như trước đây, tham gia Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò thâm canh, các hội viên nông dân ở xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông đã cùng phối hợp tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp nhau mở rộng quy mô, tăng số lượng đàn bò; đồng thời, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh…
Đến nay, Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò thâm canh đã liên kết được 22 thành viên tham gia, duy trì đàn bò gần 200 con. Việc liên kết trong chăn nuôi đã giúp các thành viên nâng cao thu nhập, yên tâm phát triển sản xuất…
Ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, chia sẻ: “Tham gia liên kết chăn nuôi bò thâm canh, các thành viên hỗ trợ nhau rất nhiều, nhất là trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Qua kết nối, chia sẻ của các thành viên, sản phẩm đã được các thương lái, cơ sở gia chánh trong và ngoài địa bàn tìm đến thu mua tận nơi. Làm ăn hiệu quả, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, có hộ phát triển đàn bò lên đến 20-30 con, nhiều hộ có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm”.
Liên kết chăn nuôi bò thâm canh là hướng đi giúp nhiều nông dân ở huyện Krông Bông phát triển kinh tế, phù hợp điều kiện địa phương. Ảnh: Thư Anh
Tương tự, được sự vận động, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Ea Súp, đầu năm 2024, Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn” tại xã Ea Bung được thành lập với 10 thành viên. Các thành viên là những người trực tiếp tham gia sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.
Sau khi thành lập, các thành viên mô hình được Hội Nông dân huyện tập huấn, hướng dẫn cách sản xuất theo quy trình an toàn, thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia…; liên kết hình thành vùng chuyên canh sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm…
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bung, huyện Ea Súp, đánh giá, Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn” bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực khi định hướng phương thức sản xuất an toàn, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương; liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, định hướng đầu ra sản phẩm… cho các thành viên.
Đây là mô hình được Hội Nông dân huyện Ea Súp chọn làm mô hình điểm để nhân rộng ra các cơ sở Hội trên địa bàn huyện.
Mô hình trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi theo hướng an toàn mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình ông Tô Đức Huy (thôn 5, xã Ea Bung, huyện Ea Súp) – thành viên Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn”. Ảnh: Thư Anh.
Thông qua các mô hình kinh tế tập thể nhằm liên kết sản xuất nông nghiệp đã giúp người nông dân bước đầu hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
“Việc các cấp Hội Nông dân trên địa bàn toàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện các công trình, phần việc chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 – 22/11/2024) đã tạo khí thế thi đua sôi nổi.
Đây là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, khẳng định vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của nhân dân và xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển”, ông Ya Toan Ê Nuôl, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk đánh giá.
Nguồn: https://danviet.vn/nong-dan-dak-lak-lam-nong-thon-moi-xay-cau-lap-dien-chieu-sang-mat-troi-lien-ket-lam-an-lon-20241027094649756.htm