Ông Nguyễn Hữu Khải, Phó chủ tịch UBND xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Phát huy lợi thế vùng ngọt hoá, những năm qua, xã tập trung phát triển các mô hình cây, con phù hợp, trong đó có mô hình nuôi cá bổi (51 ha) và diện tích trồng màu khá lớn. Tuy nhiên, năm 2022 và những tháng đầu năm nay, giá cá bổi thương phẩm giảm 15-20 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ; giá hoa màu, nông sản cũng không ổn định. Trong khi đó, chi phí đầu vào phục vụ sản xuất tăng, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, lợi nhuận cũng như tâm lý người dân. Tôi mong các cấp thẩm quyền có chính sách hỗ trợ bà con sản xuất nông nghiệp và quản lý chặt chẽ giá vật tư nông sản, đúng chất lượng, đúng giá, giúp bà con giảm chi phí đầu vào, nâng cao lợi nhuận trong sản xuất”.
Ông Dương Văn Ngoan (ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) cho biết, 2 năm nay giá thức ăn cho cá tăng cao, trong khi giá cá bổi thương phẩm thì quá rẻ, 10 người nuôi thì hết 8 người lỗ. “Riêng tôi, để chống chọi với cơn “bão giá”, tôi tự ép con giống, tranh thủ mua thức ăn từ đại lý lớn, kết hợp đa cây, đa con trên cùng diện tích như: nuôi cá bổi, cá rô, sặt đồng; nuôi chồn hương, ếch… Tận dụng các nguồn thức ăn tự trồng, tự nuôi phục vụ lại các mô hình trên nhằm tiết giảm chi phí. Làm như vậy mới có đường lời”, ông Ngoan nói.
Ông Dương Văn Ngoan (đứng giữa) tận dụng các nguồn thức ăn tự trồng, tự nuôi phục vụ lại các mô hình nhằm tiết giảm chi phí sản xuất
Tương tự, vì giá xăng, điện, vật tư nông nghiệp tăng cao mà hiện nay người dân vùng mặn chuyên nuôi tôm công nghiệp, tôm siêu thâm canh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp HTX tỉnh, cho biết: “Liên hiệp HTX Cà Mau hiện có 9 HTX thành viên, số lượng đầm nuôi tôm quảng canh cải tiến, siêu thâm canh trong hệ thống HTX rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay khoảng 70% diện tích bỏ đầm, không có vốn để nuôi. Còn lại 30% duy trì, gần đây có hộ đã lên tôm đạt hiệu quả, tôm cỡ 40 con/kg, nhưng chỉ bán được giá 97 ngàn đồng/kg, trong khi đó tiền đầu tư nuôi cho thu hoạch 1 kg tôm đã là 82 ngàn đồng, đối trừ chi phí thì người nuôi tôm không có lãi; với thực tế này, bà con không thể tiếp tục nuôi được nữa. Ðể nuôi thành công một đầm tôm siêu thâm canh, người nuôi rất áp lực, bởi tính rủi ro cao, nhất là thời điểm mùa mưa như hiện nay. Vậy mà, dẫu có nuôi thành công, nông dân vẫn không có lãi, điều này rất bất hợp lý. Nông dân đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, vì nếu nuôi tiếp thì sợ lỗ, mà ngưng thì lãi suất vay ngân hàng đội lên từng ngày”.
Hiện nay, hộ nuôi tôm siêu thâm canh đang gặp khó khăn do giá tôm thương phẩm giảm mạnh, trong khi các chi phí đầu vào đều tăng.
Ông Ðinh Hiếu Nghĩa, Phó chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, hàng năm Thanh tra Sở thành lập Ðội Thanh tra liên ngành tổ chức các đợt kiểm tra chất lượng, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã kiểm tra 160 mẫu, hiện đã có kết quả 89 mẫu, đạt chất lượng 64 mẫu, không đạt 13 mẫu. Riêng về kiểm tra giá, hàng năm Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Thanh tra Sở Tài chính kiểm tra việc niêm yết giá trên bao bì, kê khai giá đúng giá tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Nhìn chung, về giá và chất lượng tương đối ổn định. “Riêng vấn đề giá vật tư phục vụ sản xuất tăng, điều mà nông dân quan tâm thời gian qua, nguyên nhân xuất phát từ biến động thị trường trong và ngoài nước, mong bà con sáng suốt lựa chọn nhà cung ứng uy tín, chất lượng, kết hợp tiết giảm chi phí, góp phần tăng hiệu quả, lợi nhuận trong sản xuất”, ông Ðinh Hiếu Nghĩa thông tin.
Ðể tự cứu mình khỏi cơn “bão giá”, hạn chế tối đa sức ảnh hưởng của giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, theo khuyến cáo của ngành chức năng, nhà nông cần thay đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ; tận dụng các nguồn hữu cơ hiện có, các chế phẩm nông nghiệp phục vụ trong sản xuất.
Để tiết giảm chi phí trong nuôi cá bổi, ông Thi Văn Bình, Ấp 3, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tự ép giống cá bổi cho 1,5 ha diện tích nuôi, đồng thời chọn phương pháp nuôi mật độ thưa, tiết kiệm thức ăn, cá lớn nhanh, hiệu quả.
Riêng vấn đề giá tôm nguyên liệu giảm sâu, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ trì 2 hội nghị đánh giá tình hình, đề ra giải pháp giúp bà con ổn định sản xuất trong nuôi tôm, đặc biệt là tôm siêu thâm canh. Tỉnh đã kiến nghị Trung ương có những chính sách về thuế, về phí, làm sao giảm được giá thành thức ăn, hoặc kiến nghị Chính phủ có gói tín dụng khoảng 10 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, chế biến thuỷ sản. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngân hàng ở địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi vay được vốn với lãi suất ưu đãi để bà con duy trì sản xuất. Ngành chức năng tỉnh cũng khuyến cáo bà con quan tâm nuôi quảng canh cải tiến 2 giai đoạn giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất tôm nuôi. Ðồng thời, ngành sẽ bám sát thị trường để thông báo cho bà con nắm, tiếp cận thông tin thị trường, có định hướng nuôi phù hợp với từng thời điểm, đảm bảo việc nuôi hiệu quả, lợi nhuận cao nhất./.
Loan Phương