Con biết không, mẹ là một cô gái tỉnh lẻ ra Hà Nội học đại học. Một cô gái mang bao nhiêu hoài bão về một “cuộc cách mạng” cải cách bản thân và thoát khỏi cái nóng bức của miền Trung. Mẹ nhớ ngày mẹ lên tàu ra Hà Nội để trở thành cô sinh viên, mẹ nghĩ mẹ đã bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống thật khác…
Ra trường, mẹ đã từng là một cô phóng viên xông xáo, luôn xung phong đi đến những nơi công tác xa nhất. Đã có lúc mẹ thất nghiệp, nhưng vẫn sống được bởi mẹ đã có cây bút, có những chuyến đi thực tế để khi túng thiếu lại viết bài gửi cho các báo kiếm nhuận bút. Và mẹ đã tự động viên mình phải cố lên, phải trở thành một nhà báo giỏi. Mẹ bỏ quên những thói quen nữ tính như hẹn hò, mua sắm, tụ tập với bạn bè… mẹ bị cuốn vào các “vụ việc”, vào các chuyến công tác, vào những cuộc phỏng vấn.
Mẹ sống trong niềm tự hào mình có “quyền lực thứ 4”, được mọi người nhìn với bao con mắt vị nể, ước ao. Mẹ thật sai khi đã mang cả niềm tự hào đó vào cuộc sống gia đình, khiến cho những bữa cơm ít khi có cả hai người, ngôi nhà luôn đóng cửa khép kín khiến hàng xóm nghĩ bố mẹ là những kẻ sống tạm bợ, khiến cho bao nhiêu lần cả bố và mẹ phải nói chuyện với nhau trong căng thẳng đến mức bố phải ra điều kiện, “hoặc là gia đình, hoặc là nghề báo”!
Nhưng từ khi có các con, mẹ đã không còn là cô phóng viên ngông nghênh ngày nào. Mẹ trở thành người phụ nữ với những toan tính thường ngày. Nghĩ lại thấy cuộc sống gia đình đã thay đổi mẹ một cách không ngờ. Trước đây, mẹ thường thấy khó chịu khi thấy các đồng nghiệp lớn tuổi ở cơ quan cứ tất tưởi với cơm áo gạo tiền, với việc luôn nhìn đồng hồ để canh giờ đón con tan học. Vậy mà bây giờ, không biết tự lúc nào mẹ lặp lại vòng quay y như thế.
Trong suy nghĩ của mẹ bây giờ không còn là viết bài báo nào sao cho gây tiếng vang dư luận, mà đã thay bằng môn năng khiếu nào thì phù hợp với con trai, chế độ ăn của con sao cho chiều cao phát triển trong mùa hè này. Hay là phải đổi món cho con thế nào sau vụ ốm vừa rồi… Hình ảnh các con lúc nào cũng choán hết suy nghĩ của mẹ, khiến mẹ lùi xa dần những buổi họp mặt bạn bè, những thú vui mà mẹ đã từng say mê như xem phim, đọc sách, du lịch…
Mẹ từ một con người quảng giao, hay di chuyển, không bao giờ vắng mặt trong các cuộc vui trở thành một người sống nhờ nhờ, không cá tính, không lúc nào quá vui hoặc quá buồn. Gặp mặt bạn bè, sau một vài câu chào hỏi lại lôi các con ra làm chủ đề câu chuyện…
Thế đấy, nhưng biết làm thế nào. Bởi khi mẹ quyết định có các con, mẹ đã biết cuộc đời mẹ đã sang trang. Mẹ đã gạt ra khỏi suy nghĩ của mẹ ước mơ trở thành một “cây bút có quyền lực”, rằng một phóng viên có cá tính, đi đâu cũng có người vì nể. Mẹ trở thành một bà mẹ suốt ngày sấp ngửa với chợ búa, cơm nước rồi công việc cơ quan. Mẹ cũng trở thành một người đàn bà toan tính với bao nhiêu những ý nghĩ vụn vặt… Và thế là trông mẹ… cũng là một trong hàng triệu phụ nữ khác, có một nghề nghiệp, có một gia đình và có một gia tài, đó chính là các con!
Mẹ tự hào khi nhìn các con khôn lớn từng ngày, được đưa con trai đi khai giảng lớp 1, trò chuyện hàng ngày với con trong những bữa cơm chiều, được thấy em gái con ngày càng lớn hơn…
Các con của mẹ, đôi lúc lẩn thẩn mẹ có tiếc nuối, một chút thôi, về ngày xưa “oanh liệt”, nhưng khi chơi với các con, tắm cho con, cho con ăn, bao nhiêu ý nghĩ đó lại tan biến hết. Và mẹ đã biết rằng, mẹ thật hạnh phúc khi được trở thành… mẹ Đốp.
Nếu tháng 6 có 3 ngày đáng nhớ, mẹ sẽ nhớ ngày 28 tháng 6 nhất, rồi đến ngày Tết của các con. Niềm vui của mẹ là được nhìn các con lớn lên hàng ngày, là mỗi cuối tuần cả nhà mình đưa nhau đi chơi phố, là những lúc mẹ nấu cơm có con gái thủ thỉ nói chuyện… Và nghề báo, với mẹ, cũng như trăm ngàn nghề nghiệp khác. Đến ngày 21/6, thế nào bố cũng động viên bằng một bó hoa to, như thế là quá đủ với mẹ rồi.
Nguồn: https://giadinhonline.vn/noi-voi-con-ve-nghe-bao-d199576.html