Trong 2 ngày 7 – 8.11, trên hành trình ‘Nối vòng tay ấm’, các nhà tài trợ chương trình đã đến một số điểm trường bị thiệt hại nặng nề do bão Yagi để thăm hỏi, động viên các em học sinh và trao tặng nhiều phần quà hỗ trợ cho các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng.
“HÔM XẢY RA LŨ, NHÀ EM NGẬP TỚI NÓC”
Đã tròn 2 tháng từ khi bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào VN, nhưng hậu quả nặng nề và dư âm của cơn bão vẫn hiện hữu ở các trường học thuộc các tỉnh miền núi phía bắc.
Ở nhiều nơi, trường học bị hư hại nặng, nhiều đồ dùng học tập, sách vở và trang thiết bị dạy học hư hỏng, không thể sử dụng. Nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa lại càng gặp khó khăn khi đến trường. Trước thực trạng đó, T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên, Quỹ Niềm Tin Vàng và PNJ đã công bố dự án “Nối vòng tay ấm” cùng nhiều doanh nghiệp mang đến sự hỗ trợ về giáo dục cho trẻ em tại những khu vực chịu ảnh hưởng sau thiên tai.
Tại Trường tiểu học Túc Duyên, P.Túc Duyên, TP.Thái Nguyên, cô Phạm Quỳnh Trang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết do ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn bộ trường bị ảnh hưởng nặng, ngập sâu từ 150 – 200 cm. Do vậy, các trang thiết bị bao gồm bàn ghế, bảng, đồ dùng học tập, sách vở, đồ dùng dạy học… ngập trong nước và hư hỏng, không thể sử dụng. Tổng thiệt hại ban đầu ước khoảng 2 tỉ đồng. Trong đó, 2 khu thư viện xanh ngoài trời và phòng thư viện là không gian để các em học sinh (HS) học tập, kết nối và phát triển kỹ năng sống… bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều HS của trường do nhà bị ngập đã mất hết tài sản, không có đồ dùng học tập để đến trường.
Cô PHẠM QUỲNH TRANG (Hiệu trưởng Trường tiểu học Túc Duyên, P.Túc Duyên, TP.Thái Nguyên)
“Nhà trường có 776 HS, khi cơn lũ đi qua có 615 gia đình có nhà bị ngập trong nước, nhiều nhà ngập tận nóc. Vì vậy, hầu hết HS đến trường trong tình trạng phải đựng đồ dùng bằng túi ni lông”, cô Quỳnh Trang chia sẻ.
Chính vì thế, khi dự án “Nối vòng tay ấm” mang kinh phí đến hỗ trợ trường và trao tặng đồ dùng học tập cho HS, cô Quỳnh Trang xúc động cho biết: “Những sự đóng góp này không chỉ giúp nhà trường nhanh chóng khắc phục hậu quả của thiên tai mà còn là nguồn động viên to lớn về tinh thần, giúp chúng tôi thêm vững tin và quyết tâm tiếp tục hoàn thành sứ mệnh giáo dục”.
Là một HS có hoàn cảnh rất khó khăn, em Vũ Bảo An, HS lớp 5, kể: “Bố em mất từ khi em còn ở trong bụng mẹ, nên gia đình chỉ có 3 mẹ con, em và một chị học lớp 7. Mẹ không có việc làm ổn định, chỉ buôn bán lặt vặt để có tiền. Hôm xảy ra lũ, nhà em bị ngập tới nóc nên không còn tài sản gì cả”. Khi nhận được suất học bổng của chương trình và bộ đồ dùng học tập, Bảo An rất vui: “Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội”.
“CÁC CON SẼ KHÔNG CÒN BỊ LẠNH NỮA”
Tại tỉnh Lạng Sơn, đoàn công tác đến thăm điểm trường Co Hương thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học 2 xã Hữu Kiên, H.Chi Lăng. Đây là trường thuộc xã vùng III điều kiện đặc biệt khó khăn. Cơn bão số 3 đã gây hư hỏng nặng rất nhiều đoạn đường khiến việc đi lại vô cùng nguy hiểm khi một bên là vực sâu, một bên là sườn núi đã bị sạt lở nghiêm trọng. Vì thế sau bão, việc đi lại của HS càng khó khăn hơn, số lượng HS có nhu cầu ở lại trường khá đông nhưng nhà trường không đủ chỗ ăn, ở và nhà vệ sinh, đặc biệt là nguồn nước để sinh hoạt, do ống dẫn nước từ núi xuống đã bị bão tàn phá.
Cô Vi Thị Dịu, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay ở đây mùa đông rất khắc nghiệt, có khi thời tiết xuống đến 4 – 5 độ C, nên HS rất lạnh. Đa số HS của trường là con em dân tộc Tày, đời sống còn nhiều khó khăn, trong số 121 em còn có 48 em thuộc hộ nghèo, có khi mùa đông đi học chỉ có manh áo mỏng và đôi dép tổ ong. Nhà trường chỉ mong có được 1 giếng khoan sạch để có nước nấu ăn bán trú cho trẻ và nước ấm cho trẻ sử dụng vào mùa đông.
Được dự án hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất và trao tặng áo ấm, đồ dùng học tập cho HS, cô Dịu phấn khởi nói: “Vậy là mùa đông năm nay các con sẽ không còn lạnh nữa. Chúng tôi rất biết ơn và cảm động khi dự án đã mang đến hơi ấm cho HS và nhà trường để giúp chúng tôi vượt qua khó khăn”.
Tại tỉnh Lào Cai, đoàn công tác đã đến thăm Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 xã Sán Chải, H.Si Ma Cai. Ông Nguyễn Xuân Chung, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết mưa lũ do bão số 3 khiến nhà trường bị thiệt hại một số hạng mục như khu vực cảnh quan phía trước; những khu tiểu cảnh, khu vực nhà bán trú của HS cũng bị sạt lở mất một phòng, HS vẫn không thể ở được.
Theo ông Chung, 100% HS trong trường là người dân tộc Mông, điều kiện kinh tế của gia đình các em cũng hết sức khó khăn. Dù được nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhưng một số gia đình vẫn đi làm ăn xa, các em phải ở nhà với ông bà, người thân nên rất vất vả. Đặc biệt, vừa qua do ảnh hưởng của mưa lũ khiến cuộc sống gia đình các em gặp khó khăn hơn. “Hôm nay, nhận được sự hỗ trợ từ T.Ư Đoàn, Quỹ Niềm Tin Vàng, Công ty PNJ, Báo Thanh Niên, tôi hết sức cảm động. Qua đây, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các đơn vị đã quan tâm đến cuộc sống của các em HS vùng cao”, ông Chung nói.
Trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng
Là đơn vị hỗ trợ tới 3 tỉ đồng cho chương trình, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Niềm Tin Vàng, chia sẻ xuyên suốt chặng đường phát triển 36 năm qua cũng như quá trình xây dựng định hướng trong tương lai, PNJ luôn gắn liền với phát triển bền vững. Triết lý đó đã khẳng định hướng đi đúng đắn mà doanh nghiệp luôn theo đuổi từ những ngày đầu thành lập, luôn đặt lợi ích khách hàng và lợi ích xã hội vào lợi ích của doanh nghiệp.
“PNJ luôn tâm niệm rằng doanh nghiệp không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn phải đóng góp cho cộng đồng. Thấy được giá trị, ý nghĩa của chương trình “Nối vòng tay ấm”, chúng tôi mong muốn thể hiện tinh thần sẻ chia, yêu thương, những giá trị mà PNJ luôn hướng tới. Việc ủng hộ 3 tỉ đồng từ Quỹ Niềm Tin Vàng là một minh chứng cho cam kết của PNJ đối với cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chúng tôi tin rằng các em nhỏ là tương lai của đất nước, và việc đầu tư cho giáo dục là một hành động có ý nghĩa lâu dài”, bà Dung nhìn nhận.
Ngoài PNJ, dự án “Nối vòng tay ấm” còn nhận được hỗ trợ của Quỹ Từ thiện của nhân viên Công ty Dragon Capital 400 triệu đồng, Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân (DUYTAN Recycling) 200 triệu đồng, Công ty CP Kết nối nhân tài (Talentnet) 200 triệu đồng, Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) hơn 300 triệu đồng… Cùng với đó, Công ty CP Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội (NXB Giáo dục VN), Công ty CP đầu tư quốc tế Hải Hà – Classmate và Công ty CP Đầu tư xuất bản – Thiết bị giáo dục VN (VEPIC) cũng có nhiều ưu đãi sách và đồ dùng học tập dành riêng cho chương trình.
Nguồn: https://thanhnien.vn/noi-vong-tay-am-mang-hoi-am-len-vung-cao-18524110820380868.htm