Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nơi ươm mầm tình yêu văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ

Bảo tàng tỉnh Hà Nam được xây dựng năm 1999. Tại đây hiện đang lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh có giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học, khảo cổ, dân tộc học, trong đó có nhiều hiện vật gốc quý giá gắn với những sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình hình thành, phát triển của mảnh đất và con người Hà Nam. Với nguyên tắc hoạt động: "Lấy hiện vật làm ngôn ngữ thể hiện chính", Bảo tàng tỉnh đã nỗ lực thực hiện đa dạng nội dung thể hiện, thường xuyên tổ chức các chuyên đề trưng bày, triển lãm như: “Dấu ấn thời bao cấp”; triển lãm ảnh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt”; trình diễn văn hóa dân gian và hoạt động trải nghiệm; tái hiện không gian Tết xưa, tái hiện các trò chơi dân gian… thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Báo Hà NamBáo Hà Nam10/04/2025

Bên cạnh việc phục vụ khách tham quan tại các khu vực trưng bày, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với các đơn vị, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, trải nghiệm dành cho thanh thiếu nhi như: Triển lãm lưu động “Tư liệu và bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; tổ chức nói chuyện chuyên đề: “Tự hào mảnh đất - Con người Hà Nam”; chuyên đề “Tết Mậu Thân 1968 - Dấu ấn lịch sử”… Đây là những chủ đề hấp dẫn, trực quan, thu hút đông đảo học sinh tìm hiểu. Được nghe thuyết minh, mục sở thị các hiện vật tại bảo tàng để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy thích thú; qua đó giúp thế hệ trẻ tiếp cận lịch sử theo hướng sinh động, hiệu quả hơn.

Thời gian qua, một số trường học trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả hoạt động trải nghiệm, đưa học sinh đến tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh, phát huy giá trị tài nguyên trực quan để truyền dạy kiến thức và các kỹ năng cho học sinh, khơi dậy niềm hứng thú với lịch sử, văn hóa trong học sinh. Ngoài ra, các liên đội nhà trường còn tổ chức lễ kết nạp đội viên tại Bảo tàng tỉnh nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, từ đó tiếp thêm động lực để các em phấn đấu học tập, rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi...

Các em học sinh tham quan và tìm hiểu lịch sử, văn hóa tại Bảo tàng tỉnh.

Em Đỗ Khánh Huyền, học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, cho biết: Nếu chỉ nghe về lịch sử trong sách vở thì sẽ khó để nhớ những mốc thời gian nhưng khi được tham gia học tập ngoại khóa, trải nghiệm tại Bảo tàng, thông qua các hiện vật đang trưng bày mà cách hiểu, cách tiếp cận lịch sử dễ thấm hơn với chúng em. Sau khi được tận mắt quan sát các hiện vật, được các hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết, cụ thể về dấu mốc thời gian, giá trị văn hóa, lịch sử của các hiện vật, bản thân em cảm thấy rất trân trọng, biết ơn ông cha ta đã vượt qua bao khó khăn để thế hệ chúng em được sống trong hạnh phúc, đủ đầy. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để góp phần xây dựng quê hương đất nước. 

Đặc biệt, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã tích cực thay đổi để thích ứng với xu thế mới mà vẫn giữ được giá trị văn hóa, lịch sử. Theo đó, đã chú trọng vào việc xây dựng nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi và đối tượng tham quan. Thay vì những bảng chú thích dài dòng thì nay, đơn vị đã sử dụng hình ảnh, video, mô hình mô phỏng... kết hợp với công nghệ 3D hiện đại để tái hiện lịch sử một cách sinh động và chân thực, thu hút giới trẻ khám phá... Trong chuyến đi thực tế tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam, em Trần Minh Quang, sinh viên khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: Để có thêm nhiều thông tin, kiến thức phục vụ việc học tập, nghiên cứu, thời gian qua, em đã duy trì thói quen tới một bảo tàng tại Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận để trải nghiệm vào mỗi dịp cuối tuần. Khi đến với Bảo tàng tỉnh Hà Nam, em ấn tượng với cách bài trí khoa học, rõ ràng, thể hiện được tính hiện đại đối với các hiện vật ở đây. Điều đó, giúp ích rất nhiều cho em trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin... Việc học lịch sử của thế hệ trẻ chúng em hiện nay đã có sự thay đổi tích cực, không chỉ đơn thuần là việc học thông qua các trang sách, những buổi học trên lớp mà các chuyến đi tham quan tại các bảo tàng cũng là cách học hữu hiệu giúp học sinh có cái nhìn trực quan, hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của địa phương và đất nước qua các giai đoạn.

Trong năm 2024, Bảo tàng tỉnh đã đón trên 5.000 lượt khách đến tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm tại đơn vị, ở nhiều độ tuổi, trong đó, phần lớn là các bạn trẻ đang học tập và sinh sống trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo quản, tổ chức trưng bày phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Mong rằng, sau thời gian tu sửa cơ sở vật chất, Bảo tàng tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục là nơi hội tụ các giá trị di sản văn hóa, khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ. Thông qua hệ thống tư liệu, hiện vật, hình ảnh, biểu tượng, thước phim sinh động..., Bảo tàng tỉnh sẽ trở thành một trường học lý tưởng ngoài nhà trường, tạo niềm hứng thú, để lại ấn tượng sâu sắc trong nhận thức và ươm mầm tình yêu văn hóa lịch sử cho các bạn trẻ.

Gia Vinh

Nguồn: https://baohanam.com.vn/van-hoa/noi-uom-mam-tinh-yeu-van-hoa-lich-su-cho-the-he-tre-156030.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới
Máy bay chiến đấu cùng 13.000 chiến sĩ lần đầu hợp luyện cho đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm