Những ngày thời tiết nồm ẩm, cửa hàng của chị Nguyễn Thị Chính nằm trên phố Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) phải hoạt động hết công suất. Có những thời điểm trung bình mỗi ngày cửa hàng của chị Chính phải giặt cả tạ quần áo, số lượng đơn hàng tăng gấp 5 lần bình thường. Do đơn hàng quá nhiều, chị Chính phải huy động thêm người nhà cùng phụ giúp, làm việc xuyên đêm để kịp trả đơn đúng hạn cho khách.
“Những ngày thời tiết nồm ẩm kéo dài, các máy giặt là của nhà tôi phải hoạt động hết công suất. Những hôm cao điểm, cửa hàng của phải giặt đến cả tạ quần áo. Do đơn hàng tăng nên máy móc hầu như phải hoạt động từ sáng đến hết đêm để kịp trả đơn cho khách”, chị Chính cho hay.
Theo chị, bình thường, chị sẽ trả hàng cho khách ngay trong ngày, song ở thời điểm nồm ẩm này, đối với những đơn hàng quần áo cần giặt là kỹ lưỡng như váy nhiều chi tiết, quần áo trắng, chị thường hẹn khách trả đơn ngày hôm sau.
Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, khu vực Trần Thái Tông, Xuân Thủy, Trần Cung… dù chỉ vài trăm mét là có một cửa hàng giặt là, song chỗ nào cũng chật kín quần áo với lượng khách tăng gấp 3-5 lần so với ngày thường.
Chị Khánh Ninh (chủ của một tiệm spa tại phố Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị thường xuyên sử dụng dịch vụ giặt là tại các cửa hàng gần nhà; trung bình một tuần sử dụng từ 3-4 lần. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết nồm ẩm hiện tại, ngày nào chị cũng phải đem đồ đi giặt.
“Trời nồm ẩm tạo điều kiện cho các vi trùng, vi khuẩn sinh sôi, tiềm ẩn nguy cơ gây các loại bệnh đường hô hấp, nhất là đối với những sản phẩm quần áo. Do vậy, để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và người thân, nhiều gia đình đã mang quần áo đến cửa hàng để giặt là, điều này giúp cho quần áo thơm tho và tránh được các vi khuẩn sinh sôi, ảnh hưởng đến sức khỏe”, chị Khánh Ninh cho hay.
Là sinh viên thuê trọ không có máy sấy, quần áo phơi ở nhà khoảng 3 – 4 ngày mới khô, nhưng vẫn cảm giác bị ẩm và nấm mốc, Phí Thị Hiền (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lựa chọn cách đem áo quần ra tiệm giặt là vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chị Hiền cho biết: “Sáng hôm nay, tôi mang quần áo đi giặt ở Trần Thái Tông nhưng hiện tại các tiệm rất đông khách, nhiều cửa hàng gần nhà quá tải, không nhận thêm đồ nữa, nên tôi phải mang quần áo đến giặt ở tiệm xa”, chị Hiền cho hay.
Những ngày này, giá giặt là tại một số cửa hàng có tăng nhẹ, khoảng 5 – 10%. Đồ từ 4kg đổ xuống, mức giá giặt sấy dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, trên 4 – 8kg thì giá khoảng 14.000 – 16.000 đồng/kg. Giá dịch vụ giặt chăn lông sẽ dao động từ 45.000 – 90.000 đồng/cái, tuỳ kích thước.
Đối với các loại trang phục như comple, đồ vest, đồ lụa, đồ thiết kế… để đảm bảo quần áo không bị thay đổi phom dáng sau khi được làm sạch thì khách hàng thường hay chọn giặt khô. Một chiếc áo vest giặt khô hết khoảng 70.000 đồng/chiếc, áo khoác khoảng 90.000 đồng/chiếc. Giá giặt giầy khoảng 50.000 – 60.000 đồng/đôi.
Theo dự báo, từ nay đến ngày 18.3, thời tiết miền Bắc vẫn duy trì ở trạng thái mưa phùn, nồm ẩm, đêm và sáng trời lạnh. Trước hiện tượng nồm ẩm kéo dài, người dân được khuyến cáo nên lau dọn các thiết bị, vật dụng trong nhà bằng khăn khô thường xuyên, đặc biệt với những đồ dùng bằng gỗ. Các thực phẩm tích trữ cần bảo quản cẩn thận, tránh ẩm mốc.