PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường (Bộ
Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, Diễn đàn Chủ tịch Hội NDVN – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói là cơ hội để hướng người dân đến những mục tiêu phát triển sản xuất xanh.
Ngày 24/11 tới, tại Hà Nội, lần đầu tiên, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng chủ trì Diễn đàn lắng nghe nông dân nói. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của sự kiện này?
– Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững ở Việt Nam, thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có định hướng thúc đẩy người dân phát triển kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững.
Vì vậy, theo tôi Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói là cơ hội để người đứng đầu 2 đơn vị lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân liên quan đến những vấn đề về khơi thông nguồn lực đất đai, chuyển đổi sản xuất xanh, bảo vệ môi trường để từ đó đề xuất cơ chế, chính sách, đồng thời có các chương trình, mục tiêu, kế hoạch giúp nông dân, doanh nghiệp khai thác tốt các nguồn lực, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Một trong những vấn đề được các nông dân, hợp tác xã quan tâm, đặt nhiều câu hỏi tại Diễn đàn là giải pháp khơi thông nguồn lực đất đai, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất lớn. Theo ông, trong bối cảnh Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực, vấn đề đất đai phục vụ sản xuất lớn sẽ được khơi thông như thế nào để đạt được kỳ vọng của nông dân?
-Thời gian qua, Đảng ta đã ban hành những chủ trương rất lớn, mang tính định hướng nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, đó là Nghị quyết 18 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã đưa ra định hướng phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn, xây dựng cánh đồng lớn, tập trung tích tụ, tập trung đất đai, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trên cơ sở định hướng của Nghị quyết 18, Luật Đất đai 2024 đã thể chế hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị để khơi thông nguồn lực đất đai. Theo đó, đã có những chính sách về thực hiện cánh đồng lớn, tích tụ đất đai, cho phép các hộ cá thể sử dụng đất đai với hạn điền lớn hơn, đồng thời cho phép sử dụng một phần đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường đi, nhà kho, đáp ứng phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn.
Với những chính sách cởi mở về đất đai góp phần khơi thôn nguồn lực, thời gian qua ở nhiều nơi đã xuất hiện những cánh đồng sản xuất lớn, thành tựu trong nông nghiệp nông thôn đã được chứng minh khi vị thế trụ đỡ của nền kinh tế tiếp tục được khẳng định. Xuất khẩu các nông sản chủ lực tiếp tục đạt được những con số ấn tượng. Thành quả này có đóng góp lớn của người nông dân, đặc biệt là sau Nghị quyết 18, các địa phương đã hỗ trợ nông dân thực hiện tập trng đất đai, sản xuất quy mô lớn, công nghiệp hóa nông thôn.
Có thể thấy, ở nhiều địa phương như Thái Bình, Hải Phòng đã xuất hiện các mô hình đại điền. Ông đánh giá như thế nào về những mô hình này trong việc đặt nền tảng cho sản xuất lớn?
Luật Đất đai 2024 đã thông qua chủ trương mở rộng hạn điền, cho phép cá nhân, hộ gia đình sở hữu đất đai trong nông nghiệp, đưa ra định hướng để doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp đều có thể mở rộng mô hình sản xuất.
Một trong những khó khăn lớn nhất là sau quá trình tập trung đất đai thì việc cấp lại giấy chứng nhận cho người dân. Liên quan đến quản lý hồ sơ, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý đất đai, nhiều địa phương đã đưa hồ sơ đất đai lên hệ thống quản lý đất đai, đồng thời tiến hành kiểm kê, đo đạc lại và cấp giấy chứng nhận cho người dân. Ứng dụng chuyển đổi số, đăng ký đất đai đã tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất.
Chuyển đổi sản xuất xanh để đáp ứng mục tiêu NET ZERO vào năm 2050 là một chủ trương lớn mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Để góp phần đạt được mục tiêu này, người nông dân cần bắt đầu từ đâu?
-Năm 1992, tại Hội nghị Liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED), còn được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất Rio de Janeiro, thế giới đặt ra 3 mục tiêu phát triển hài hòa: Kinh tế – xã hội – môi trường và đưa ra định hướng đưa phát thải ròng bằng 0, chống ô nhiễm, phục hồi hệ sinh thái, chống suy giảm đa dạng sinh học.
Đến Hội nghị COP 26, Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế sẽ đưa phát thải bằng 0 vào năm 2050. Đây là thách thức lớn của Việt Nam khi nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam chưa thực hiện cam kết này. Nhưng nếu không giảm phát thải, không chống ô nhiễm, suy giảm đa dạng sinh học thì không thúc đẩy thường mại nông sản với thế giới, không thu hút được đầu tư toàn cầu.
Có thể lấy ví dụ, thời gian qua, Liên minh châu Âu đưa ra quy định về chống khai thác thủy sản không có báo cáo, không theo quy định (IUU) hay Luật chống phá rừng (EUDR) đưa ra quy định không nhập khẩu sản phẩm có nguồn gốc phá rừng hoặc gây suy thoái từng. Dự kiến, một số sản phẩm như: gỗ, cao su, ca cao, cà phê, dệt may,… sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách này. EU, Nhật Bản, Mỹ,… đều là những thị trường lớn, nếu không đáp ứng về giảm phát thải, suy giảm đa dạng sinh học thì nhiều mặt hàng nông sản sẽ bị ảnh hưởng và người nông dân sẽ chịu tác động trực tiếp. Trong bối cảnh nền sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, khi đứt gãy chuỗi cung ứng thì họ mới nhận ra lý do bị loại khỏi thị trường.
Do vậy, Diễn đàn lắng nghe nông dân nói lần này của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có ý nghĩa định hướng tuyên truyền, hỗ trợ người nông dân nhận thức được quy định của toàn cầu.
Thời gian qua, Việt Nam đã bán được 10,2 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 51 triệu USD, đây là nỗ lực trong 10 năm đàm phán, nỗ lực phát triển rừng. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai Dự án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh, giảm phát thải.
Trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các nước trên thế giới đều áp dụng mô hình sản xuất tuần hoàn, giảm ô nhiễm. Với Đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp, bà con chỉ cần thay đổi một chút trong quy trình canh tác cũng đã góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập, bởi thực tế, canh tác lúa đang chiếm tới 40% lượng phát thải của ngành nông nghiệp. Quy trình canh tác “ngập – khô xen kẽ” sẽ là mô hình điển hình để giảm phát thải, cải thiện đời sống nông dân.
Có nghĩa là chỉ cần một thay đổi nhỏ trong sản xuất của nông dân cũng có thể mang lại những thay đổi lớn, thu hút được nguồn tài chính khí hậu?
Đúng là vậy, nếu áp dụng được mô hình, giảm được phát thải thì sẽ có cơ hội bán được tín chỉ carbon, từ đó hỗ trợ cho nông dân, bởi nguyên tắc của thế giới là người phát thải phải trả phí cho người hấp thu phát thải, thông qua cơ chế chi trả này thì người nông dân có thu nhập, đáp ứng cân bằng cho những khu vực chuyển đổi mục đích và những khu vực không được chuyển đổi và hấp thu carbon.
Tài chính khí hậu là công cụ tài chính của toàn cầu, được thiết kế để các nước phát triển tài trợ cho các nước đang phát triển. Thời gian qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ tợ của WB, các đơn vị song phương, đơn vị tài chính đa phương. Người nông dân cũng có thể nhận được nguồn tài chính khí hậu này nếu ghi nhận quá trình giảm phát thải, ghi nhật ký giảm phát thải. Ví dụ, với sản xuất lúa, ngày nào đưa nước vào, ngày nào rút nước, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật… Nông dân cần được hỗ trợ công cụ chuyển đổi số để thực hiện thành công, đưa số liệu vào để không lãng phí tín chỉ carbon trong quá trình canh tác. Công nghệ xanh, tài chính xanh, năng lượng xanh là những vấn đề nông dân cần được tiếp cận.
Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, cần giải quyết như thế nào, thưa ông?
Luật Đất đai 2024 đưa ra quy định về 3 ranh giới, 4 khu vực, trong đó, khu vực được bảo vệ sẽ không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không phát thải. Cách thức quy hoạch dựa vào hệ sinh thái, dựa vào phương pháp tiếp cận cảnh quan, quản lý đất đai theo lưu vực sông từ thượng, trung nguồn, hạ nguồn và ven biển; tạo sự cân đối giữa khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất với không được chuyển đổi, giữa khu vực công nghiệp và khu vực nông nghiệp, bảo tồn, giữa xã hội hiện tại và tương lai.
Theo tôi, để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn thì cần khai thông nguồn nước, đảm bảo hệ thống nước thải phải được xử lý triệt để. Ngoài ra, trong sản xuất, vấn đề xử lý bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, giá thể nuôi trồng thủy sản, đệm lót chuồng, rơm rạ sau thu hoạch cũng phải được thu gom, xử lý, tái chế thành nguyên vật liệu trong công nghiệp. Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, chất thải của ngành này có thể là tài nguyên của ngành khác không chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn cải thiện cuộc sống của người dân.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nguồn: https://danviet.vn/vien-truong-vien-chien-luoc-chinh-sach-tai-nguyen-moi-truong-bo-tnmt-nong-dan-can-duoc-tiep-can-voi-nguon-tai-chinh-xanh-20241122124244726.htm