Đầu tư mô hình du lịch nông nghiệp, trồng sầu riêng Musang King
Anh Nguyễn Vũ Phương ở khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng đang xây dựng mô hình nông nghiệp du lịch ở địa phương. Anh Phương cho biết: Hiện nay, tôi đang trồng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
Theo đó, anh Phương mạnh dạn đầu tư vốn cải tạo 7 công vườn, trồng 700 cây đu đủ Ðài Loan. Sau 8 tháng, đu đủ ra trái và bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi tuần, anh Phương hái khoảng 300-400kg trái, bán 4.000-8.000 đồng/kg, tùy thời giá.
Anh Phương cho biết: “Giống đu đủ này dễ trồng, mau thu hoạch, ít rủi ro, giá bán ổn định. Tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi để mua cây giống và phân bón, vật tư cần thiết và trang trải các chi phí khác. Từ nguồn thu nhập tích lũy, tôi trồng 100 cây giống sầu riêng Musang King hơn 8 tháng. Tôi đang học hỏi và ứng dụng kỹ thuật chăm sóc sầu riêng các nhà vườn, hy vọng sẽ đạt năng suất, lợi nhuận cao”.
Còn tại xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, từ năm 2018, Hội Nông dân xã thành lập Tổ hợp tác nông nghiệp ổi ruột hồng, nhận cung ứng trái cho công ty. Từ nền tảng tổ hợp tác, năm 2023, Hội Nông dân xã ra mắt HTX ổi ruột hồng xã Thới Tân, có 20 xã viên, với diện tích canh tác 25ha.
Để hỗ trợ HTX ổi ruột hồng xã Thới Tân phát triển mô hình, Hội Nông dân xã đã quan tâm giới thiệu xã viên HTX vay vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội; có 10 xã viên vay Quỹ Hỗ trợ nông dân 500 triệu đồng (50 triệu đồng/hộ) để phát triển ổi ruột hồng.
Ông Nguyễn Văn Bé, Giám đốc HTX ổi ruột hồng xã Thới Tân, huyện Thới Lai cho biết: “Cây ổi ruột hồng nhẹ vốn đầu tư, công chăm sóc. Được Hội Nông dân xã quan tâm và đồng hành hoạt động HTX, nắm bắt nhu cầu xã viên để hỗ trợ vay các nguồn vốn ưu đãi, tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cũng như nhắc nhở xã viên tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật của công ty bao tiêu sản phẩm theo hướng lâu dài, bền vững. Năm đầu tiên trồng, sản lượng trái ít nhưng được công ty bao tiêu, có thu nhập nên tôi phấn khởi lắm”.
Hội Nông dân thành phố Cần Thơ ủy thác vốn vay Ngân hàng CSXH hiệu quả
Thời gian qua, để hỗ trợ nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay dễ dàng, thuận tiện, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đã phối hợp với Hội Nông dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về tín dụng chính sách.
Mỗi phường, xã được bố trí một điểm giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm… phục vụ các đối tượng ngay tại địa bàn vào một ngày cố định trong tháng. Chính sự thuận lợi về phương thức vay vốn, địa điểm vay vốn, lãi suất ưu đãi đã khiến hoạt động tín dụng chính sách xã hội là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống.
Đến thời điểm hiện tại, trên 36.500 hội viên nông dân đã tiếp cận 17 chương trình tín dụng từ nguồn vốn từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ với tổng dư nợ trên 1.455 tỷ đồng (chiếm 35,4% dư nợ nhận ủy thác từ các hội đoàn thể thành phố).
Trong số 17 chương trình tín dụng phối hợp giữa Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm chiếm nhiều nhất với gần 558 tỷ đồng, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường trên 306 tỷ đồng, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo gần 254 tỷ đồng, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên 175 tỷ đồng và các chương trình khác.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đánh giá, Hội Nông dân các quận, huyện đều thực hiện tốt công tác ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,14%.
Các đơn vị như Hội Nông dân quận Bình Thủy có thể xem không có nợ quá hạn; quận Cái Răng, huyện Thới Lai, huyện Phong Điền và huyện Vĩnh Thạnh là các đơn vị có tỷ lệ nợ quán hạn thấp nhất trong hệ thống Hội Nông dân.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ có 1.707 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn; trong đó, Hội Nông dân có 637 tổ tiết kiệm và vay vốn không nợ quá hạn.
10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân đã giúp cho hơn 109.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; trong đó, có hội viên nông dân thành phố được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm và giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ khẳng định, thông qua việc thực hiện ủy thác đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, các cấp Hội Nông dân TP Cần Thơ đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tập trung phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất cho nông dân. Nhiều hội viên nông dân thành phố Cần Thơ được vay vốn phát triển mô hình nông nghiệp du lịch, mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, nâng cao thu nhập.
Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp tốt với chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến hội viên nông dân; nắm chắc tình hình hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, củng cố kịp thời tổ trưởng hoạt động kém hiệu quả; nhắc nhở các tổ thực hiện tốt quy chế hoạt động, tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban tại xã, phường hàng tháng. Thực hiện kiểm tra theo chuyên đề hoặc kiểm tra lồng ghép đảm bảo tỷ lệ theo kế hoạch đề ra…
Nguồn: https://danviet.vn/nong-dan-can-tho-dau-tu-mo-hinh-du-lich-nong-nghiep-trong-sau-rieng-tu-von-tin-dung-chinh-sach-20240625165055295.htm