Nhắc Thổ Nhĩ Kỳ, người ta nghĩ ngay đến doner kebap (bánh mì kẹp thịt nướng xoay) . Đây là món ăn nổi tiếng khắp châu Âu và cực kỳ kinh tế cho dân du lịch bụi ở vùng châu Âu đắt đỏ. Bước chân người Thổ Nhĩ Kỳ có mặt ở khắp châu Âu và lẽ đó, doner kebap không còn lạ lẫm nữa.
Ngoài ra, khi đặt chân đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), du khách cần khám phá những món ăn khác trong văn hóa ẩm thực nơi này. Đó là kẹo dẻo lokum – một loại thức ăn mà dân địa phương nói rằng “nó chính là lời chúc ngọt ngào nhất” mà họ dành cho nhau, của “thổ địa” dành cho du khách. Ngoài ra, các món ăn khác như mật ong gỗ thông Marmaris, bánh Baklaba, bánh ngọt hạt dẻ Bursa…đều là những món tuyệt vời của người Thổ Nhĩ Kỳ.
Là nơi giao lưu văn hóa của cả 3 châu: Phi – Á – Âu nên sự pha trộn của ẩm thực là đương nhiên trong suy nghĩ nhiều du khách khi đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nhất là khi thử vài món ăn quen thuộc từ gà, cá…, nhiều du khách đã hồn nhiên thắc mắc “đây là món ăn của Pháp, Ý, Đức…?”. Lập tức, gương mặt của quản lý nhà hàng hay nhân viên phục vụ quán “tối sầm lại”. Với họ, đó là câu hỏi mang tính xúc phạm. “Bởi lẽ, tất cả mọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ đều rất tự hào về văn hóa ẩm thực của mình” – quản lý khách sạn Alzer nằm ngay Quảng trường Sultanahmet ở Istanbul giải thích.
Vậy nên, sau vài lần bị giận bất ngờ, du khách nào cũng hiểu rằng họ phải thừa nhận món ăn gì ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng là ẩm thực của quốc gia này dù có nhận được lời mời “tôi sẽ đãi bạn món ăn đặc trưng Thổ Nhĩ Kỳ, nấu spaghetti (mì Ý) rất ngon”.
Thực ra, ẩm thực Thổ Nhĩ Kỳ có từ những năm 1400, lúc khởi đầu của đế quốc Ottoman. Salad sữa chua, cá ngâm dầu ôliu và những loại rau nhồi… từ lâu đã trở thành sản phẩm chủ yếu của đất nước này. Diện tích trải rộng từ Áo đến Bắc Phi giúp họ có vô vàn nguồn nguyên liệu ngoại lai nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Từ đó, thực phẩm ngoại quốc như xốt hollandaise Pháp và thức ăn nhanh của phương Tây trở thành đồ ăn quen thuộc của người Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Thổ Nhĩ Kỳ có thói quen ăn nhiều rau củ quả vào buổi sáng. Trong bữa đầu tiên của ngày, chúng ta sẽ thấy các món như cà chua, dưa chuột, ôliu ngâm ăn với trứng, phô mai, bánh mì. Và trên bàn ăn của người Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn phải có một tách nhỏ trà cay.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ – trà như là một tôn giáo
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ thân thiện là điều đã được truyền miệng và kiểm chứng trên khắp thế giới. Họ luôn cười nói vui vẻ. Sự thân thiện của họ luôn khiến cho bất cứ du khách nào cũng cảm thấy ấm lòng. Nhất là ở tất cả các bữa ăn, thực khách luôn được mời một tách trà nóng kèm viên đường cát trắng nén hình vuông. Với người Thổ Nhĩ Kỳ, đó là sự hiếu khách. Thế nên, nếu từ chối không uống, quản lý nhà hàng sẽ năn nỉ: “Chỉ vài phút thôi, hãy tận hưởng hương vị trà tuyệt vời của chúng tôi”. Họ chân thành đến mức đủ để níu chân bạn lại dù taxi đang đợi ngay cửa nhà hàng. Nếu lỡ vì quá no mà bỏ qua, bạn lập tức trở thành kẻ lập dị vì “bất cứ ai ở đất nước này cũng thích một tách trà, nhất là thời điểm mùa đông giá rét” – một người bạn Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ không lạ khi thấy hình ảnh những người bưng khay trà bán dạo trên đường phố hay các chợ. Với họ, trà là tôn giáo.
Nguồn: https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/noi-tu-choi-uong-tra-ban-thanh-nguoi-ky-la-20191212215432305.htm