Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trăn trở, những đứa trẻ còn chưa qua tuổi học trò, sẵn sàng dùng bạo lực để ứng xử với nhau, lỗi đầu tiên thuộc về người lớn. Liệu chúng ta đã tạo ra môi trường lành mạnh và an toàn cho trẻ em hay chưa?
Theo ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga, vẫn còn những nhức nhối liên quan việc thực hiện quyền trẻ em. (Ảnh: NVCC) |
Dưới góc nhìn của bà, nhận thức về vấn đề bảo vệ quyền của trẻ em ở nước ta hiện nay thế nào?
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước quốc tế về quyền trẻ em vào năm 1990. Tới nay, vấn đề bảo vệ quyền trẻ em trong cộng đồng có nhiều kết quả tích cực.
Sự tích cực trước hết đến từ hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện, với nhiều nội dung nổi bật đối với việc chăm sóc bảo vệ và giáo dục trẻ em tiêu biểu trong các luật như: Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Điện ảnh với nhiều điểm mới.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết của Chính phủ, các bộ ngành trung ương và địa phương rất kịp thời, nhất là những biện pháp bảo vệ, hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19; chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em…
Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề nhức nhối. Tình trạng xâm hại trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp. Có những vụ việc vô cùng đau lòng mà báo chí đã phản ánh, gây phẫn nộ trong dư luận.
Đáng báo động là những vụ việc trẻ em bị bạo hành, thậm chí bị tước đoạt quyền sống bởi chính người thân trong gia đình, số lượng trẻ em đuối nước hàng năm còn cao, sân chơi cho trẻ em còn thiếu. Trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần, trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi vẫn nhiều.
Vậy, bảo đảm quyền trẻ em ở Việt Nam đang gặp những thách thức gì?
Đầu tiên phải kể đến nhận thức về quyền trẻ em còn chưa đầy đủ ở một bộ phận người dân. Trong cộng đồng, vẫn còn tình trạng hiểu sai, thậm chí có những trường hợp không biết đến khái niệm này, là rào cản khá lớn trong công tác thực hiện quyền, bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Thứ hai, ngân sách dành cho công tác trẻ em còn ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Hệ thống cơ cấu, tổ chức, nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về trẻ em ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở thiếu về số lượng và chưa chuyên sâu về chất lượng, chuyên môn.
Thứ ba, cùng với sự phát triển của xã hội là sự xuất hiện nhiều vấn đề tiềm ẩn nguy cơ đối với trẻ. Chẳng hạn, môi trường thông tin và mạng xã hội chứa đựng nhiều yếu tố độc hại đối với những tâm hồn non nớt.
Thứ tư, với nhịp sống hối hả, hiện đại, đặc biệt là ở các đô thị lớn, cha mẹ, người thân có ít thời gian quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ em, cho dù đời sống vật chất ngày một nâng cao, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Là một ĐBQH, cảm xúc của bà về thực trạng trẻ bị bạo hành học đường, hiện tượng trẻ em bị bóc lột sức lao động hiện nay?
Nói về bạo lực học đường, chúng ta khoan hãy đổ lỗi cho trẻ em. Cổ nhân có câu “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Con người sinh ra, thiện lương vốn là bản tính ban đầu. Trẻ em dùng bạo lực để ứng xử với nhau, liệu điều đó có phản ánh môi trường và những điều được hấp thu từ người lớn hay không?
Liệu cha mẹ có biết hằng ngày các em lên mạng đọc và xem những gì? Cha mẹ có biết những giai đoạn phát triển tâm sinh lý của con, trong đó có những thời điểm “nổi loạn” và khủng hoảng. Nếu không có người đồng hành, tâm sự, sẻ chia, dẫn dắt, các em rất dễ lạc hướng. Cha mẹ có nghĩ những lời ăn, tiếng nói, ứng xử hàng ngày, nói rộng ra là những hành vi xã hội của mình đã và đang ảnh hưởng đến con em họ hay không? Những thứ đó tuy âm thầm nhưng tác động vô cùng mạnh mẽ đến sự hình thành nhân cách con cái, hơn tất cả mọi lời giảng dạy bằng lý thuyết.
Liệu thầy cô có thực sự thấu hiểu và đánh thức được tiềm năng của học trò? Người lớn đã tạo ra môi trường lành mạnh và an toàn cho trẻ hay chưa? Nhìn những đứa trẻ chưa qua tuổi học trò, sẵn sàng dùng bạo lực để ứng xử với nhau, tôi cho rằng, lỗi đầu tiên thuộc về người lớn.
Đó là chưa kể những trường hợp trẻ em bị bóc lột sức lao động. Không hiếm những trường hợp trẻ em còn rất nhỏ đã bị chính người thân đẩy ra đường kiếm sống, bị bắt bán hàng rong, bán vé số, thậm chí ăn xin….
Vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ sử dụng lao động là trẻ vị thành niên với khối lượng công việc nặng nề và đồng lương rẻ mạt. Tất cả những điều này đều vi phạm pháp luật về quyền trẻ em và đi ngược lại với những nỗ lực của quốc gia trong việc thực hiện công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Khuyến nghị của bà nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, bảo vệ tốt hơn nữa quyền trẻ em?
Theo tôi, về thể chế, chúng ta cần tiếp tục rà soát để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ và hiệu quả quyền trẻ em.
Báo cáo kết quả thực hiện năm 2022 của Chính phủ gửi Quốc hội có nêu giải pháp cho năm 2023 để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, trong đó có đề xuất nghiên cứu xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật học tập suốt đời và Luật Nhà giáo. Tôi hết sức tán thành bởi những luật này đều có những nội dung liên quan mật thiết đến việc thực hiện quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về trẻ em, quyền trẻ em cần được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa. Công tác chỉ đạo, phối hợp liên ngành phải được tăng cường để đạt hiệu quả tích cực hơn.
Còn vấn đề trách nhiệm nhận thức của công dân về việc bảo vệ quyền trẻ em thì sao, thưa bà?
Nhận thức của mỗi cá nhân có liên quan hết sức mật thiết đến công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật. Mặt khác, các bậc làm cha, làm mẹ cần chủ động, tích cực hơn trong việc tìm hiểu các quy định của pháp luật, tìm hiểu chính tâm tư, nguyện vọng của con trẻ.
Sau cùng, tôi nghĩ, muốn thực hiện tốt nhất quyền trẻ em, trước tiên cha mẹ hãy cho các em một mái ấm gia đình đúng nghĩa, để bảo đảm các em vừa có một cuộc sống đủ đầy về vật chất, vừa được quan tâm, chăm sóc, yêu thương và lớn lên trong một môi trường thực sự văn hoá, văn minh và lành mạnh.