Cập nhật ngày: 17/08/2023 10:45:14
ĐTO – “Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Đồng Tháp cần phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng, hình thành các chuỗi ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, lợi thế so sánh gắn với xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh hơn nữa các sản phẩm OCOP. Đồng thời hỗ trợ liên kết sản xuất – tiêu thụ thông qua kênh trực tuyến, sàn thương mại điện tử…” – Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến đến thăm và làm việc với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thứ 6 từ phải sang) thăm nhà máy sản xuất lúa, gạo của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice)
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN
Thời gian qua, Đồng Tháp triển khai có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững theo Kết luận số 250-KL/TU ngày 9/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI. Tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển tốt, nông sản được tiêu thụ thuận lợi, giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 21.671 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 3,94% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 820 tỷ đồng). Phát huy thế mạnh vốn có, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển và xây dựng các chuỗi ngành hàng chủ lực (lúa, cá tra, hoa kiểng, xoài, sen) và triển khai Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp; mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng…
Đồng Tháp còn quan tâm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp. Là đơn vị thành viên của Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (VINASEED), Vinarice (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười) đầu tư nhà máy sản xuất tổng vốn đầu tư trên 350 tỷ đồng, công suất sấy và chế biến 50.000 tấn hạt giống và 100.000 tấn gạo/năm, với hệ thống dây chuyền công nghệ sấy và chế biến hiện đại, đồng bộ, hoàn toàn tự động.
Thời gian qua, Vinarice liên kết sản xuất với nông dân trên địa bàn tỉnh thông qua việc cung cấp hạt giống với giá bán theo quy định; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu toàn bộ sản lượng trên diện tích hợp tác liên kết với nông dân theo giá thị trường. Bên cạnh đó, Vinarice phối hợp với UBND huyện Tháp Mười xây dựng mô hình “Cánh đồng liên kết” với quy mô 700ha. Mô hình này ứng dụng công nghệ thông tin và máy móc hiện đại phục vụ quản trị sản xuất từ nước, phân bón, chỉ dẫn môi trường, độ pH… phù hợp với sự sinh trưởng, đảm bảo năng suất tối đa, tiết kiệm vật tư, phân bón và bảo vệ môi trường. Từ đó, mô hình sản xuất góp phần thay đổi tập quán của nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng sản xuất sạch, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm…
Trong chuyến thăm và làm việc với Vinarice, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, đơn vị đang thực hiện tốt các nhiệm vụ của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo định hướng nông dân văn minh, thu nhập cao, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, tích cực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng cho rằng, để nâng cao giá trị sản phẩm, Vinarice phải tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; chú trọng đầu tư, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt nói chung và của công ty nói riêng; quy hoạch vùng nguyên liệu với quỹ đất hợp lý; bảo đảm lợi ích phù hợp cho người nông dân góp phần công nghiệp hóa nông thôn. Cùng với đó, phát triển chế biến sâu; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất sạch, kỹ thuật canh tác phù hợp; bao bì, mẫu mã hấp dẫn; thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc gắn với chuyển đổi số; tiến hành quy trình sản xuất tiên tiến, xanh, giảm phát thải khí methane; tích cực hợp tác bền vững với các đối tác, coi trọng văn hóa, đạo đức kinh doanh, phát huy truyền thống, đạo lý của con người Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, Vinarice phải xây dựng tốt hệ sinh thái là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ nông dân với thỏa thuận hợp tác lâu dài, hài hòa lợi ích, ổn định thị trường, phát triển văn hóa kinh doanh…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (bìa trái) đánh giá cao quy mô sản xuất của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi
NÔNG DÂN CẦN ĐỔI MỚI TƯ DUY TRONG SẢN XUẤT
Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi dần chuyển sang các loại cho giá trị kinh tế cao. Đồng thời khuyến khích, phát huy hiệu quả các mô hình khuyến nông.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) tạo nên chuyển biến lớn trong nâng cao giá trị ngành nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, cho biết: “Hợp tác xã được thành lập năm 2002, với vốn góp hơn 1 tỷ đồng, đến nay có 95 thành viên, trong đó có 10 đảng viên. Những năm qua, hợp tác xã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: ứng dụng đồng bộ cơ giới, công nghệ vào sản xuất, liên kết sản xuất. Từ đó, giúp xã viên nâng cao thu nhập, đời sống ngày càng được cải thiện. Hợp tác xã chủ động trong liên kết sản xuất giống và lúa hàng hóa; đang thực hiện sản xuất lúa theo tiêu chuẩn lúa gạo bền vững (SRP), tuân thủ các tiêu chuẩn quy định góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân…”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, mô hình của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi đi đúng với chủ trương, đường lối của Đảng là xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh. Đây cũng là mô hình phát triển xanh với các yếu tố kinh tế tuần hoàn của hợp tác xã, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao tư duy thay đổi của nông dân Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi trong việc triển khai xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp văn minh, thay đổi từ việc không phải cày cuốc thủ công sang áp dụng số hóa trên đồng ruộng. “Chúng ta đang đi đúng hướng, hiện đại hóa nông dân là 1 trong 3 trụ cột rất quan trọng của số hóa, kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh. Chúng ta tiếp tục cần làm gì? Một là số hóa, rất quan trọng. Hai là tích tụ ruộng đất, để có vùng nguyên liệu. Ba là khâu canh tác, khâu chăm bón có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ. Thứ tư là vốn, cần có chính sách. Thứ năm là thị trường, cần có doanh nghiệp tham gia vào” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, Hợp tác xã cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm kết nối, khai thác hiệu quả kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ năng sản xuất; kết nối nhanh chóng, kịp thời giữa sản xuất với thị trường. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện sản xuất xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm; thúc đẩy cơ giới hóa, nâng cao năng suất lao động; xây dựng thương hiệu; giảm chi phí đầu vào để nâng cao hiệu quả sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu hạt gạo; quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị sản xuất; chú trọng thiết kế tốt bao bì mẫu mã sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị hạt gạo…
KHÁNH PHAN